Nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Đình Tâm: Niềm vui và giá trị sống ở mọi nơi

GD&TĐ - Là giáo viên của Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, nhưng vào thời đất nước có chiến tranh, Nguyễn Đình Tâm đã rời giảng đường, khoác áo lính.

Nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Đình Tâm.
Nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Đình Tâm.

Chính giai đoạn khốc liệt, đối diện với mất mát, đau thương đã để lại ký ức sâu đậm để trong thời bình ông viết nên những vần thơ, trường ca mặn mòi muối biển, dựng lên tượng đài tinh thần thiêng liêng, dành tặng những đồng đội đã hy sinh.

Trường ca “Thức với Biển” của nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Đình Tâm từng đạt giải Nhất trong cuộc thi sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức năm 2015. Đó là một dấu mốc đáng nhớ trong nghiệp viết của một người cầm bút. Nhưng không chỉ có vậy, cuộc đời của ông còn nhiều điều tuyệt đẹp, lạ lùng, mà thơ ông, dường như đang hàng ngày khai tỏ.

-  Thuở nhỏ ông có khát khao trở thành thủy thủ, hoặc nhà thơ hay không? Ông có thể chia sẻ với bạn đọc những kí ức sâu đậm thời thơ ấu của mình.

Thật kì lạ, thuở nhỏ tôi chưa hề khát khao trở thành thủy thủ cũng như nhà thơ. Tuy rằng hồn thơ đã chớm hình thành trong tôi từ ngày trong vòng tay và lời ru bằng thơ của mẹ. Mẹ tôi thường làm thơ giãi bày tâm trạng nỗi nhớ thương cho con cháu, đặc biệt là cho tôi.

Ngày bé, nhà tôi nghèo, không có tiền mua sách để đọc, một buổi đi học ở trường, một buổi bế em ra hiệu sách, tôi xin chú bán sách được đọc nhờ, chú thương, đưa khăn cho lau tay rồi cho chọn đọc và dặn không được gấp nếp và làm nhàu sách, thế là tôi vừa dỗ em vừa đọc say mê, mấy năm học cấp 2 tôi đã đọc hết cả quầy sách của chú bán sách ở thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Nghề thủy thủ tôi cũng chưa hề mơ tới, dẫu quê tôi ở Cửa Hội, hàng ngày dầm chân trong cát ướt chờ thuyền về, hàng ngày tôi ra rừng phi lao cào lá phi lao khô về cho bà nấu bếp, rồi bế em ra đầu ngõ chờ mẹ vãn chợ chiều, mùi cá nướng chợ Trang thơm lừng từng lối nhỏ, hương biển cứ thế ngấm dần vào nỗi nhớ cùng những lâu đài cát ướt và những con Dã tràng xe những “trái đất” mộng mơ…

-  Những tháng năm là giảng viên, Chủ nhiệm bộ môn tại Trường ĐH Hàng hải VN đã để lại cho ông giá trị gì trong cuộc đời?

Vốn là một cậu bé cần cù, hiếu học, khi được chọn ở lại giảng dạy tại trường, với truyền thống nho giáo của gia đình, những đồng lương có được, tôi đã trích một phần gửi về cho ba mẹ, một phần dành cho sự tự đào tạo, học thêm tiếng Nga, mua giáo trình tiếng Nga chuyên ngành để tham khảo, bổ sung vào giáo án, rồi mạnh dạn viết giáo trình.

Thế hệ người thầy chúng tôi thời ấy vì học sinh lắm, buổi tối thường tới phụ đạo cho học sinh cho tới lúc các em hiểu bài, nhưng cũng rất nghiêm túc trong kiểm tra, thi cử, điểm số đều đánh giá đúng trình độ học lực. Sau đó với những em chưa đạt, chúng tôi tổ chức phụ đạo thêm rồi cho thi lại… Tình cảm thầy trò, anh em thật ấm cúng.

Tôi là một trong những người làm công tác giảng dạy phải chịu nhiều thiệt thòi vì lý lịch, phấn đấu vào Đoàn đã khó, vào Đảng còn khó hơn, rồi làm hộ chiếu đi nghiên cứu sinh, thực tập sinh còn “khó hơn lên Trời”, tuy rằng tôi đã thi và được chọn đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, được học xong khóa bồi dưỡng tiếng Nga và Ba Lan.

Với quá trình 13 năm liền là giáo viên dạy giỏi và nhiều năm là CSTĐ tôi mới được tồn tại trên giảng đường sau 2 lần giảm biên của Nhà nước. Tuy vậy lòng tôi vẫn thanh thản lắm, tôi nghĩ rằng, bất cứ ở cương vị nào, thời điểm nào, mỗi người cũng có thể tìm được niềm vui và giá trị của nó.

Với tôi cũng vậy, tôi đã nhận được niềm tin và tình thương yêu của học sinh, các đồng nghiệp và Lãnh đạo nhà trường.

Bài học của tôi trong mấy chục năm giảng dạy là không chỉ truyền đạt lại được kiến thức cho người học, mà phải truyền được cảm hứng về môn học, cảm hứng về nghề nghiệp cho học sinh của mình, và tôi đã thành công. Giá trị có ý nghĩa nhất trong đời dạy học mà tôi có được là niềm tin và tình yêu thương của học sinh và đồng nghiệp dành cho mình.

Ấn phẩm “Một thời biển cả” của nhà thơ Nguyễn Đình Tâm.
Ấn phẩm “Một thời biển cả” của nhà thơ Nguyễn Đình Tâm.

- Khi ở trên tàu, lênh đênh trên biển, ông đón những tứ thơ, viết thơ như thế nào? Ông có hình dung gì về con đường thơ ca của mình từ khi đó?

Vốn có lòng đam mê và yêu văn học từ bé, thừa kế tâm hồn thơ của mẹ tôi, hồi lớp 8 tôi đã có thơ chọn đăng Tập san của trường và được trao thưởng;

Nhưng mãi tới những năm 70 tôi mới mạnh dạn gửi và có thơ đăng báo, bài thơ đăng báo Văn nghệ đầu tiên là 2 bài thơ thiếu nhi “Gió” và “Bé hỏi con sóng” mà nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Phạm Hổ đã cho đăng ngay sau khi tôi gửi.

Tạp chí Cửa biển, báo Văn nghệ Quân đội cũng đăng những bài thơ sáng tác sau đó, đó là nguồn động viên tôi đến với thơ nhiều hơn.

Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm Tổng Thư Ký Hội VHNT Hải Phòng luôn khích lệ, hướng dẫn chúng tôi viết rồi giới thiệu tôi vào Hội. Năm 1975, nhà văn Nguyên Hồng đã kí quyết định kết nạp tôi vào Hội VHNT Hải Phòng, từ đó tôi viết và đăng nhiều hơn.

Đặc biệt, năm 1977 tôi có tham luận về “Mối liên hệ giữa khoa học và văn học” trong một cuộc Hội thảo lớn của miền Bắc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hạ Long, được Hội thảo và dư luận đánh giá tốt và giới thiệu tham luận trên báo Văn Nghệ và Tạp chí Nghiên cứu Văn học. Đó là nguồn năng lượng lớn truyền cảm hứng cho tôi.

Tôi có nhiều đợt dẫn sinh viên đi thực tập trong và ngoài nước, mỗi chuyến nhổ neo rời đất liền là một lần cảm xúc dâng trào, rồi từng đàn Hải âu khoát cánh tiễn đưa cho đến khi đường chân trời quây tròn mặt biển, nhận con tàu di động làm tâm… Hoàng hôn, rồi bình minh, sóng gió và bão tố… và người thủy thủ tồn tại bằng niềm tin và lòng dũng cảm cho đến khi nhận ra những ngọn Hải đăng của những châu lục và những miền đất hứa của cuộc sống phồn vinh… Tất cả, tất cả những điều đó khi bắt gặp tâm hồn nhạy cảm đều thành những câu thơ, đoạn thơ viết ra và… nằm im trong nhật kí chờ dịp để hồi sinh.

Thơ viết hồi ấy như một nhu cầu để dãi bày tâm trạng chứ cũng chưa nghĩ đến con đường thơ ca của mình khi cuộc sống hàng ngày đương đầu với bao vất vả, gian nan, hiểm nguy thử thách.

- Ông có thể cho bạn đọc biết những cảm xúc của mình và những động lực nào khiến ông hoàn thành trường ca “Thức với Biển”?

Cuối năm 1968 - 1972, thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chính trị là vận chuyển cấp bách lương thực, đạn dược, thuốc men, xăng dầu tiếp viện cho chiến trường. Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT kết hợp mở các chiến dịch vận tải bằng đường biển.

Thời điểm ấy, sĩ quan điều khiển và vận hành tàu biển thiếu nhiều, là một giáo viên giảng dạy bộ môn Động cơ đốt trong, tôi và một số giáo viên dạy chuyên môn đã tình nguyện lên đường tham gia các chiến dịch VT5 1968, chiến dịch Đông Bắc 1972, rà phá thủy lôi để thông đường vận chuyển.

Những chuyến đi âm thầm lặng lẽ, vượt qua thủy lôi, vục vào sóng gió và bão táp, nôn hết mật xanh, nôn sang mật vàng, một bữa quên ăn, nhiều bữa quên ăn, vẫn không rời vị trí, chỉ mong sao đưa hàng đến đích, gặp tàu địch thì tránh để bảo toàn hàng hóa, tránh không được thì đánh, vừa đánh vừa chạy vào sát bờ để đất liền hỗ trợ. Có những tàu về đến vùng an toàn của biển thì lại bị máy bay đuổi theo bắn chìm, nhiều người hy sinh tìm không được xác.

Có tàu về đến Cảng Hải Phòng còn bị máy bay đuổi theo ném bom, Thuyền trưởng bị cắt đứt ngang thân, sĩ quan lái, đầu và tay chân bay từ cầu một lên cầu mười một / 3 thợ máy xác tan bên bệ súng/ 4 thủy thủ ruột trào khỏi bụng/ chúng tôi nén nấc gom từng phần xác bạn/ tay run run cứ chực khóc òa…

Rồi đồng đội mỗi lần bước lên tàu phá lôi là một lần tự truy điệu mình trước lúc ra đi, ngày ấy chưa có phương tiện rà phá bom từ trường, phải dũng cảm dùng tốc độ tàu lướt lên cho bom nổ… Những hình ảnh ấy cứ ám ảnh mãi trong tôi, tôi tự hẹn mình phải viết được cái gì đấy để tri ân, để tôn vinh những người con của Biển trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc mình.

Khi tôi nghỉ hưu, đúng lúc Hội Nhà văn VN và bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mở cuộc thi sáng tác về đề tài GTVT kỉ niệm 70 năm của ngành, như một mệnh lệnh của trái tim, tôi lặng lẽ lục lại và tập hợp kí ức của mình và quyết định viết để tri ân đồng đội của mình, lòng thương nhớ trong tôi trào dâng. Kí ức như “của để dành” đã được dịp lấy ra, tuôn trào trên từng trang viết.

Hôm viết xong, đúng dịp Hội Cựu cán bộ Đoàn Ngành Đường biển VN gặp mặt hàng năm (Tôi nguyên là P. Bí Thư Đoàn Trường Hàng hải), tôi đã đọc cho đồng nghiệp nghe những trang bản thảo vừa viết xong của mình, chưa bao giờ tôi được người nghe yên lặng và chăm chú đến vậy, đọc xong nhiều người rưng khóc, mọi người đã đến nắm thật chặt tay tôi lắc lắc đầy cảm động, cảm ơn tôi đã thay mặt họ nói được lời tri ân đồng đội của mình.

Tôi quyết định gửi bản thảo dự thi, với mong muốn ghi nhận lời tri ân này để sự hy sinh của những người con của Biển được có mặt trong Văn học VN. Thật bất ngờ khi tôi được trao giải Nhất cuộc thi cho Trường ca “Thức với biển”. 

- Cơ duyên nào khiến ông trở thành Trưởng đại diện “Văn học Nanum” của Hàn Quốc tại Việt Nam? Đóng góp của ông cho văn học và cầu nối văn học trong vai trò này là gì?

Con gái tôi công tác ở Trung tâm Quốc tế Gwangju (Gwangju International Center - GIC), là P.Chủ Tịch Hội Cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc, thường tham gia dạy bồi dưỡng tiếng Anh cho một số quan chức ở thành phố, hàng năm vẫn tham gia lễ hội ở Trung tâm văn hóa châu Á (Asia Culture Center).

Con gái tôi có giới thiệu mấy tập thơ của tôi và được Tạp chí Văn học đa quốc gia Nanum chọn dịch một số bài… Mùa Thu 2018, tôi được mời dự Liên hoan thơ những người khuyết tật châu Á ở Seoul, Hàn Quốc, không ngờ lại nhận được giấy mời sang Gwangju nhận giải thưởng Văn học Nanum.

Mùa thu năm 2019, Hiệp hội trao đổi văn hóa Quốc tế Gwangju đã chính thức mời tôi và đoàn của Hội LHVNNT Hải Phòng sang thăm Trung tâm Văn hóa châu Á, rồi cùng bàn bạc để kí kết những hoạt động cụ thể với Hiệp hội và Văn học Nanum. Họ đặt vấn đề mời tôi làm Đại diện cho họ tại Việt Nam, và chính thức bổ nhiệm tôi làm “Chủ tịch Văn học Nanum tại Việt Nam”.

Năm nay, họ có kế hoạch sang thăm và triển khai một số hoạt động, nhưng vì dịch Covid nên đành gác lại, và tôi đang chuẩn bị phương án triển khai, trước mắt là cho Hải Phòng, nếu có hiệu quả sẽ mở rộng dần ra cả nước, vừa để trao đổi, giao lưu về văn hóa, VHNT, vừa tăng thêm sự hiểu biết và tình hữu nghị của hai dân tộc Việt – Hàn.

- Trong năm 2021, những dự định sáng tác, xuất bản và các hoạt động khác của ông gồm những gì?

Điều lo nhất khi vào Hội nhà văn là có tiếp tục viết được hay không, nếu không, coi như nhà văn đã chết vì hư danh! Vì thế tuy tuổi đã cao, nhưng quỹ thời gian lại có, cho nên tôi không ngừng viết, còn viết có hay được hay không lại “Trời cho”, có khi nghĩ mãi không chữa nổi một câu thơ, nhưng có khi bất chợt lại ra được câu thơ “Thần”, những ý và tứ thơ hay. Nhưng phải viết, viết mới ra thơ được, và tôi đã có thêm chút vốn cho tập thơ mới sẽ xuất bản trong năm 2021.

Với nhiệm vụ làm cầu nối cho hoạt động VHNT của Hải Phòng và Hiệp hội trao đổi VH Quốc tế Gwangju và Văn học Nanum, nên tôi sẽ cùng đối tác chuẩn bị chu đáo những hoạt động giao lưu có tính khả thi như: Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, đăng bài, giới thiệu tác giả và tác phẩm ở hai Tạp chí, giới thiệu văn hóa dân gian… để tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị và sự phát triển của hai thành phố, hai dân tộc.

Mong sao tôi góp được chút ít công sức có ích cho VHNT của Hải Phòng và mở rộng hơn, chắp cánh cho những tâm hồn cao đẹp của các vùng miền gặp nhau dễ dàng hơn, cùng hướng tới những giá trị nhân văn, văn minh của loài người.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ