Nguyên nhân phổ biến gây tai nạn học đường

GD&TĐ - Những vật dụng trong sân chơi hay các môn thể thao tăng cường sức khoẻ đều có thể là nguyên nhân gây chấn thương cho học sinh. Trong khi hành vi bắt nạt bằng lời nói tác động xấu đến sức khoẻ tâm lý của các em.

Hướng dẫn trẻ rèn luyện thể thao đúng cách.
Hướng dẫn trẻ rèn luyện thể thao đúng cách.

Vật dụng trong sân chơi

Sân chơi tại trường học, đặc biệt trong các trường mẫu giáo, được trang bị nhiều vật dụng, thiết bị dành cho trẻ em. Những món đồ này được thiết kế cẩn thận, phù hợp với lứa tuổi để tránh gây thương tích.

Tuy nhiên, nếu không có người lớn đứng bên quan sát, học sinh có thể sử dụng những thiết bị này không đúng mục đích thiết kế, thậm chí gặp phải những tai nạn hi hữu. Nhiều tai nạn dẫn đến thương tích lớn, gây ảnh hưởng đến tính mạng của học sinh nếu không có sự can thiệp kịp thời của người lớn.

Những sự việc phổ biến có thể kể đến như trẻ mẫu giáo bị ngã khỏi cầu trượt khi tranh giành lượt chơi với bạn bè. Vào tháng 12/2017, tại thành phố Greeley, bang Colorado, Mỹ, một nữ sinh lớp 1 đã gặp tai nạn bất ngờ khi đang chơi xích đu. Trong giờ ra chơi, cô bé 6 tuổi đã bị dây đai ở xích đu quấn quanh cổ. Chiếc đu này thiết kế cho học sinh khuyết tật nên chiếc đai nhằm giúp giữ cho trẻ khỏi ngã. Dù đã kịp thời được điều trị, cô bé vẫn không qua khỏi.

Các môn thể thao

Dù thể thao và giáo dục thể chất là những môn học bắt buộc trong trường học, chúng không an toàn tuyệt đối. Nhiều tình huống học sinh bị thương ở trường khi luyện tập thể thao.

Đơn cử, với những bộ môn liên quan đến bóng như bóng chuyền, bóng đá hay bóng rổ, trẻ có thể bị chấn thương như bong gân mắt cá chân, trật khớp hay gãy tay, chân nếu chơi quá mạnh.

Những chấn thương phổ biến trong hoạt động thể thao là bong gân, trật khớp, căng cơ. Tuy nhiên, nếu được bác sĩ chẩn đoán và chữa trị kịp thời, trẻ có thể dễ dàng hồi phục.

Nguy cơ chấn thương của trẻ em có thể được hạn chế nếu các trường trang bị trang thiết bị hiện đại hoặc chất lượng. Giáo viên thể dục nói riêng và nhân viên nhà trường nói chung được đào tạo phù hợp, biết cách ứng phó với các tình huống bất ngờ. Các sự kiện thể thao của trường cần được giám sát và quản lý nghiêm ngặt.

Bắt nạt học đường gây ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh.
Bắt nạt học đường gây ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh.

Cơ sở vật chất

Trẻ em có thể trượt hoặc ngã ở trường nếu sàn nhà bị ướt hoặc ngã cầu thang vì nô đùa hay bất cứ lý do gì. Nếu cú ngã quá mạnh, trẻ có thể bị gãy tay, chân hoặc bị chấn thương ở lưng và cổ. Đôi khi, ngã có thể dẫn đến chấn thương não.

Theo thống kê năm 2019 tại Mỹ, 55% các vụ tai nạn trong trường học là do trượt, ngã, va quệt. Nơi thường xảy ra tai nạn là hành lang, sân chơi và cầu thang. Dù việc trượt ngã là khó tránh khỏi, nhà trường, giáo viên và phụ huynh có thể ngăn chặn tai nạn này bằng những nỗ lực chủ động phòng ngừa đơn giản.

Ví dụ, khi sàn nhà trơn trượt, hãy đặt biển cảnh báo để trẻ không nô đùa xung quanh khu vực nguy hiểm. Lan can hành lang nên xây cao, chắc chắn. Cơ sở vật chất của nhà trường cần được kiểm tra, đánh giá và tu sửa thường xuyên.

Xe đưa đón học sinh

Nếu không có sự giám sát thích hợp, tai nạn trên xe đưa đón học sinh có thể xảy ra rất thường xuyên. Chẳng hạn, trẻ không đeo dây an toàn, chạy nhảy khi xe đang di chuyển có thể bị ngã nếu xe phanh gấp. Dù chấn thương này xảy ra ngoài trường học, trách nhiệm vẫn thuộc về nhà trường.

Tai nạn phổ biến trên xe đưa đón học sinh đồng thời cũng là tai nạn nghiêm trọng nhất là việc trẻ em bị bỏ quên trên xe. Do chênh lệch nhiệt độ giữa trong xe và ngoài trời, các em có thể bị ngất xỉu, say nắng, thậm chí tử vong.

Trên thế giới và tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường học trẻ tử vong khi bị bỏ quên trên xe đưa đón. Do đó, trẻ em cần được hướng dẫn và đào tạo các kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn như cách thoát thân khi bị bỏ quên trên xe.

Bạo lực học đường

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, nghiêm trọng trong ngành giáo dục các quốc gia trên thế giới. Có nhiều dạng bạo lực học đường như bắt nạt bạn học, đánh nhau, mang vũ khí nguy hiểm đến trường… Trong đó, hành vi bắt nạt thể xác hoặc bắt nạt bằng lời nói là phổ biến nhất.

Theo báo cáo năm 2020 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), hơn 30% học sinh trên thế giới từng là nạn nhân của bắt nạt. Hậu quả của bắt nạt thể xác có thể được phản ánh trực tiếp qua thương tích trên cơ thể. Tuy nhiên, bắt nạt thể xác hay bằng lời nói đều dẫn đến tổn thương về mặt tinh thần và nhận thức của học sinh. Thậm chí, nhiều học sinh đã tự tử vì không chịu đựng được hành vi bắt nạt của bạn bè xung quanh.

Ngoài ra, việc giáo viên sử dụng hình phạt về thể xác hay kỷ luật tiêu cực cũng được coi là bạo lực học đường. Tính đến năm 2020, khoảng 67 quốc gia vẫn cho phép sử dụng hình phạt thể xác trong trường học.

Năm 2021, Trung Quốc đã ra quy định cấm các hình phạt thể xác, được áp dụng từ năm 1986, gây tổn thương về thể chất, tinh thần hay làm nhục học sinh trong trường học. Giáo viên không được yêu cầu không được yêu cầu học sinh trừng phạt bạn học hoặc đưa ra hình thức kỷ luật dựa trên người các em yêu quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.