Tập thể dục tốt cho sức khỏe, điều này không phải là mới, nhưng gần đây một nhóm các nhà khoa học, qua nghiên cứu đã cho thấy rằng thể dục có thể cải thiện nhiều về tình trạng suy giảm nhận thức liên quan đến những tình trạng mà chúng ta không nghĩ các hoạt động thể chất sẽ mang lại hiệu quả.
Trong những năm gần đây, hiểu biết của chúng ta về sự phức tạp của bệnh tâm thần phân liệt đã nhanh chóng phát triển. Những gì được nghĩ trước đây rằng nó chỉ là một dạng sức khỏe tâm thần hiện đã được mở rộng thành một sự rối loạn đầy phức tạp, có thể là nguyên nhân gây kích động toàn cơ thể.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, tập thể dục có thể cải thiện trực tiếp các triệu chứng liên quan đến tâm thần phân liệt. Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đài Loan (Trung Quốc) đã ủng hộ giả thuyết này với các nghiên cứu kỹ về loại hình thể dục có thể đưa đến những hiệu quả có lợi cho những người được chẩn đoán mắc hội chứng trên.
Thí nghiệm diễn ra trên 62 đối tượng mắc bệnh tâm thần phân liệt. Các nhà nghiên cứu tách họ thành 2 nhóm: Một nhóm trải qua ít nhất 30 phút tập Aerobic 5 lần mỗi tuần trong 12 tuần và nhóm đối chứng tập những bài tập cường độ thấp trong thời gian tương tự.
Những người tham gia tiếp tục uống thuốc do bác sĩ kê toa bình thường trong suốt cuộc thí nghiệm và được đánh giá bởi một thầy thuốc chuyên về tâm thần 3 lần: Bắt đầu thí nghiệm, chấm dứt thí nghiệm và 3 tháng sau đó. Chuyên gia đánh giá này không biết 2 nhóm đã tập như thế nào để không bị kiến thức về chương trình này gây ảnh hưởng.
Các kết quả cho thấy, những người tập thể dục Aerobic giảm đáng kể các triệu chứng tiêu cực và bệnh học tâm thần tổng quát ở tất cả các đối tượng so với nhóm đối chứng tập với cường độ thấp. Điều thú vị hơn nữa là sự cải thiện tiếp tục sau 3 tháng đối với các đối tượng tiếp tục chương trình tập luyện 12 tuần.
Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích làm thế nào mà hình thức thể dục này có thể làm giảm các triệu chứng tiêu cực liên quan đến tâm thần phân liệt. Một gợi ý cho rằng, tập Aerobic có thể làm tăng mức protein quan trọng được gọi là brain-derived neurotrophic factor (BDNF), nhân tố neurotrophic bắt nguồn từ não. Một số bằng chứng được nêu lên cho thấy mức huyết thanh thấp của BDNF trong não có liên quan với bệnh học tâm thần của chứng tâm thần phân liệt, vì vậy có vẻ hợp lý khi đưa ra giả thuyết rằng BDNF tăng khi tập Aerobic sẽ làm giảm các triệu chứng tiêu cực.
Những giả thuyết khác gợi ý rằng, để giải thích sự liên quan thuyết phục này bao gồm việc tập thể dục cường độ cao làm gia tăng mức glutamate trong não, chất được cho là có khả năng làm giảm các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt và tập thể dục giúp điều hòa trục HPA (hồi hải mã- tuyến yên- tuyến thượng thận), một khu vực của não được xem là có liên quan đến sự rối loạn chức năng ở những đối tượng bị tâm thần phân liệt.