Nguy cơ bệnh bạch hầu bùng phát: Vắc-xin, 'chìa khoá vàng' phòng bệnh

GD&TĐ - Bệnh bạch hầu chủ yếu xảy ra nhiều ở những khu vực miền núi. Lý do là tại những khu vực này, tỷ lệ bao phủ vắc-xin còn thấp.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga.

Một thiếu niên 15 tuổi tại Hà Giang vừa tử vong do bệnh bạch hầu. Theo Sở Y tế Hà Giang, đây là ca bệnh đầu tiên tại địa phương trong nhiều năm trở lại đây. Tính đến ngày 30/8, toàn tỉnh Hà Giang có thêm 23 ca mắc bạch hầu.

Trước nguy cơ bệnh bạch hầu bùng phát, ngày 7/9, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế về vấn đề này.

Nguy cơ bùng phát dịch

- Thưa ông, Việt Nam ghi nhận một số ca nhiễm bạch hầu trong thời gian gần đây. Ông có thể lý giải nguyên nhân sự “trở lại” này của bạch hầu?

- Việt Nam làm rất tốt công tác tiêm chủng, tiêm chủng mở rộng. Với bệnh bạch hầu, có khoảng trên 90 - 95% trẻ em được tiêm chủng. Đó là lý do các ổ dịch bệnh bạch hầu không thể bùng phát. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân chính gây gián đoạn tiêm chủng bạch hầu.

Trong thời gian đại dịch, ngay cả việc đi lại để cung cấp vắc-xin tới các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Vì những lý do đó, việc tiêm vắc-xin bạch hầu nói riêng và các bệnh khác nói chung không được bao phủ.

Bệnh bạch hầu chủ yếu xảy ra nhiều ở những khu vực miền núi. Lý do là tại những khu vực này, tỷ lệ bao phủ vắc-xin còn thấp. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng thời gian qua cũng gặp khó khăn. Đồng thời, nhiều gia đình cũng không chú trọng tới việc đưa con đi tiêm chủng.

Với trường hợp thiếu niên 15 tuổi tử vong do bạch hầu gần đây, có thể là trong quá khứ, trẻ chưa từng được tiêm chủng. Hoặc, trẻ từng tiêm chủng nhưng không được nhắc lại ở tuổi 12 - 13.

- Theo ông, biện pháp để ngăn chặn bệnh bạch hầu là gì?

- Nhiều bệnh đã được “chặn đứng” bởi tiêm chủng. Tuy nhiên, khi tiêm chủng không đạt thì nguy cơ bùng phát trở lại là có. Trong đó, không chỉ bạch hầu, mà còn cả ho gà, uốn ván... Do đó, giải pháp vô cùng cần thiết là tăng cường công tác tiêm chủng. Đồng thời, có những phương án hỗ trợ tiêm chủng cho các tỉnh, khu vực gặp khó khăn.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông tới các gia đình. Một yếu tố quan trọng khác nữa là cung cấp đủ vắc-xin cho các khu vực, đặc biệt là những vùng gặp khó khăn. Thời gian vừa rồi, sau Covid-19, các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của nước ta cũng gặp không ít khó khăn. Đó cũng là một lý do chính khiến công tác tiêm chủng không thuận lợi.

Chúng ta cũng cần tăng cường công tác truyền thông mạnh mẽ tới các gia đình. Như vậy, giúp phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiêm chủng và đưa con em mình đi tiêm vắc-xin.

Trong trường hợp quá khó khăn, cần xây dựng các đội tiêm chủng lưu động tại trạm y tế xã. Nếu cần thiết hơn nữa, những đội tiêm chủng lưu động này có thể đến nhà người dân.

- Ông cho biết cơ chế lây lan của bệnh bạch hầu? Người dân cần làm gì để có thể phòng bệnh?

- Bạch hầu là bệnh gây ra bởi khuẩn có tên Corynebacterium diphtheriae. Chúng không chỉ tấn công các cơ quan hô hấp như mũi họng, mà cả cơ quan sinh dục hay trên mắt, da. Các độc tố của vi khuẩn còn có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm độc toàn thân, cơ quan thần kinh, tim, thận...

Bệnh có thể lây lan một cách dễ dàng từ người sang người. Bệnh có thể lây trực tiếp qua hô hấp, cụ thể là người bệnh ho hay hắt hơi bắn dịch tiết có vi khuẩn ra môi trường, sang người khác.

Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua việc tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh có chứa vi khuẩn dính trên đồ vật, chẳng hạn cốc uống nước, bát đũa hay thậm chí cả giấy ăn. Mọi người cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu sử dụng chung đồ dùng như đồ chơi hay khăn... có chứa vi khuẩn.

Trong trường hơp trẻ mắc bệnh bạch hầu, cần nhanh chóng cách ly bệnh nhi với những người khác. Để phòng bệnh, cha mẹ cần nhắc trẻ thường xuyên rửa tay xà phòng đúng cách, đeo khẩu trang. Đồng thời, cha mẹ phải cho trẻ tiêm phòng vắc-xin bạch hầu.

Cần làm gì để bảo vệ trẻ?

Trong năm 2020, dịch bạch hầu đã diễn ra ở Tây Nguyên với số ca mắc lên đến 200 ca và 4 có ca tử vong. Sau đó tại một số tỉnh, vẫn xuất hiện rải rác các ca bệnh bạch hầu.

- Ông đánh giá thế nào về nguy cơ bạch hầu bùng phát? Khi trẻ trở lại trường học, gia đình và nhà trường cần có biện pháp gì để bảo vệ trẻ?

- Trong bối cảnh trẻ trở lại trường học, nguy cơ mắc bệnh bạch hầu là có, nhưng không đáng lo ngại. Y tế nhà trường cần theo dõi xem trẻ nào có nguy cơ cao. Đặc biệt, cần tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, hoặc chú ý tới những dấu hiệu mắc bệnh ở trẻ. Hiện nay là thời điểm chuyển mùa. Do đó, số trẻ mắc các bệnh về hô hấp là rất cao. Vì vậy, công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong trường học là vô cùng quan trọng.

Nhà trường cũng cần truyền thông tới gia đình và học sinh, tổ chức khám sức khoẻ. Đồng thời, hướng dẫn cho gia đình và trẻ cách phòng bệnh và các dấu hiệu của bệnh. Đặc biệt, giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Nhà trường và giáo viên cần phối hợp với y tế địa phương. Qua đó, nắm bắt được tình hình các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Từ đó, lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong nhà trường. Trong trường hợp không có y tế trường học, nhà trường phải mời cán bộ y tế xã, huyện, địa phương để tuyên truyền.

Về phía gia đình, cha mẹ cần chú trọng theo dõi sức khoẻ con. Thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang. Chú ý tới chế độ dinh dưỡng của trẻ. Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Đối với bạch hầu, cách phòng chống hiệu quả nhất là tiêm chủng và truyền thông. Do đó, điều quan trọng nhất là bao phủ tiêm chủng. Có thể bệnh bạch hầu sẽ không bùng phát thành dịch lớn.

Với những khu vực có độ bao phủ vắc-xin cao, dịch có thể sẽ không xuất hiện. Tuy nhiên, các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần tăng cường biện pháp chống dịch. Đối với những khu vực đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, người dân không nên quá lo ngại.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.