Gần 20% trường hợp đột tử do viêm cơ tim
Thời tiết chuyển mùa, ngoài các dịch bệnh như cúm mùa, sốt xuất huyết, Covid-19..., người dân cũng cần cảnh giác với bệnh viêm cơ tim.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vào cuối tháng 11, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T. L. (nữ, 37 tuổi) trong tình trạng lơ mơ, vân tím toàn thân, huyết áp không đo được, nhịp tim 180 chu kỳ phút (bình thường 60 - 100).
Trước đó, bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh với chẩn đoán sốt virus/theo dõi viêm cơ tim. Khi tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân được chuyển ngay vào phòng thủ thuật để theo dõi monitor, chuẩn bị máy sốc điện và đặt ống nội khí quản. Lúc này, điện tim của bệnh nhân có nhịp nhanh thất, có tụt áp, một loại rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Ngay lập tức, bệnh nhân được an thần nhẹ và sốc điện khử rung.
Sau nhiều lần sốc điện, kết hợp với các thuốc chống loạn nhịp song tình trạng rối loạn nhịp vẫn dai dẳng, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản an toàn. Các thuốc vận mạch được dùng tối đa và tiếp tục được ép tim ngoài lồng ngực hỗ trợ.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim có biến chứng sốc tim - rối loạn nhịp thất. Bệnh nhân được dùng ECMO, ép tim hỗ trợ trong quá trình để duy trì huyết áp tưới máu các cơ quan, đặc biệt là tưới máu não. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo và có thể tự thở.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, tỷ lệ tử vong đột ngột do viêm cơ tim ở người lớn vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nghiên cứu. Khoảng 1 - 9% bệnh nhân đã qua đời được phát hiện có bằng chứng về viêm cơ tim.
Tuy nhiên, ở người trẻ tuổi, gần 20% trường hợp đột tử có liên quan đến viêm cơ tim. “Đây là tình trạng viêm của tế bào cơ tim. Tình trạng viêm có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim. Viêm cơ tim có thể gây đau ngực, khó thở và nhịp tim nhanh hoặc không đều, thậm chí có các rối loạn nhịp gây nguy hại đến tính mạng”, PGS Hiếu giải thích.
Ông cho biết, nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm là những nguyên nhân gây viêm cơ tim. Trong đó, virus là nguyên nhân gây viêm cơ tim hay gặp nhất. Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 cũng có thể gây viêm cơ tim trong 2 năm gần đây…
Biến chứng nguy hiểm
“Như các diễn biến thông thường của bệnh do virus gây ra, đại đa số các trường hợp viêm cơ tim sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, 4 biến chứng nguy hiểm có thể gặp dẫn đến sự nguy hiểm của bệnh này”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cảnh báo. Cụ thể, biến chứng đầu tiên là suy tim.
Bởi, viêm cơ tim có thể làm hỏng các tế bào của cơ tim. Từ đó, khiến tim không thể bơm máu theo đúng chức năng. Ngoài ra, viêm cơ tim có thể gây biến chứng thiếu máu cơ tim và các bộ phận quan trọng khác của cơ thể (não, thận...). Lý do là vì việc hình thành cục máu đông gây tắc mạch máu nuôi các tạng.
Biến chứng khác là rối loạn nhịp tim. Cụ thể, tổn thương các tế bào dẫn truyền của tim có thể làm thay đổi nhịp đập của tim. Một số rối loạn nhịp tim làm tăng nguy cơ đột tử như nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh, rung thất. Hoặc ngược lại, nhịp quá chậm do nghẽn đường dẫn truyền nhĩ thất độ cao (Block AV III).
Đột tử do tim cũng là một biến chứng nguy hiểm của viêm cơ tim. Một số rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể khiến tim ngừng đập đột ngột. Tình trạng này có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị nhanh chóng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã ngừng tim tại nhà, trước khi có sự tiếp cận của nhân viên y tế.
“Bệnh nhân có thể không có triệu chứng, ít triệu chứng hoặc nhiều triệu chứng. Các triệu chứng viêm cơ tim bao gồm: Khó thở, mệt mỏi, sốt, tức ngực, tim đập nhanh, đau bụng, nhịp tim bất thường, ngất hoặc xỉu, chán ăn, sưng chân hoặc bàn chân. Rất nhiều người sẽ bỏ qua triệu chứng vì nghĩ như cảm cúm. Bất cứ khi nào cảm thấy cảm cúm khác thường, người bệnh cần liên hệ với nhân viên y tế càng sớm càng tốt”, PGS.TS Lân Hiếu khuyến cáo.
Trong khi đó, đối với nhân viên y tế, việc cấp cứu ban đầu quyết định 90% thành công đối với ca viêm cơ tim nặng có ngừng tim hoặc nguy cơ ngừng tim. Không giống với ngừng tuần hoàn khác, rối loạn nhịp tim cần các phương tiện chuyên dụng như máy sốc điện, monitoring, máy tạo nhịp ngoài cơ thể, thuốc chống loạn nhịp…
Vì vậy, các nhân viên y tế cần vừa cấp cứu, vừa liên hệ với đơn vị chuyên khoa để mang phương tiện đến cùng hỗ trợ. Trước khi di chuyển bệnh nhân, cần liên hệ với bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị sốc tim nặng (có kíp ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy, bóng động mạch chủ, lọc máu…).
Nhiều người bày tỏ lo ngại về nguy cơ viêm cơ tim hậu xuất viện, cũng như khả năng trở về trạng thái bình thường sau điều trị. Chia sẻ về vấn đề này, PGS Hiếu cho biết, sau khi xuất viện, người bệnh cần có lịch tái khám dù cảm thấy đã hoàn toàn bình thường.
Đồng thời, cần tiếp tục dùng thuốc theo toa khi ra viện. Lưu ý không nên chơi thể thao hoặc gắng sức, đến khi bác sĩ cho biết người bệnh đã có thể. Hạn chế muối trong chế độ ăn uống. Ngoài ra, cần ngừng sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khoẻ trong khi đang theo dõi hậu viêm cơ tim như: Thuốc lá, uống rượu, bia, chè, cà phê…