Nguy cơ biến chứng viêm não do bệnh tay chân miệng

GD&TĐ - Có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng. Đó là biến chứng thần kinh và suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Ở một số trường hợp, trẻ bị tay chân miệng có thể chuyển nặng trong 48 giờ. Ảnh minh họa
Ở một số trường hợp, trẻ bị tay chân miệng có thể chuyển nặng trong 48 giờ. Ảnh minh họa

Với nhiều trẻ biến chứng thần kinh, tình trạng điển hình nhất là viêm não.

Người lớn có thể là nguồn lây

Theo báo cáo của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, tỷ lệ ca mắc tay chân miệng trên 100.000 dân hiện cao hơn năm trước và so với trung bình 5 năm vừa qua. Đây cũng là những tỉnh có tỷ lệ ca nặng cao.

81% ca bệnh ở TPHCM chưa được phân bổ lâm sàng, gây ảnh hưởng đến đánh giá lâm sàng, xác định xu hướng bệnh tật. Đến nay, ở các tỉnh, thành phía Nam đã ghi nhận 7 bệnh nhân tử vong, chủ yếu là trẻ 5 tuổi.

Nguyên nhân gây tử vong ở 5/7 ca được xác định là do virus Entero 71 (EV17). Trong khi đó, ở miền Bắc, riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng.

Phát biểu về tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế và các vụ, cục, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch tích cực.

Tuy nhiên, để đáp ứng kịp thời, dự phòng bệnh tật, các địa phương phải khẩn trương ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó bảo đảm “4 tại chỗ”.

Các địa phương khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai hoạt động phòng, chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết một cách chủ động. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát tình hình, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng yêu cầu các cơ sở y tế phải tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám, chữa bệnh. Tuyến trên phải tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Phát hiện sớm dịch bệnh, thực hiện truyền thông tại cộng đồng, tại trường học để phòng dịch.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng, phần lớn ca mắc và chuyển nặng đều là trẻ em. Tuy nhiên, người lớn cũng là nguồn lây quan trọng.

Nhiều người không có triệu chứng nên khó kiểm soát. Do đó, nếu không kiểm soát nghiêm ngặt thì số ca nặng sẽ tăng cao vì hiện nay bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.

Không tự ý cho trẻ dùng thuốc

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng.

Đó là biến chứng thần kinh và suy hô hấp, suy tuần hoàn. “Tuy nhiên, năm nay bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não.

Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu và cuối giấc ngủ. Ngoài ra, còn có biểu hiện run chi, đi lại loạng choạng…”, bác sĩ Nga thông tin.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, biểu hiện bệnh tay chân miệng thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.

Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1 - 2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhi cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.

Với trường hợp bệnh nặng sẽ có các triệu chứng như sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều (>2 lần trong 30 phút); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường: Ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng. Trẻ mắc bệnh nặng cần nhập viện điều trị.

“Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm”, bác sĩ Nga khuyến cáo.

Trong khi đó, trẻ bệnh nhẹ có thể được chăm sóc tại nhà. Khi trẻ có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt, người chăm trẻ phải được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhi tay chân miệng, cách phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Ưu điểm của chăm sóc tại nhà là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

BSCKII Nguyễn Thị Hạnh Lê - Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho biết, trong vòng khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhi đến bệnh viện khám do tay chân miệng tăng. Ở một số trường hợp, trẻ bị tay chân miệng có thể chuyển nặng trong 48 giờ.

Do đó, phụ huynh nên theo dõi sát các biểu hiện bệnh ở trẻ. Trong khi đó, trẻ bị tay chân miệng độ nhẹ sau khi khám được chỉ định theo dõi và điều trị tại nhà cần tuân thủ cách ly điều trị. Từ đó phòng ngừa lây nhiễm cho các trẻ khác cùng nhà.

Phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, chia làm nhiều bữa nhỏ. Nên cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung thêm nước trái cây. Cho trẻ uống sữa mát để đỡ đau miệng (không nên uống nước đá lạnh ngắt).

Không nên cho trẻ ăn các thức ăn cay, nóng bởi dễ gây bỏng rát. Hạn chế những thức ăn dễ gây rối loạn tiêu hóa, đồ tanh, chua, mỡ khó tiêu. Phụ huynh không tự ý dùng thuốc cho trẻ, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ