Giải pháp nào là thích hợp hơn để một cặp vợ chồng chia sẻ công việc nhà? Một số gợi ý được giới chuyên gia tổng hợp dưới đây.
Ý thức chia sẻ việc nhà thể hiện sự tôn trọng dành cho hôn nhân
Nói cách khác, việc một người đàn ông có tôn trọng mối quan hệ hôn nhân hay không được phản ánh ở việc anh ta có tích cực tham gia vào công việc nhà hay không.
Có một kiểu đàn ông không bao giờ nhúng tay vào việc nhà. Cho dù quần áo, tất chất đống trong phòng tắm; bát đĩa, đũa, nồi ngổn ngang trong bồn rửa; sàn nhà bừa bộn và dính đầy dầu mỡ, họ vẫn thản nhiên ngồi trên ghế sofa xem TV.
Cũng có kiểu đàn ông mỗi ngày đi làm về lại thích... cãi nhau với vợ. Tuy nhiên, cũng có nhiều đàn ông vô cùng tâm lý: khi vợ nấu ăn, chồng cũng lăng xăng trong bếp. Hoặc thái gừng giã tỏi, hoặc rửa đĩa, lau sàn nhà. Ngay cả khi không có việc gì để làm, chồng vẫn đứng bên cạnh và sẵn sàng hỗ trợ vợ.
Từ góc nhìn khách quan, hai người cùng đảm nhận công việc nhà có thể giúp họ hiểu được những đóng góp của nhau. Đây cũng là cách tốt nhất để họ hòa hợp và mối quan hệ sẽ ngày càng sâu sắc hơn.
Cũng có tình trạng đàn ông làm việc nhà nhưng phụ nữ không hài lòng. Sự kén chọn và hay buộc tội của phụ nữ sẽ khiến nam giới ngày càng ít chủ động tham gia, trong khi phụ nữ sẽ ngày càng phàn nàn nhiều hơn khi nam giới không làm gì, từ đó rơi vào vòng luẩn quẩn tiêu cực.
Đối với những việc nhỏ nhặt, vợ chồng nên bao dung nhau, bớt quan tâm đến mọi việc càng nhiều càng tốt, đừng để việc nhà trở thành con dao làm tổn thương mối quan hệ vợ chồng. Chỉ có sự hòa hợp giữa hai người mới có thể làm cho hôn nhân bền vững.
Phân chia công việc nhà không thể dựa trên thu nhập
Có một cặp vợ chồng sắp xếp cuộc sống như thế này: mỗi người tự chi trả các chi phí của mình. Khi mua sữa bột và tã lót cho con, mỗi người trả một nửa.
Tuy nhiên, việc nhà lại chỉ có người vợ bận rộn một mình. Điều này xuất phát từ việc người chồng cho rằng việc nhà là nghĩa vụ và trách nhiệm của người vợ.
Công việc nhà rất phức tạp, bao gồm nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp,... Ai đã từng trải qua đều biết làm việc nhà không dễ dàng chút nào, thậm chí có thể mệt mỏi hơn cả làm việc nơi công sở. Hơn nữa, khi vợ cũng là nhân viên văn phòng, sự mệt mỏi này sẽ càng tăng lên gấp bội.
Trong trường hợp này, chúng ta cần đánh giá một cách công bằng. Thu nhập sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Nhưng việc phân chia công việc nhà không thể đơn giản được chia theo thu nhập.
Ví dụ, lương chồng gấp đôi vợ thì việc nhà phải bằng một nửa công việc của vợ. Nếu đây là logic thì chúng ta nên trả tiền cho công việc nhà.
Giữa vợ và chồng, việc nhà nên phân chia tùy theo mức độ bận rộn của công việc. Điều đó tương đối dễ dàng. Bạn cần quan tâm đến đối tác của mình nhiều hơn và làm nhiều việc nhà hơn. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể tạo ra sự cân bằng giữa việc đối nội và đối ngoại trong gia đình.
Đừng lãng phí thời gian tranh cãi về những việc vặt trong nhà
Thay vào đó, hãy dùng sức lực của mình để gia tăng sự giàu có. Giả sử, hôn nhân là một công việc kinh doanh và hai vợ chồng là đối tác sáng lập của doanh nghiệp. Cả hai vợ chồng đều có địa vị ngang nhau. Nếu coi hôn nhân như một công việc kinh doanh thì bạn nên phát triển công việc kinh doanh tốt hơn thông qua sự phân công lao động và hợp tác giữa hai người.
Vợ chồng thường xuyên cãi vã vì những chuyện vặt vãnh trong gia đình sẽ chỉ lãng phí thời gian. Ví dụ, một cặp vợ chồng tranh cãi suốt một giờ về việc rửa bát. Trên thực tế, việc rửa bát chỉ mất vài phút.
Không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để thuê bảo mẫu hoặc người làm theo giờ. Trong trường hợp này, cả hai vợ chồng nên giao tiếp nhiều hơn, tận dụng điểm mạnh của mình để bù đắp điểm yếu, đồng thời cố gắng phát huy tối đa điểm mạnh với mục tiêu gia tăng sự giàu có của cả gia đình.