Nguyện vọng đăng ký vào ngành Sư phạm tăng 85%

GD&TĐ - So với năm 2023, tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên (ngành Sư phạm) tăng 85%.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/8.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/8.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cung cấp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024. Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về tình hình đăng ký tuyển sinh đại học năm nay?

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng thông tin, năm nay có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tính đến thời điểm khóa cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến (17 giờ ngày 30/7), Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Hai năm trước, tỷ lệ này khoảng 64- 66%.

Số liệu trên cho thấy, nhu cầu học tập đại học của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT khá cao. Tỷ lệ này cũng liên quan đến thị trường lao động, việc làm khi mà nhu cầu nhân lực trình độ cao của xã hội ngày càng cao. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển về kinh tế xã hội của đất nước.

“Theo quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2023, chúng ta phải đạt 260 sinh viên trên 1 vạn dân, gấp khoảng 1,3 lần so với hiện nay. Với xu hướng trên, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này” – Thứ trưởng tin tưởng và ghi nhận, điều này chứng tỏ sự tin tưởng của người học và của xã hội đối với chất lượng giáo dục đại học. Những năm qua, chất lượng giáo dục đại học đã có những chuyển biến tích cực.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc thí sinh đăng ký nhiều nhất vào nhóm ngành nào? Liệu thí sinh có đăng ký nhiều vào các ngành STEM, khoa học kỹ thuật, công nghệ? Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, việc lựa chọn ngành học của học sinh được tư vấn rất kỹ về đặc điểm, cơ hội nghề nghiệp cũng như thông tin về thị trường lao động cũng rất sát.

Vì vậy, xu hướng lựa chọn ngành học, lĩnh vực đào tạo phản ánh thông qua tỉ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh. “Tất nhiên các nguyện vọng này chưa nói lên tất cả, vì sau khi trúng tuyển, các em phải xác nhận nhập học. Khi đó số liệu sẽ chính xác hơn. Ở thời điểm này, thông tin ban đầu đã theo hướng tích cực” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi.

thinangkhieu (10).JPG
Thí sinh dự thi vào ngành Giáo dục thể chất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Cũng như mọi năm, năm 2024 có khoảng gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, có những lĩnh vực rất nhiều ngành và nhu cầu thực tế lớn nên nếu so sánh con số tuyệt đối hay cơ cấu giữa các lĩnh vực thì đôi khi có những đánh giá chưa hoàn toàn đúng.

Lĩnh vực có nhiều thí sinh đăng ký nhất là kinh doanh và quản lý, sau đó là kỹ thuật và công nghệ. Lĩnh vực về STEM như: máy tính, công nghệ thông tin cũng có khá nhiều thí sinh đăng ký.

Đáng chú ý, năm nay, khối khoa học giáo dục đào tạo giáo viên, có số lượng thí sinh đăng ký rất đông, tăng 85% so với 2023. Tính về số lượng tuyệt đối, lĩnh vực này cũng tăng mạnh nhất, tăng là 200.000 nguyện vọng so với năm 2023. Do đó, dự báo điểm chuẩn ngành này sẽ tăng.

Tiếp đến, lĩnh vực Khoa học tự nhiên có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng 61%. Lĩnh vực An ninh quốc phòng tăng 46,5%. Tuy nhiên, cũng có một số lĩnh vực giảm như: kinh doanh quản lý giảm 3%; máy tính và công nghệ thông tin giảm khoảng 5%, tương đương 15.000 nguyện vọng.

Xét về tổng thể, khối STEM có số nguyện vọng chiếm khoảng 30%. Ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tăng khoảng 30%. Tổng số nguyện vọng đăng ký vào những ngành liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn tăng khoảng 30%; trong đó nguyện vọng 1 tăng khoảng 40% .

Điều đó cho thấy, thí sinh rất nhạy bén và nắm bắt được xu hướng phát triển. Đây là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để có những số liệu chính xác hơn, còn phụ thuộc vào kết quả xét tuyển đào tạo, khi mà thí sinh xác nhận nhập học và đi học.

Thứ trưởng cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phân tích để có những thông tin cụ thể hơn gửi tới các cơ quan báo chí và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.