Trong nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, Nunney đã phân tích dữ liệu từ 4 nghiên cứu quy mô lớn thực hiện trên tổng thể hàng trăm nghìn bệnh nhân ung thư. Ông phát hiện rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng lên 10% với mỗi 10 cm chiều cao vượt mức trung bình.
Tuy nhiên phát hiện này không chứng minh rằng việc cao lên sẽ gia tăng nguy cơ bị ung thư mà chỉ đơn giản là tìm ra được mối liên hệ giữa chiều cao và nguy cơ mắc bệnh ung thư. Lời giải thích cho mối liên hệ này có thể khá đơn giản: Những người cao có nhiều tế bào trong cơ thể hơn so với người khác, theo như Nunney trao đổi với Livescience.
Ung thư là kết quả của các đột biến xảy ra trong DNA của một tế bào đơn. Một trong những cách mà các đột biến này có thể xảy ra là khi tế bào trong cơ thể phân chia (hay còn được biết đến là hiện tượng phân bào) - quá trình xảy ra vô số lần trong cuộc đời của mỗi con người. Một số đột biến vô hại, nhưng số còn lại có thể khiến quá trình phân bào trở nên mất kiểm soát. Càng nhiều tế bào, tỷ lệ đột biến càng cao và qua đó đồng thời tăng tỷ lệ xảy ra ung thư, theo như Nunney cho biết.
Nghiên cứu xem xét 23 loại ung thư có ở cả nam và nữ giới qua đó phát hiện ra mối tương quan chặt chẽ giữa chiều cao và nguy cơ mắc bệnh của 14 loại ung thư. Đối với một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tụy, thực quản, dạ dày và miệng, các nhà khoa học không tìm thấy một sự liên kết nào giữa nguy cơ và chiều cao.
Nunney giải thích: “Chúng tôi chỉ có thể suy đoán được lý do tại sao nguy cơ mắc 4 loại ung thư trên lại không liên quan tới chiều cao. Các loại ung thư mà chúng ta không thấy tồn tại một liên kết rõ ràng với chiều cao thường liên quan đến những ảnh hưởng đáng kể từ môi trường”. Ví dụ như ung thư miệng thường liên quan tới các yếu tố về tiền sử tiêu thụ rượu và thuốc lá.
Nunney cho biết, ông thường kỳ vọng rằng sẽ thấy hiện tượng tăng nguy cơ bị ung thư xảy ra bất kể cơ quan nào là vị trí bắt đầu của căn bệnh, vì những người cao thường có nội tạng lớn hơn và qua đó có nhiều tế bào hơn. Mặt khác, ông nói thêm rằng béo phì không tăng số lượng tế bào trong cơ thể mà thay vào đó làm một số tế bào trở nên lớn hơn.
Nghiên cứu phát hiện đối với ung thư tuyến giáp và ung thư da, chiều cao có vẻ là một trong những yếu tố rủi ro lớn hơn so với các loại ung thư khác. Và đối với ung thư tuyến giáp, các yếu tố khác như giới tính và quốc tịch cũng đóng góp vào nguy cơ mắc bệnh.
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ Hàn Quốc cao có khả năng mắc bệnh ung thư tuyến giáp cao hơn so với đàn ông và phụ nữ thấp của các quốc gia khác. Nguy cơ ung thư da có thể cao hơn ở những người có nồng độ hormone tăng trưởng IGF-1 cao.
“Các nghiên cứu trước đây cho thấy những người cao thường có nồng độ IGF-1 cũng cao. Và có dữ liệu cho thấy nồng độ IGF-1 cao ở tuổi trưởng thành khiến phân bào diễn ra nhanh hơn” - Nunney cho biết.
“Có vẻ như trong quá trình tiến hóa, các loài động vật lớn đã phát triển thêm 1 lớp chống ung thư. Nếu chúng ta có thể phát hiện được cách thức hoạt động của các lớp ức chế ung thư bổ sung này, chúng ta sẽ có cơ may tận dụng được nó” - Nunney lý giải.