Nguy cơ Omicron là có thật!

GD&TĐ - WHO đã phân loại Omicron là “biến thể cần quan tâm” vì có nhiều đột biến. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, vắc-xin và phương pháp điều trị Covid-19 hiện tại có thể kém hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước bối cảnh này, hàng loạt quốc gia, bao gồm Australia, Mỹ, Canada, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đã cấm du khách đến từ 9 quốc gia Nam Phi.

Tuy nhiên, tới nay, Omicron đã được phát hiện ở các khu vực khác, bao gồm Anh, Đức, Israel, Hồng Kông và Bỉ. Vì vậy, lệnh cấm nhập cảnh đối với các quốc gia Nam Phi có thể làm chậm quá trình lây lan dịch bệnh. Song, điều đó khó có thể ngăn chặn được biến thể mới.

Các nhà khoa học và chính trị gia châu Phi đã bày tỏ sự thất vọng trước những lệnh cấm này. Họ cho rằng, các lệnh cấm sẽ có những tác động tiêu cực đáng kể đối với nền kinh tế Nam Phi.

Họ đồng thời lưu ý rằng, vẫn chưa rõ liệu biến thể mới có nguồn gốc từ Nam Phi hay không. Vì Omicron đã được phát hiện ở một số quốc gia khác, biến thể mới có lẽ đã xuất hiện ở nhiều khu vực không nằm trong danh sách cấm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường không khuyến nghị biện pháp cấm nhập cảnh. Thay vào đó, WHO cho rằng, những biện pháp có giá trị nên được ưu tiên bao gồm: Tiêm chủng, vệ sinh tay, duy trì khoảng cách, đeo khẩu trang và thông gió tốt.

Trước bối cảnh này, ông Anthony Zwi - Giáo sư về Sức khỏe và Phát triển Toàn cầu tại Đại học New South Wales (Australia) - nhận định, biến thể Omicron nên được kiểm soát bằng xét nghiệm, truy vết, cách ly, áp dụng các biện pháp y tế công cộng và giám sát liên tục. Bên cạnh đó, vắc-xin vẫn được coi là cơ sở chính để bảo vệ các quốc gia khỏi những tác động nghiêm trọng nhất của Covid-19.

Chưa rõ hiệu quả của vắc-xin có thể chống lại Omicron như thế nào, nhưng đây vẫn là “chìa khóa” với mức độ bảo vệ nhất định. Pfizer cũng cho biết có thể phát triển một loại vắc-xin hiệu quả chống lại biến thể mới như Omicron trong vòng 100 ngày hoặc lâu hơn.

Sự “dai dẳng” của Covid-19 một phần là do phạm vi tiêm chủng còn hẹp ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia kém phát triển nhất. Nam Phi được coi là khu vực khá hơn hầu hết các nước trên lục địa. Tuy nhiên, chỉ 24% dân số trưởng thành tại đây hiện được tiêm chủng đầy đủ. Đối với toàn bộ châu Phi, con số này là 7,2%.

Do đó, có lẽ, sự hỗ trợ lớn hơn trên toàn cầu để thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng là điều cần thiết lúc này. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt vắc-xin phòng Covid-19 tại khu vực châu Phi, một liên minh về công nghệ sinh học của Nam Phi đang nghiên cứu để sản xuất vắc-xin mRNA dựa trên công thức bào chế vắc-xin của Hãng Dược phẩm Moderna (Mỹ).

Bước đi này được xem là nỗ lực mang tính đột phá, có thể giúp Lục địa đen sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 tiên tiến của riêng mình trong vòng một năm tới. Đây cũng là cách giúp châu Phi khắc phục các vấn đề của chuỗi cung ứng và ứng phó với các mối đe dọa dịch bệnh.

Trong khi vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về tác động của Omicron, có lẽ, hiện tại là lúc cộng đồng toàn cầu phải hỗ trợ nhau bằng cách chia sẻ thông tin kịp thời và minh bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.