Tai nạn học đường: Soi chất lượng công trình trường học

GD&TĐ - Liên tiếp các sự cố tai nạn làm học sinh thương vong do lớp học xuống cấp khiến phụ huynh học sinh vô cùng lo lắng, bất an, giáo viên cũng không an tâm giảng dạy. 

Tai nạn học đường: Soi chất lượng công trình trường học

Đáng nói là các sự cố tai nạn đó không chỉ xảy ra ở những nơi có điều kiện kinh kế khó khăn, mà ở ngay tại các thành phố lớn không chỉ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng các công trình trường học, cũng như đòi hỏi phải nhìn lại công tác kiểm định công trình xây dựng trong mỗi nhà trường

Đúng là có lẽ chưa khi nào vấn đề tai nạn gây thương tích, thương vong cho học sinh do cơ sở vật chất trường học xuống cấp lại đáng báo động như thời gian qua. Vụ mới đây nhất vừa xảy ra vào chiều 11/12/2017 tại Trường Tiểu học xã Văn Môn (Yên Phong - Bắc Ninh) làm cả khối lan can trường đổ sập khiến 16 học sinh phải nhập viện.

Hay cách đây chưa lâu, một vụ tai nạn xảy ra vào chiều 17/10/2017 trong lúc các em học sinh của Trường Tiểu học Thạnh Quới A (xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) đang ngồi học thì trần phòng học bỗng rơi xuống đầu làm 9 học sinh của trường này phải nhập viện cấp cứu.

Vụ tương tự xảy ra vào ngày 13/10/2017 tại Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), một mảng vữa to rơi xuống trong một lớp học ngay bục giảng chỗ giáo viên hay đứng giảng bài, may mắn mảng tường rơi đúng ngày nhà trường tổ chức hội nghị công nhân viên chức nên không có tai nạn xảy ra.

Và cũng trong tháng 10/2017 vụ tai nạn xảy ra tại Trường Tiểu học Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, khi một học sinh lớp 1 bị cánh cổng trường bỗng đổ sập xuống người dẫn đến gãy xương quai xanh. Rồi vụ xảy ra vào ngày 26/5/2017, tại Trường THCS và THPT Đống Đa (Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng), khi các em học sinh đang làm vệ sinh lớp học thì sàn phòng học tầng 2 bỗng sập khiến 11 học sinh lớp 6A4 phải nhập viện cấp cứu.

Trước đó nữa vào năm 2014 tại một trường THCS thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, trong giờ ra chơi, nhóm học sinh đang chơi tại tầng 2 thì bất ngờ lan can bị đổ sập. Do đứng khá gần, 3 học sinh lớp 6 không chạy kịp đã bị toàn bộ khối lan can đè lên người khiến các em bị thương khá nặng.

Đặc biệt những vụ mà được nhiều người ví như “giọt nước tràn ly” về công tác duy tu, bảo trì cơ sở vật chất trường học vốn dĩ đã có quá nhiều bất cập lâu nay là sự cố tai nạn xảy ra vào tháng 9/2014 tại Trường Tiểu học Diễn Tháp (Nghệ An), trong lúc vui đùa trên sân trường, bồn chứa nước đổ sập làm 3 học sinh bị thương, trong đó 2 em tử vong tại chỗ.

Mới đây nhất là vụ xảy ra ngày 17/10/2017 tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh khi nam sinh viên Nguyễn Thanh Long (SN 1988 ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) đang đứng xếp hàng chờ đi thang máy tại trường thì bị cục bê tông từ trên cao rơi trúng đầu tử vong tại chỗ đang thực sự gióng lên hồi chuông báo động về an toàn trong trường học, khiến nhiều người phải thốt lên: Đúng là chưa bao giờ sự an toàn của học sinh lại mong manh đến thế!

Những con số trên rõ ràng không thể cho là hy hữu được nữa bởi nó không chỉ xảy ra ở những nơi có điều kiện kinh kế khó khăn, mà ở ngay tại các thành phố lớn, vì thế đã đến lúc phải có những giải pháp để bảo đảm an toàn trong mỗi nhà trường.

Dẫu biết rằng, tất cả những vụ tai nạn đều do nguyên nhân rủi ro, ngoài những trường hợp tai nạn bất khả kháng hay lỗi thuộc về học sinh,…nhưng qua phân tích từ những sự cố tai nạn gần đây cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng của các công trình trường học bị xuống cấp và không đảm bảo an toàn. Vì thế rõ ràng đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận nghiêm túc về chất lượng cơ sở hạ tầng trường học hiện nay.

Nhất là mỗi nhà trường, hơn lúc nào hết, cần phải có kế hoạch thường xuyên quan tâm việc sửa chữa, bảo trì các công trình, cơ sở vật chất, thiết bị để “dự tránh” được các sự việc đáng tiếc xảy ra với trường mình.

Theo quan sát trên thực tế cho thấy, trong nhiều trường học vẫn tồn tại không ít những công trình, thiết bị, đồ dùng hao mòn, hư cũ tiềm ẩn rủi ro được sử dụng như: ghế đá, lan can, cầu trượt, xích đu, máy chiếu, quạt sưởi, điều hòa, tủ đựng đồ… không được kiểm tra về độ an toàn. Ngoài ra, có không ít hạng mục đã bị xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, thay thế kịp thời… Có thể nói đây chính những điều luôn có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh.

Vì thế nên chăng công việc rất cần được thực hiện ngay lúc này là có một cuộc tổng rà soát chất lượng các công trình trong mỗi nhà trường, đồng thời tăng cường công tác quản lý cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình trường học, không để thêm trường hợp nào đáng tiếc xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ