PGS TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng, chia sẻ: Giáo dục được đặt xứng tầm với vị thế là gốc, là nền tảng của sự phát triển. Có thể xem đây như là những triết lý giáo dục ở tầm cỡ quốc gia - dân tộc trong thời kỳ Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Quan điểm xuyên suốt của Đảng về giáo dục thể hiện thành những thể chế đầu tư cho giáo dục cao hơn so với các ngành khác. Các cấp, các ngành, mọi địa phương, mọi người, mọi nhà đều thấu hiểu và nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của giáo dục, đào tạo; tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, cả về nhân lực, vật lực và tài lực; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở, vật chất kỹ thuật, đảm bảo đủ phương tiện dạy học tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục…
Hiện nay, trong quá trình phát triển, đất nước ta phải đối mặt với nhiều biến động, làm thế nào có nền giáo dục thích ứng, phù hợp với sự biến động của khu vực và thế giới là điều cần được chú ý trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Qua đó, tạo ra được những “sản phẩm” phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của xu thế toàn cầu.
Thế giới đang chuyển mình như vũ bão, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng lớn mạnh; kỹ thuật số xuất hiện ở mọi lĩnh vực… Trên nền phát triển ấy cần có thể chế, giải pháp phù hợp để giáo dục Việt Nam theo kịp thế giới, là nền tảng để phát triển đất nước.
Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt nhịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”. Mục tiêu này thể hiện quyết tâm, khát vọng phát triển giáo dục và đào tạo trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, chủ động và có bước đi phù hợp tham gia thị trường giáo dục và đào tạo thế giới.