Nguồn tài nguyên quan trọng

GD&TĐ - Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng, tạo động lực, bồi dưỡng xứng đáng cho người xây dựng đề kiểm tra, thi chất lượng...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trong nhiều công cụ, phương pháp, hình thức đánh giá kết quả học tập của học sinh, đề kiểm tra, đề thi được sử dụng phổ biến, đặc biệt trong đánh giá định kỳ, đánh giá diện rộng.

Từ năm 2010, quy trình, kỹ thuật biên soạn đề thi, kiểm tra kết quả học tập của học sinh theo ma trận đề được Bộ GD&ĐT hướng dẫn, thực hiện thống nhất trong các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đó, 6 bước được mô tả rõ, gồm: Xác định mục đích của đề kiểm tra; xác định hình thức đề kiểm tra; thiết lập ma trận đề; biên soạn câu hỏi theo ma trận; xây dựng hướng dẫn chấm (đáp án) và thang điểm; xem xét lại việc biên soạn đề kiểm tra. Yêu cầu đối với câu hỏi trắc nghiệm, tự luận cũng được Bộ GD&ĐT đưa ra. Cùng đó, nhiều đợt tập huấn cho giáo viên liên quan đến xây dựng đề kiểm tra, đề thi được tổ chức.

Triển khai hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các nhà trường đã tổ chức cho tổ chuyên môn, giáo viên nghiên cứu, thảo luận nội dung văn bản; tham khảo các tài liệu về đánh giá kết quả học tập của học sinh để hiểu rõ nội dung và thực hiện biên soạn đề thi, đề kiểm tra theo ma trận đề. Sau khi tổ chuyên môn biên soạn đề kiểm tra theo hướng dẫn, mỗi giáo viên phải tự xây dựng ma trận và biên soạn đề kiểm tra đảm bảo các yêu cầu.

Nhiều năm nay, số lượng câu hỏi, đề kiểm tra được xây dựng từ cơ sở giáo dục rất lớn. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện về chất lượng và gia tăng số lượng; đồng thời có cách khai thác, sử dụng hiệu quả. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề kiểm tra phục vụ cho đánh giá định kỳ các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.

Trên thực tế, nhiều địa phương triển khai hiệu quả việc này, từ đó công tác kiểm tra, đánh giá, tác động tích cực đến đổi mới phương pháp, hiệu quả dạy học. Hầu hết địa phương chú trọng xây dựng ngân hàng đề thi, có kế hoạch xây dựng và đã hình thành ngân hàng câu hỏi thi ở các cấp: Sở/phòng GD&ĐT, nhà trường.

Mặc dù được chú trọng, nhưng xây dựng đề thi, kiểm tra vẫn là công việc khó, thậm chí quá sức với không ít giáo viên. Chất lượng các đề kiểm tra còn là nỗi trăn trở bởi yêu cầu với người ra đề không chỉ cần kinh nghiệm, trình độ chuyên môn vững mà phải nắm chắc chương trình GDPT cũng như lý thuyết khảo thí. Sai sót trong đề kiểm tra, đề thi vẫn xảy ra, không chỉ trong khuôn khổ nhà trường mà cả những kỳ kiểm tra, kỳ thi quy mô cấp huyện, tỉnh… Do đó, nâng cao năng lực ra đề của giáo viên luôn là yêu cầu quan trọng.

Điều này càng cấp thiết hơn khi Bộ GD&ĐT định hướng đổi mới cách xây dựng ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, câu hỏi thi sẽ được lựa chọn từ đề khảo sát của sở GD&ĐT, trường; kiểm tra học kỳ… Sau phân tích bằng lý thuyết khảo thí từ cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT, các câu hỏi chất lượng sẽ đưa vào thư viện câu hỏi thi và từ đó có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Để mỗi giáo viên có thể đóng góp vào ngân hàng đề, bên cạnh tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng, tạo động lực, bồi dưỡng xứng đáng cho người xây dựng đề kiểm tra, thi chất lượng. Có quyền lợi cũng cần đi kèm quy định về trách nhiệm, động lực cùng áp lực phù hợp, để mỗi thầy cô phát huy cao nhất ý thức tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, trong đó có năng lực ra đề kiểm tra, thi đáp ứng yêu cầu mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.