Sau khoảng hơn 10 năm thực hiện, đã bắt đầu xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập cả về cơ chế, chính sách cũng như chế độ đãi ngộ và hiệu quả sử dụng khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Thu hút hay đào tạo nhân tài, cách nào hiệu quả và tránh được rủi ro?
Đầu tư từ “gốc”
Ngoài hơn 1.000 người về làm việc theo chính sách thu hút từ năm 1998 đến nay, Đà Nẵng đã cử 616 người đi học theo Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi tắt là Đề án 922). Cụ thể: 128 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú; 368 học viên bậc đại học; 89 học viên bậc sau đại học; 29 học viên đào tạo 2 bậc theo đề án; 2 học viên đào tạo 3 bậc theo đề án. Có 460 học viên được bố trí công tác.
Trong quá trình công tác, một số học viên được tiếp tục cử đi học ở bậc cao hơn và một số đã thanh lý hợp đồng sau khi đã hoàn thành thời gian cam kết làm việc cho thành phố. Đến nay, số lượng học viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố là 380 người. Qua thực tế công tác có 207 học viên được tuyển dụng công chức, viên chức.
Đánh giá về hiệu quả đề án, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết: “Ra đời từ năm 2004, Đề án 922 thời điểm đó là một quyết định mang tính đột phá. Kỳ vọng của đề án là đào tạo, tuyển chọn được một đội ngũ chất lượng về tâm và tài để góp phần xây dựng thành phố phát triển vững mạnh, có đội ngũ công chức sánh ngang hàng các nước tiên tiến, nguồn nhân lực có được từ đề án là “vốn liếng” quý giá của bộ máy hành chính công”. Sau 14 năm triển khai, đã có 16 học viên của đề án được bổ nhiệm từ phó giám đốc sở trở lên, gần 50 trường hợp bổ nhiệm trưởng, phó phòng.
Tuy nhiên, từ câu chuyện 40 học viên rút khỏi đề án khi đã nhận công tác và 47 học viên vi phạm hợp đồng, bị buộc ra khỏi đề án, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy cho rằng, đầu tư về nguồn lực con người luôn phải sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro nhất định như học xong không về, về nhưng không chịu làm việc trong khu vực công đúng như mục tiêu đào tạo hoặc làm việc trong khu vực công nhưng không thể hiện được thực chất chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cũng đã làm phép so sánh giữa chính sách “chiêu hiền” và “đãi sĩ”: “Rõ ràng kinh phí đào tạo là lớn, so sánh với kinh phí thu hút thì khoản kinh phí thu hút ít hơn”.
Đến nay, tổng kinh phí đào tạo của Đề án 922 đến thời điểm này là 680 tỷ đồng, riêng đề án sau đại học là 98 tỷ. Tuy nhiên, theo ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thì chi phí mà thành phố bỏ ra phải lớn hơn nhiều so với 680 tỉ đồng mà Sở Nội vụ báo cáo, bởi đó mới chỉ là chi cho học tập, sau khi các học viên của đề án về làm việc tại thành phố còn có rất nhiều thứ phải chi như bố trí chung cư và rất nhiều thứ khác và “nếu sòng phẳng theo đề án thì kinh phí phải cả 1.000 tỉ đồng”.
Đổi mới chính sách “hút nhân tài”
Trong buổi làm việc với Sở Nội vụ Đà Nẵng mới đây, ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đặt ra vấn đề có nên tiếp tục sứ mệnh của đề án đào tạo nhân tài nữa hay không: Với những ưu ái đó thì đã tạo động lực cho các học viên làm việc chưa, khi đã tạo động lực cho những chỗ này thì có kéo các chỗ khác phát triển không hay là nó lại tạo ra một sự phản ứng?
Đưa một em học viên về bên cạnh 9 người không được ưu đãi thì có “chiến đấu” nổi với 9 người này khi mà họ không hợp tác không, bởi thành phố đã tạo ra một môi trường không bình đẳng – ông Nghĩa đặt câu hỏi. Có trường hợp gửi đi học nước ngoài giỏi nhưng lại thi công chức không đậu, ông Nghĩa cho rằng, đó là do có sự không phù hợp giữa môi trường đào tạo của các nước tiên tiến với hệ thống công của chúng ta. “Các em không kém nhưng vẫn thi rớt, có nghĩa là việc đào tạo để đáp ứng kỳ vọng là rất khó… Đã đến lúc phải tính xem nên dừng việc đào tạo như thế này hay chưa?”.
Ông Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, trong chính sách thu hút nhân tài, phải mạnh dạn thu hút người “đầu tàu” của các sở, ngành. “Tại sao chúng ta không thu hút hẳn một ông trưởng ban quản lý hay giám đốc sở. Khi chúng ta cần chỗ nọ chỗ kia, cần một người có sự đột phá nhất định trong một lĩnh vực nào đấy thì ta tuyển luôn nhân sự cấp cao như thế thì mới đáng để thu hút. Chứ thu hút mà những cháu mới tốt nghiệp thì câu chuyện đó còn xa lắm”.
Về câu chuyện thu hút nhân tài, theo GS.TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài yếu tố thu nhập, còn là môi trường sống, môi trường làm việc đủ hấp dẫn và giữ chân người tài. “Thu hút phải đi đôi với sự trọng dụng, và sự nghiên cứu cẩn trọng, đề ra những giải pháp, chính sách rất cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực… thì mới phát huy hiệu quả của nguồn nhân lực” – GS Nam nhấn mạnh.