Năm 2015 này, lần đầu tiên Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức, các nhà trường và thí sinh mong chờ với nhiều dự đoán bởi điểm thi năm nay được coi là cao hơn so với điểm thi ĐH, CĐ năm 2014.
Ngay sau khi công bố điểm sàn được dư luận xã hội đánh giá cao, bởi nó không chỉ đảm bảo kiểm soát ngưỡng chất lượng đầu vào mà còn hội tụ đầy đủ các yếu tố vùng miền, tạo điều kiện tối đa cho các trường tuyển sinh.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 này, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi trong đó có hơn 720.000 thí sinh dự thi ở cụm thi do các trường đại học chủ trì.
Trong đó số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ thi đủ ba môn của khối A truyền thống là 320.000 thí sinh, số thí sinh dự thi đủ ba môn khối B là 187.000 thí sinh, khối C có 111.000 thí sinh và số thí sinh thi đủ ba môn khối D là 543.000 thí sinh.
Trong đó, khối A có 110.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 243.000 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Khối B có 45.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 121.000 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên.
Còn lại ở các khối thi khác và các tổ hợp môn thi, mức điểm trung bình thí sinh nằm trong khoảng 16 - 18 điểm. Các tổ hợp gồm môn Toán kết hợp với các môn xã hội hoặc môn Ngoại ngữ thì điểm thi trung bình thấp hơn, chỉ ở mức 13 - 15 điểm.
Kết quả thống kê từ hơn 720.000 thí sinh dự thi ở cụm thi do các trường đại học chủ trì cũng cho thấy điểm thi đạt mức từ trung bình trở lên khá là nhiều, ít dần ở mức cao hơn.
Chỉ có 404 bài thi đạt điểm tuyệt đối. Môn Hóa học có nhiều bài thi đạt điểm tuyệt đối nhất với 130 bài, môn Toán có 85 bài thi đạt điểm 10, môn Văn không có bài thi nào đạt điểm tuyệt đối, môn Sinh học có 35 điểm 10, môn Địa lý là 84, môn Tiếng Anh 55 và môn Lịch sử có 10 bài thi đạt điểm 10.
Dựa trên phổ điểm của thí sinh, các chuyên gia tuyển sinh đã đưa ra nhận định là nguồn tuyển sẽ không thiếu cho các trường tốp giữa và tốp dưới.
Một mức điểm với tiêu chí đạt ngưỡng chất lượng đầu vào là 15 cho ĐH và 12 cho CĐ như đã công bố được coi là hợp lý, vì chất lượng nguồn tuyển luôn đi cùng với chất lượng đào tạo.
Không quá lời khi nhiều người gọi ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ là ngưỡng của niềm tin. Vấn đề còn lại giờ đây là ở các trường, đích đến lấy chất lượng người học là chính hay mong muốn gọi cho hết chỉ tiêu tuyển sinh đã xây dựng.
Điều cần nhấn mạnh ở đây rằng quyền tự chủ là của các trường, nhưng trách nhiệm bảo đảm chất lượng đào tạo là của cơ quan quản lý nhà nước - Bộ GD&ĐT.
Có thể nói, Hội đồng điểm sàn đã tính toán đến các yếu tố cần thiết để đảm bảo nguồn tuyển sẽ đáp ứng đủ chỉ tiêu của các trường. Đưa ra căn cứ nào để xây dựng điểm gọi trúng tuyển cho hợp lý là bài toán các trường phải tự giải, xã hội và người học sẽ giám sát. Chất lượng là nền tảng tạo dựng nên thương hiệu và uy tín, đây là bài học thực tế mà các trường đều phải tính đến.