Nguyên nhân nào gây động đất ở Kon Tum?

GD&TĐ - Động đất ở Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong 2 năm qua có hoàn toàn do tác động từ hồ chứa nước thủy điện, hay còn có nguyên nhân nào khác?

Hồ chứa nước của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum.
Hồ chứa nước của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum.

Động đất gia tăng cùng với tích nước trong hồ

TS Nguyễn Trí Trinh, Hội Đập lớn và Phát triển Nguồn nước đặt câu hỏi, liệu hàng trăm trận động đất ở Kon Tum thời gian qua có phải là động đất kích thích do xây dựng hồ chứa nước trong khu vực? Động đất kích thích là những sự kiện địa chấn, mà phải có tải trọng do hồ chứa tích nước và áp lực nước lỗ rỗng (dưới đáy lòng hồ) tạo nên.

Các trận động đất kích thích (nếu có) thường xảy ra trong quá trình tích nước hồ chứa và sau đó xảy ra thường xuyên hơn so với khi chưa tích nước; Việc gia tăng mực nước hồ chứa và sự thay đổi của mực nước hồ dẫn đến số lượng và cường độ của các trận động đất kích thích tăng lên.

Cường độ các trận động đất kích thích thường giảm dần sau khi đạt đỉnh. Cường độ cực đại của các cơn địa chấn thiết kế không thể tăng lên do tác động của việc tích nước hồ chứa.

Theo TS Nguyễn Trí Trinh, khu vực huyện Kon Plông bị bao vây bởi các đứt gãy kiến tạo chính, trong đó phía Bắc có đứt gãy Tam Kỳ - Phước Sơn, phía Nam có đứt gãy Cheo Reo, phía Đông có đứt gãy Ba Tơ - Kon Tum, phía Tây có dứt gãy PoKô. Các đứt gãy này không nhỏ hơn bậc 2. Xung quanh và trong khu vực Kon Plông có một số dự án thủy điện quy mô tương đối lớn.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, TS Nguyễn Xuân Anh cho rằng, động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Qua theo dõi và thành lập các đoàn nghiên cứu, kiểm tra tại khu vực này, xác định đây là động đất kích thích do hồ chứa thủy điện.

Các trận động đất loại này có tính chu kỳ, có thời điểm động đất xảy ra dồn dập, nhưng có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện. Động đất tại khu vực Kon Plông có thể xuất hiện và kéo dài trong những năm tới.

TS Nguyễn Trí Trinh phân tích, do bắt đầu từ 2021 mới xảy ra các trận động đất khu vực Kon Plông do hồ thủy điện tích nước. Thực tế các dự án hồ thủy điện như Ialy, Leikrong, Dak Ring tuy có hồ lớn hoặc/và đập cao nhưng thời điểm đã được tích nước trước nhiều so với mốc 2021 nên các công trình này sơ bộ bị loại ra, không phải là nhân tố gây động đất cho Kon Plông.

Đánh giá các công trình xung quanh đập thủy điện

Xung quanh khu vực huyện Kon Plông, 2 dự án thủy điện là Thượng Kon Tum và Dak Re. Thủy điện Dak Re có đập không phải là cao lắm nên cũng chưa thể khẳng định. Còn Thượng Kon Tum có chiều cao đập 78m, dung tích hồ 145,5 triệu m3 và tích nước trong năm 2020 thì năm 2021 có xảy ra động đất với tần suất cao hơn so với trước khi tích nước.

Các yếu tố về tồn tại đứt gãy gần khu vực hồ chứa nước, đập khá cao, xảy ra nhiều trận động đất sau tích nước của Thủy điện Thượng Kon Tum cho thấy đây là dấu hiệu của động đất kích thích.

TS Trinh phân tích, các trận động đất kích thích có cường độ nhỏ hơn so với động đất kiến tạo nên công trình hồ đập luôn an toàn. Với công trình hồ thủy điện Dakre, động đất đã được thiết kế là cấp VII, tương đương cấp 5,6 độ richter và thiết kế với gia tốc 0,12g (cao nhất của cấp VII). Các trận động đất vừa qua ở Kon Plông chỉ mới 4,2 độ richter nhỏ hơn nhiều so với thiết kế.

Tuy đập và các hạng mục liên quan của dự án thủy điện đã được thiết kế chịu được động đất cấp 5,6 nhưng các cơ sở hạ tầng xung quang khu vực công trình (nhà cửa, đường sá, cầu cống…) chưa chắc đã được thiết kế với cường độ trận động đất này. Do vậy cần có nghiên cứu đánh giá lại an toàn các cơ sở hạ tầng, nhà cửa xung quanh công trình nhất là ở khu vực Kon Plông.

TS Nguyễn Trí Trinh khẳng định động đất kích thích là do tích nước hoặc vận hành hồ chứa, tuy nhiên không phải hồ chứa nào tích nước, vận hành cũng đều phát sinh động đất kích thích. Công trình (đập) được thiết kế an toàn với trận động đất kiến tạo thì an toàn với động đất kích thích do cường độ các trận động đất kiến tạo luôn lớn hơn động đất kích thích.

Do vậy, động đất vừa qua ở Kon Tum có thể là do động đất kích thích, tác nhân sơ bộ được khoanh vùng bước đầu là do thủy điện Thượng Kon Tum hoặc Dakre. Nhưng muốn có kết luận chuẩn xác thì cần phải có các đo đạc chuyên sâu của Viện Vật lý Địa cầu. TS Trinh kiến nghị cần theo dõi chặt chẽ 2 đập này trong quá trình vận hành để có những cảnh báo sớm nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ