Nguyên do Iran ra tối hậu thư cho các đối tác châu Âu

GD&TĐ - Mới đây, Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan RouhaniIran tuyên bố: Iran sẽ tiếp tục làm giàu uranium nếu các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân không thực hiện nghĩa vụ của họ. Cụ thể, Tehran sẽ đình chỉ một phần việc tuân thủ thỏa thuận nếu các đối tác châu Âu không hành động vì lợi ích của Iran ở lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ trong 60 ngày.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tức tốc bay sang Moscow đàm phán với Ngoại trưởng Nga S.Lavrov
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tức tốc bay sang Moscow đàm phán với Ngoại trưởng Nga S.Lavrov

Tuyên bố sau 1 năm chờ đợi

Với các biện pháp đối phó về việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran đã chờ đợi đúng 1 năm. Số là các cường quốc châu Âu tham gia nhóm P5+1 đã hứa sẽ làm mọi cách để Tehran không phải chịu thiệt hại khi Hoa Kỳ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, 1 năm trôi qua, lời hứa vẫn chỉ là lời hứa trong khi Washington ngày càng thắt chặt cấm vận với Iran.

Cuối cùng, Tổng thống Iran Rouhani chính thức tuyên bố rằng, nước này đình chỉ việc thực hiện một phần nghĩa vụ: Bán uranium đã làm giàu và nước nặng trong hai tháng.

“Các nước tham gia thỏa thuận có 60 ngày để thực hiện nghĩa vụ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và mua bán dầu của Iran. Nếu lợi ích của Iran không được tính đến trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ đình chỉ việc tuân thủ các điều kiện làm giàu uranium và tiếp tục hiện đại hóa lò phản ứng nặng ở Arak”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố.

Tối hậu thư đặc biệt nhấn mạnh rằng, Iran không từ bỏ thỏa thuận này. Các chuyên gia coi nó là “demarche ngoại giao”. Tối hậu thư đã được gửi cho tất cả các bên tham gia thỏa thuận gồm: Nga, Trung Quốc, Anh, Đức và Pháp. Với các đối tác châu Âu, đây là một thông điệp rõ ràng: Từ lời nói và cuối cùng đến hành động. Thực ra, các đối tác châu Âu có ý định giữ thỏa thuận, nhưng họ cũng không muốn làm mất lòng Hoa Kỳ.

“Thật không may, Liên minh châu Âu và phần còn lại của cộng đồng thế giới không thể chịu được áp lực của Hoa Kỳ. Do đó, Cộng hòa Hồi giáo cho rằng, dừng hoàn thành một số nghĩa vụ của mình trong thời gian này, nhưng chúng tôi sẽ hành động quyết liệt trong khuôn khổ thỏa thuận mang lại cơ hội cho chúng tôi. Đây cũng là cơ hội cho các nước tham gia ký thỏa thuận thực thi các biện pháp cần thiết và không nên nghĩ rằng chỉ tuyên bố là đủ”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif nói.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Iran phải hành động quyết liệt? Thời gian gần đây, quan hệ Mỹ - Iran xấu đi nghiêm trọng. Ngay sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Washington nhanh chóng áp các biện pháp trừng phạt mới với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Không chỉ áp các biện pháp trừng phạt khốc liệt, Mỹ đang cố gắng đẩy Iran ra khỏi thị trường năng lượng bằng cách đe dọa tất cả những nước mua dầu của Iran, trong đó có châu Âu.

Xung đột Mỹ - Iran có thể vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao. Một lực lượng tấn công của Hải quân Hoa Kỳ do tàu sân bay Abraham Lincoln dẫn đầu đã được gửi đến vịnh Ba Tư. Truyền thông phương Tây tranh nhau đưa tin rằng Iran đang chuẩn bị tấn công các căn cứ của Mỹ ở Iraq. Trong bối cảnh ấy, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phải hủy bỏ chuyến thăm theo kế hoạch đến Đức vào phút cuối để bay tới Baghdad.

Dư luận thế giới trước tuyên bố của Iran

Pháp cho rằng, không loại trừ khả năng tuyên bố đình chỉ một phần nghĩa vụ của Tehran có thể có tác dụng ngược. Nếu Iran từ chối một số nghĩa vụ của mình như tuyên bố của Tổng thống Hassan Rouhani thì có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt mới, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Florence Parley nói trên kênh truyền hình BFM TV. Bà Florence Parley nhấn mạnh rằng, giống như các đối tác châu Âu, Pháp coi điều quan trọng là phải duy trì tính hợp lệ của JCPOA.

Trung Quốc cho rằng tại thời điểm này, Iran đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Bảo vệ và thực hiện JCPOA là trách nhiệm chung của tất cả các bên. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan làm mọi thứ cần thiết để tránh sự leo thang tình hình”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp ngắn.

Moscow cho rằng, Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện tại. Điều này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố vào thứ Tư (8/5) trong cuộc đàm phán với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại Moscow. Ngoại trưởng Sergei Lavrov kêu gọi mọi người hãy thực tế. Theo ông, Hoa Kỳ sẽ không quay trở lại JCPOA, vì vậy tất cả các bên khác tham gia thỏa thuận, trước hết là người châu Âu phải làm mọi cách có thể để duy trì thỏa thuận với Iran.

Tuy nhiên, theo bà Yulia Sveshnikova, nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế Cao cấp (Nga), hầu hết các chuyên gia không lạc quan.

“Teheran đã chờ đợi trong một thời gian dài, đặt cược vào sự phát triển kinh doanh, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Và… không có gì. Ngay cả các ngân hàng Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh hứa sẽ hỗ trợ Tehran nhưng buộc phải từ chối mở tài khoản cho công dân Iran. Nga cũng có ít cơ hội để lách luật trừng phạt. Điều chính mà chúng ta có thể làm là cung cấp hỗ trợ chính trị cho Tehran”, bà Yulia Sveshnikova nhận định.

Cũng theo lời bà Yulia Sveshnikova, mặc dù thực tế là Iran đã cố gắng hết sức để thể hiện mình là một bên tuân thủ thỏa thuận, tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.