Nguồn lực trước năm học mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023 đánh dấu năm thứ 3 triển khai chương trình mới, trong đó lần đầu tiên áp dụng với lớp 10.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Kết quả đạt được từ năm học 2021 - 2022 là nền tảng tốt; dịch bệnh đã được kiểm soát cũng là một thuận lợi. Nhưng đáp ứng tốt cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập, cùng bảo đảm về đội ngũ cần sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của chính quyền địa phương và ngành Giáo dục, các nhà trường. Chưa kể, dù hoạt động kinh tế - xã hội đã dần ổn định và có hướng phát triển; song những tổn thất do đại dịch gây ra thời gian qua vẫn tồn tại, kéo dài.

Thư ngỏ do Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương ký đầu tháng 8 về Chương trình “Tiếp sức đến trường” cho học sinh trong tỉnh năm học 2022 - 2023 đã đưa ra con số đáng trăn trở: Thống kế trong năm học 2021 - 2022, Bình Dương có hơn 2.000 học sinh khó khăn không tiếp tục đến trường, trong đó có hơn 200 em phải chịu cảnh mồ côi.

Học tập là nhu cầu cơ bản nhưng lại trở thành khao khát, ước mơ của các em. Trong thư, sở này đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân khắp mọi miền đất nước cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ, tạo thêm cơ hội để các em được tham gia học tập, quyết tâm thực hiện “Không để bất kỳ học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trong các lần làm việc với địa phương cũng thường nhấn mạnh, bên cạnh chuẩn bị điều kiện, lên kế hoạch cho một năm học mới sẵn sàng ứng phó với tình huống mới của dịch bệnh, cần đặc biệt chú trọng bù đắp những tổn thương, ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian qua, nhất là với học sinh. Đây cũng là điều mà thầy cô, nhà trường luôn nỗ lực thực hiện bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương với học trò.

Cho đến thời điểm này, dù chưa có kế hoạch thời gian năm học, nhưng các nhà trường, địa phương đều chủ động chuẩn bị điều kiện cho năm học 2022 - 2023, chú trọng đặc biệt đến chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018. Tin vui là Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên; ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; tập trung các giải pháp bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên…

Còn lại, vai trò, trách nhiệm của địa phương là quyết định đến thời điểm này. Cùng với đội ngũ, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học, không để phải “dạy chay” cũng cần sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, trong điều kiện hiện nay, việc tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa là phải làm và buộc phải làm tốt để tăng cường huy động, thu hút nguồn lực phát triển giáo dục. Ngành Giáo dục không thể đi một mình, đặc biệt trong giai đoạn triển khai đổi mới căn bản và toàn diện.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ