Theo một loạt các nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Haifa, Israel gần đây: ánh sáng nhân tạo ban đêm phải chịu một phần trách nhiệm cho tỷ lệ béo phì và ung thư tăng cao.
Các nhà khoa học tìm thấy đầu mối đến từ quá trình sản xuất một hóc-môn mang tên Melatonin.
Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu như vậy được thực hiện trên quy mô lớn. Dữ liệu ảnh vệ tinh đã được so sánh với tỷ lệ béo phì và ung thư của hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới. Kết quả chỉ ra một sự trùng khớp đáng kinh ngạc.
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí International Journal of Obesity.
Các quốc gia “sáng nhất” cũng nhiều người béo phì nhất
Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu trên quy mô lớn, gán trách nhiệm của các vấn đề sức khỏe cho sự phá vỡ chu kì ngày đêm, gây ra bởi phơi sáng nhân tạo. Mặc dù vậy, rất ít các nhà khoa học tập trung vào tác động riêng của ánh sáng.
Bỏ qua hệ quả của rối loạn giấc ngủ, bản thân ánh đèn điện ban đêm phải chịu trách nhiệm cho điều gì? Một số nhỏ nghiên cứu tập trung vào vấn đề này.
Ví dụ, nhiều thí nghiệm trên động vật phát hiện, tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo ban đêm làm giảm hiệu quả trao đổi chất.
“Trong những năm gần đây, mới có thêm nghiên cứu quy trách nhiệm cho ánh sáng nhân tạo gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Trong số đó có cả béo phì”, nhà nghiên cứu Nataliya Rybnikova nói. “Một số thí nghiệm cũng đã kiểm tra được tác dụng riêng của ánh sáng nhân tạo, dẫn đến tăng cân ở chuột”.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học đến từ Đại học Haifa được thực hiện để tìm kiếm những thay đổi trên quy mô lớn và ở con người.
Họ sử dụng hình ảnh vệ tinh chụp trên 80 quốc gia để thu thập dữ liệu phơi nhiễm ánh sáng nhân tạo ban đêm. Sau đó, dữ liệu này được so sánh với tỷ lệ béo phì quốc gia, tổng hợp bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Kết quả là có tới 70% trường hợp trùng khớp. Các quốc gia có cường độ chiếu sáng ban đêm lớn nhất cũng có tỷ lệ béo phì cao nhất.
Con số đã được rút ra sau khi hiệu chỉnh mọi yếu tố gây nhiễu đến từ: GDP, tỉ lệ dân số đô thị, tỉ lệ sinh trung bình và cả chế độ ăn uống.
Bước tiếp theo của nghiên cứu là thiết lập tương quan giữa ánh sáng nhân tạo và tình trạng béo phì. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ nó đến từ các thay đổi trong sinh lý, dẫn đến tăng cân không lành mạnh.
“Có một hóc-môn tên là Melatonin chịu trách nhiệm cho các chức năng trao đổi chất”, Rybnikova nói. Tăng cường tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo ban đêm ức chế sản xuất melatonin và làm gián đoạn nhịp sinh học hàng ngày.
Ánh sáng nhân tạo cũng có thể gây ung thư
Tiến thêm một bước nữa, các nhà nghiên cứu sử dụng phân tích tương tự liên quan đến bệnh ung thư. Đúng như dự đoán, các nước có mức độ lớn ánh sáng nhân tạo ban đêm có tỷ lệ ung thư vú cao.
Ở một số vùng, đặc biệt là Tây Âu, sự liên quan giữa hai dữ liệu này rất chặt chẽ. Tuy nhiên, ở một số vùng khác như Đông Nam Á, “tỷ lệ ung thư vú là khá thấp, trong điều kiện ánh sáng nhân tạo ban đêm tương đối cao”.
Sự khác biệt này cho thấy có những khu vực tiềm năng phải được nghiên cứu thêm.
Về nguyên nhân, đầu mối tiếp tục được gán cho Metatonin, khi hóc-môn này có thuộc tính chống ung thư và quá trình oxy hóa.
Một vài nghiên cứu liên quan của Đại học Haifa cũng cho thấy khu vực phơi sáng cao vào ban đêm có mức độ cao hơn dân cư mắc ung thư tiền liệt tuyến.
Kết quả được tóm tắt trong cuốn sách năm 2013 của tác giả Portnov và Abraham Haim, với tên gọi “Ô nhiễm ánh sáng là yếu tố nguy cơ cho ung thư vú và tiền liệt tuyến”.
Trở lại nghiên cứu mới, bên cạnh việc cung cấp thêm bằng chứng về nguy cơ sức khỏe, nó cũng báo hiệu một sự thay đổi trong cách mà loài người sử dụng ánh sáng nhân tạo.
Cụ thể, ảnh vệ tinh chỉ ra ánh sáng LED trắng đang có một xu hướng gia tăng mạnh. Đáng lo ngại, đây là loại nguồn sáng có hại nhất đối với quá trình sản xuất Melatonin, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.