Nguy cơ cận huyết do hiến tặng tinh trùng cho người hiếm muộn

Những đứa trẻ được sinh ra cùng một mẫu tinh trùng không may gặp nhau, yêu nhau rồi lấy nhau sẽ vô tình gây loạn luân, cận huyết.


Quy trình hỗ trợ sinh sản phải tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt. Ảnh:Lê Phương.
Quy trình hỗ trợ sinh sản phải tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt. Ảnh:Lê Phương.

Hiến tặng tinh trùng cũng tương tự như hiến tạng, là một việc làm nhân đạo giúp những người hiếm muộn, vô sinh có cơ hội làm cha mẹ.

Hiến tinh trùng là việc một người đàn ông tặng tinh trùng của mình cho trung tâm hay ngân hàng tinh trùng để họ sử dụng cho thụ tinh trong ống nghiệm.

Song, việc này cũng dấy lên mối lo ngại về nguy cơ trẻ sinh ra bị dị tật do tinh trùng không đảm bảo. Những đứa trẻ cùng cha không may gặp nhau, yêu nhau rồi lấy nhau sẽ loạn luân, cận huyết.

Hiện, Việt Nam chưa ghi nhận tình trạng trên, song ở nước ngoài không phải hiếm.

Mới đây, một người đàn ông ở Đan Mạch mắc bệnh rối loạn gen nhưng đã hiến tinh trùng ở nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản khắp thế giới, 99 em bé được sinh ra từ tinh trùng hiến tặng của ông.

Hay tại Mỹ đã có đến 150 đứa trẻ được sinh ra từ tinh trùng của cùng một người đàn ông, những đứa trẻ ở cùng vùng miền này có nguy cơ loạn luân.

Về nguy cơ này, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia cho biết, nhu cầu xin tinh trùng để sinh con rất lớn và mỗi năm các trung tâm hỗ trợ sinh sản khắp cả nước có thể cần tới hàng trăm mẫu tinh trùng hiến.

Song, mọi người không nên quá lo lắng vì việc hiến tặng đã có quy định cụ thể, rõ ràng.

Theo quy định về cho và nhận tinh trùng, những người hiến tặng tinh trùng tại trung tâm chỉ được phép cho duy nhất một lần, tinh trùng của người cho cũng chỉ được sử dụng cho một người nhận. 

Đối tượng nhận phải nằm trong hai loại: Một - người nhận tinh trùng phải là cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh do người chồng không có tinh trùng; hai là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con. 

Mọi mẫu hiến tại ngân hàng đều được đánh mã số và đảm bảo tính vô danh của người hiến cũng như người sử dụng mẫu sau này.

Những tinh trùng này sẽ được mã hóa và chọn ngẫu nhiên trong hàng nghìn mẫu khi tiến hành làm thụ tinh ống nghiệm. "Một nguyên tắc nữa là mỗi người chỉ được hiến tặng một lần, vì vậy chuyện hai đứa trẻ sinh ra cùng mẫu tinh trùng gặp nhau, kết hôn là rất khó...", ông Tiến nói.

Ông Tiến nói thêm, về nguyên tắc, người cho tinh trùng được thăm khám và kiểm tra đầy đủ các điều kiện về sức khỏe. Người hiến chủ yếu là những người trẻ tuổi từ 18 đến 45, khỏe mạnh, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm hay các bệnh di truyền khác, học vấn tối thiểu học hết trung học cơ sở.

Đặc biệt, người hiến phải trên tinh thần tự nguyện và không tìm hiểu bất kỳ thông tin về người nhận như tên tuổi, địa chỉ. "Những người bị bệnh lý, HIV, viêm gan siêu vi, từng có con bị dị tật, không được phép hiến tặng tinh trùng", ông Tiến nói.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, nguy cơ thai nhi dị tật hay cận huyết do hiến tặng tinh trùng là rất khó xảy ra vì người hiến đều được các trung tâm, bệnh viện kiểm tra kỹ từng bước một.

Điều mà khiến ông lo ngại nhất đó là tình trạng mua bán tinh trùng, trứng trên mạng bởi không ai đảm bảo được đó là nguồn tinh trùng tốt hay không.

Đứa trẻ sinh ra có nguy cơ dị tật, mắc nhiều bệnh tật. Bên cạnh nguy cơ việc nhiễm bệnh, việc hiến tặng, mua bán tinh trùng, trứng không kiểm soát còn có thể dẫn đến hôn nhân cận huyết sau này. Nếu người cho biết người nhận có thể gặp nhiều phiền phức trong mối quan hệ xã hội sau này.

"Các cặp vợ chồng chữa vô sinh hiếm muộn nên đến những bệnh viện uy tín, được cấp phép và nhận nguồn tinh trùng rõ nguồn gốc, chất lượng đã được sàng lọc cẩn thận tại các nơi này", bác sĩ Lợi khuyến cáo.

Theo thống kê, mỗi năm, nước ta có trên 10.000 cặp vợ chồng có nhu cầu hỗ trợ sinh sản nhưng mới có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản được Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Trung bình mỗi năm có gần 5.000 trẻ ra đời bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Ở Việt Nam, việc lưu giữ tinh trùng cũng đã được thực hiện ở một số cơ sở phụ sản lớn như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Trung tâm công nghệ mô phôi thuộc Học viện Quân y, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội...

Nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) xác định tỷlệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%. Đáng báo động làkhoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh tuổi dưới 30.
Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.