Nguy cơ rối loạn căng thẳng sau khi bị bắt nạt học đường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, bất kỳ sự kiện đau buồn nào cũng có thể gây ra căng thẳng sau sang chấn, bao gồm cả bắt nạt học đường.

Bắt nạt cũng có thể dẫn đến các tình trạng liên quan đến căng thẳng. Ảnh minh họa.
Bắt nạt cũng có thể dẫn đến các tình trạng liên quan đến căng thẳng. Ảnh minh họa.

Trong nhiều năm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) được cho là tình trạng mà chỉ những cựu chiến binh mới trải qua. Song, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, bất kỳ sự kiện đau buồn nào cũng có thể gây ra PTSD, bao gồm bị lạm dụng và bắt nạt học đường.

Dấu hiệu trẻ căng thẳng sau sang chấn

Bà Sherri Gordon - huấn luyện viên cuộc sống, chuyên gia phòng chống bắt nạt tại Mỹ - cho biết, bạo lực học đường gây ra tác động lâu dài đối với nạn nhân. Họ thường xuyên cảm thấy lo lắng, sợ hãi, gặp ác mộng, mất ngủ, trầm cảm và gặp hàng loạt triệu chứng khác.

Nạn nhân thường cảm thấy dễ bị tổn thương, bất lực và không thể tự vệ. Do đó, bắt nạt cũng có thể dẫn đến các tình trạng liên quan đến căng thẳng như PTSD.

Theo các chuyên gia, triệu chứng PTSD ở người lớn và trẻ em có một số điểm khác biệt. Những khác biệt này đặc biệt đáng chú ý nếu cha mẹ cảm thấy con mình có thể bị PTSD.

Cụ thể, với trẻ từ 5 - 12 tuổi, các em thường gặp vấn đề về ghi nhớ hoặc không có hồi tưởng. Trẻ có thể sắp xếp các sự kiện bắt nạt sai trật tự. Trẻ em cũng có thể tin rằng, có những dấu hiệu cho thấy hành vi bắt nạt sắp xảy ra. Do đó, trẻ tin rằng, nếu chú ý, chúng có thể tránh được các vấn đề bắt nạt trong tương lai.

Niềm tin này có thể gây ra sự cảnh giác cao độ. Đôi khi những đứa trẻ sẽ có dấu hiệu của PTSD trong khi chơi. Chẳng hạn, trẻ có thể lặp đi lặp lại một phần của sang chấn trong khi chơi. Trẻ em cũng có thể thể hiện sự tổn thương trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ, một đứa trẻ có thể mang theo cây gậy bóng chày đến trường để bảo vệ bản thân.

Trong khi đó, với thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi, một số triệu chứng PTSD có thể tương tự ở người lớn. Chẳng hạn, trẻ có thể có những suy nghĩ hoặc ký ức khó chịu, gặp cơn ác mộng lặp đi lặp lại, hồi tưởng và cảm giác đau khổ tột độ khi nhắc về sự kiện đó. Sự khác biệt duy nhất là thanh thiếu niên có nhiều khả năng thể hiện những hành vi bốc đồng và hung hăng hơn trẻ nhỏ hoặc người lớn.

Hơn nữa, mặc dù trẻ em có thể bị ám ảnh bởi những suy nghĩ về trải nghiệm đau đớn, nhưng điều này không có nghĩa là chúng dễ dàng được quan sát thấy. Thực tế, trẻ ở tuổi này thường chịu đựng trong im lặng.

Nạn nhân của bắt nạt học đường có những thay đổi về cấu trúc não. Ảnh minh họa.

Nạn nhân của bắt nạt học đường có những thay đổi về cấu trúc não. Ảnh minh họa.

Ngoài PTSD, trẻ em và thanh thiếu niên thường gặp phải những tác động khác của việc bị bắt nạt, bạo lực học đường, bao gồm: Sợ hãi, lo lắng, buồn bã, tức giận, cô đơn, tự ti, không thể tin tưởng người khác, trầm cảm. Thậm chí, trẻ còn có ý định tự tử.

Can thiệp sớm trong tình huống bắt nạt là cách tốt nhất để giảm khả năng xảy ra hậu quả lâu dài. Đối với nhiều trẻ em, các triệu chứng PTSD sẽ tự biến mất sau vài tháng. Tuy nhiên, một số trẻ có các triệu chứng trong nhiều năm nếu không được điều trị. Một trong những cách tốt nhất để cha mẹ giúp trẻ vượt qua bắt nạt và đối phó với các triệu chứng của PTSD là chú ý đến tình hình trẻ.

Theo dõi các dấu hiệu của vấn đề như khó ngủ, tức giận và xa lánh mọi người. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần theo dõi những thay đổi trong thành tích học tập và các vấn đề với bạn bè ở trẻ.

Theo bà Sherri Gordon, nếu các triệu chứng không được cải thiện, cha mẹ có thể nhờ tới sự trợ giúp từ các chuyên gia. “Thực tế, bắt nạt học đường thường có tác động lâu dài đối với những người bị nhắm đến. Hậu quả có thể theo nạn nhân suốt đời.

Thanh thiếu niên và trẻ em là mục tiêu của những kẻ bắt nạt thường phải vật lộn với lo lắng, trầm cảm, ý nghĩ tự tử và lòng tự trọng thấp trong nhiều năm, dù bạo lực học đường đã chấm dứt từ lâu”, bà Gordon nhấn mạnh.

Với thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi, một số triệu chứng PTSD có thể tương tự ở người lớn. Ảnh minh họa.

Với thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi, một số triệu chứng PTSD có thể tương tự ở người lớn. Ảnh minh họa.

Nguy cơ tự làm hại bản thân

Để đối phó với những hậu quả tiêu cực do bạo lực học đường, một số trẻ thậm chí còn dùng đến các hành vi tự làm hại bản thân. Theo Liên minh quốc gia về Bệnh tâm thần (Mỹ), bất cứ khi nào ai đó cố ý làm tổn thương chính họ, điều này được coi là tự làm hại bản thân.

“Tự làm hại bản thân hầu như luôn là dấu hiệu của sự đau khổ về cảm xúc. Nhiều lần, thanh thiếu niên tự làm hại bản thân có thể sử dụng những hành vi này như một cơ chế đối phó với cảm xúc khó chịu và ký ức đau buồn. Hành vi này có thể để lại sẹo và thường khiến người khác chú ý. Do đó, tự làm hại bản thân có thể gây ra cảm giác xấu hổ dữ dội. Trong một số trường hợp, thanh thiếu niên có thể mắc kẹt trong chu kỳ tự làm hại mình hết lần này đến lần khác”, chuyên gia Sherri Gordon cho biết.

Nữ chuyên gia lưu ý, tự làm hại bản thân không phải là bệnh tâm thần. Thực tế, đây là một hành vi cho thấy người đó cần phát triển các kỹ năng đối phó tốt hơn. Nhìn chung, tự làm hại bản thân là một vấn đề phổ biến, khi hơn 15% thanh thiếu niên và thanh niên ở Mỹ có hành vi này. Có một số lý do khác nhau khiến một người tự làm hại bản thân. Song, nhiều khi, hành vi này được sử dụng để giảm căng thẳng.

Theo bà Gordon, có một số lý do khác khiến thanh thiếu niên và thanh niên tự làm hại bản thân. Trong đó, tự làm đau bản thân có thể khiến trẻ tê liệt hoặc trống rỗng, ngăn chặn những ký ức đau đớn hoặc khó chịu. Đồng thời, trẻ cảm thấy như được giải phóng cảm xúc và sự thất vọng. Ngoài ra, hành vi này cũng có thể truyền tải rằng, trẻ muốn lấy lại quyền kiểm soát trong cuộc sống, hoặc đang cần giúp đỡ.

Nữ chuyên gia dẫn chứng, nhiều nghiên cứu cho thấy, việc bị bắt nạt có liên quan đến tăng nguy cơ tự làm hại bản thân ở những người trẻ tuổi. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Trường Kings College London (Anh) chỉ ra rằng, trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 12 thường xuyên bị bắt nạt có khả năng tự làm hại bản thân cao gấp ba lần so với bạn cùng lứa. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy, thanh thiếu niên bị bắt nạt trên mạng có khả năng tự làm hại bản thân cao hơn gấp đôi. Những trẻ này có hành vi, ý nghĩ về tự tử.

Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Kings College London cũng lưu ý rằng những yếu tố nguy cơ tự làm hại bản thân của nạn nhân bị bắt nạt gia tăng. Song, phần lớn thanh thiếu niên bị bắt nạt không tự làm hại bản thân. Vì lý do này, các nhà nghiên cứu khuyến nghị cha mẹ nên xác định khi trẻ có nguy cơ cao tự làm hại bản thân. Các yếu tố rủi ro khác dẫn đến tự làm hại bản thân bao gồm lớn lên trong nghèo khó, có vấn đề về sức khỏe tâm thần từ trước, tiền sử gia đình có người tự làm hại bản thân, chỉ số IQ thấp và bị ngược đãi.

“Nếu nghi ngờ con mình đang có hành vi tự làm hại bản thân hoặc có nguy cơ thực hiện điều đó, điều quan trọng là cha mẹ phải giúp con mở lòng để chia sẻ. Đồng thời, tìm hiểu về các dấu hiệu của hành vi tự làm hại bản thân”, bà Gordon gợi ý. Nhìn chung, những đứa trẻ tự làm hại bản thân có nhiều khả năng thường xuyên bị đứt tay, bầm tím, bỏng, trầy xước hoặc sẹo. Trẻ cũng có dấu hiệu của hành vi rối loạn ăn uống, thường mặc áo, quần dài ngay cả khi thời tiết nóng.

Ngoài ra, trẻ cũng có xu hướng bao biện cho những tổn thương, giữ vật sắc nhọn trong phòng hoặc túi không lý do, duy trì tình bạn với những người tự làm hại bản thân. Một số dấu hiệu khác bao gồm: Có lòng tự trọng thấp; Đấu tranh với trầm cảm, rối loạn ăn uống hoặc PTSD; Lạm dụng thuốc hoặc rượu; Bày tỏ những cảm xúc mãnh liệt như tức giận, tuyệt vọng hoặc cô đơn.

Điều quan trọng là cha mẹ không phán xét khi tương tác với con về hành vi tự làm hại bản thân của chúng. Thay vào đó, hãy cố gắng hiểu điều gì đang thúc đẩy trẻ tự làm tổn thương bản thân. Cha mẹ cũng cần lắng nghe những gì trẻ nói, nhưng không cố gắng giải quyết tình hình, thuyết phục hoặc yêu cầu con dừng lại. Tự làm hại bản thân không phải là thứ mà thanh thiếu niên có thể “bật” và “tắt” như một ngọn đèn. Trẻ sẽ cần sự giúp đỡ và hướng dẫn từ một chuyên gia.

Bà Gordon nhấn mạnh, cha mẹ cần hiểu, những cảm xúc mà trẻ đang trải qua đôi khi có thể thực sự đau đớn và choáng ngợp. Trong khi việc cần một cách giải thoát là hoàn toàn bình thường, thì tự làm hại bản thân không phải là việc hữu ích để đối phó với cảm giác khó chịu. Vì lý do này, các phụ huynh cần tìm một chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ để hỗ trợ con. Trẻ cần được hỗ trợ để không chỉ chấm dứt những hành vi này, mà còn chữa lành khỏi bạo lực học đường, hoặc các sự kiện khác trong cuộc sống đang gây khó khăn cho chúng.

Một nghiên cứu năm 2018 được thực hiện bởi Erin Burke Quinlan của Trường Kings College London (Anh) đã chứng minh rằng, nạn nhân của bắt nạt học đường có những thay đổi về cấu trúc não, sai lệch so với sự phát triển não bộ điển hình của tuổi thiếu niên. Nghiên cứu cho thấy, những thay đổi thần kinh này làm tăng nguy cơ gặp phải các thách thức về sức khỏe tâm thần. Trong đó, nạn nhân lâu năm của bạo lực học đường có những tác động nghiêm trọng hơn.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.