Cần tạo hành lang pháp lý huy động nguồn lực xây trường chuẩn quốc gia

GD&TĐ - Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành GD-ĐT, được địa phương triển khai tích cực nhiều năm nay. Tuy nhiên, còn không ít khó khăn nhằm nâng số lượng trường đạt chuẩn, để khắc phục cần những giải pháp tổng thể huy động nguồn lực.

Một tiết Tin học của học sinh Trường THCS Bản Bo (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Ảnh: INT
Một tiết Tin học của học sinh Trường THCS Bản Bo (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Ảnh: INT

Yêu cầu cao hơn

Toàn tỉnh Quảng Trị có 174/368 cơ sở giáo dục đạt CQG (không tính các trung tâm GDNN-GDTX và cơ sở giáo dục ngoài công lập). Bên cạnh nhiều thuận lợi, Quảng Trị vẫn gặp khó khăn trong công tác này. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Mai Huy Phương, điều kiện kinh tế của tỉnh, huyện và các địa phương còn hạn chế, nguồn lực phải đầu tư vào nhiều lĩnh vực nên việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, không huy động được nhiều sự đóng góp của nhân dân.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học còn thiếu so với vị trí việc làm và chỉ tiêu được giao, đặc biệt với cấp học mầm non và một số bộ môn theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Tin học, Tiếng Anh.

Chất lượng giáo dục các cấp học chưa đồng đều; trường ở miền miền núi, vùng sâu, vùng xa chất lượng còn thấp. Công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh (HS) gặp nhiều khó khăn. Việc sáp nhập trường, lớp làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, lộ trình xây dựng trường CQG; các trường mới sáp nhập phải thực hiện quy trình mới để đánh giá, công nhận...

“Xây dựng trường học đạt CQG là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành GD-ĐT nhằm chuẩn hóa tổng thể các điều kiện phục vụ dạy học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá trường CQG có sự thay đổi, yêu cầu cao hơn; một số chỉ số đánh giá mang tính quá trình, định hướng để đầu tư, thúc đẩy giáo dục, mang lại được lợi ích cho người học.

Vì vậy, có sự chênh lệch giữa mức độ quy định tại văn bản và tình hình thực tế khó đáp ứng như: Các cơ sở giáo dục ở khu vực đô thị, phòng học, phòng bộ môn, thiết bị dạy học được trang bị cơ bản đầy đủ, nhưng lại thiếu diện tích sân chơi, số HS và số lớp học thường vượt quá quy định. Còn trường học ở khu vực khác có sân chơi thoáng rộng, không bị quá tải HS, nhưng lại thiếu cơ sở vật chất...” - ông Mai Huy Phương chia sẻ.

Tại Đắk Lắk, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện công tác kiểm định để công nhận và công nhận lại trường đạt CQG. Kết quả đã công nhận được 79 trường, trong đó có 40 trường công nhận mới theo các Thông tư 17, Thông tư 18 và Thông tư 19 của Bộ GD&ĐT.

Chia sẻ về khó khăn của Đắk Lắk, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhắc đến đầu tiên là nguồn kinh phí và cơ chế thực hiện cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường CQG. Một số địa phương ngân sách đầu tư hạn hẹp, việc bố trí vốn còn dàn trải qua các năm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện xây dựng trường đạt CQG.

Các trường, nhất là ở vùng khó khăn còn thiếu cơ sở vật chất (sân chơi, bãi tập, phòng chức năng, phòng học không đủ diện tích theo quy định...); trang thiết bị dạy học tối thiểu chưa đủ và hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc sử dụng, bảo trì, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số đơn vị thực hiện chưa tốt, ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng trường chuẩn ở các trường.

Ngoài ra còn có khó khăn từ hạn chế về đội ngũ; nhiều trường thiếu giáo viên mầm non; cấp học phổ thông thì thừa thiếu cục bộ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng trường CQG. Số lượng các trường toàn ngành lớn, nguồn nhân lực tham gia đoàn kiểm định và công nhận trường đạt CQG còn thiếu nên khó khăn trong việc bố trí để thực hiện công tác đánh giá ngoài…

Trường chuẩn quốc gia giúp chuẩn hóa điều kiện dạy học. Ảnh: INT

Trường chuẩn quốc gia giúp chuẩn hóa điều kiện dạy học. Ảnh: INT

Tạo hành lang pháp lý

Chia sẻ giải pháp khắc phục hạn chế, ông Mai Huy Phương cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý để huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất tại cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu đạt CQG. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch xây dựng trường đạt CQG, trong đó xác định rõ mục tiêu, giải pháp và thời gian thực hiện; tích cực tham mưu với địa phương về quy hoạch diện tích tổng thể, các hạng mục xây dựng cơ bản. Tiếp tục phát huy vai trò chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ quản lý nhất là người đứng đầu đơn vị.

Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt CQG cho cán bộ chủ chốt, đặc biệt là công tác tự đánh giá, khâu đầu tiên và quan trọng của quy trình kiểm định chất lượng giáo dục. Chỉ đạo các trường học rà soát chu kỳ, cấp độ đạt kiểm định chất lượng giáo dục và mức độ đạt CQG để có giải pháp xây dựng chuẩn và nâng chuẩn phù hợp. Tuyên truyền dưới nhiều hình thức để tăng thêm hiểu biết trong cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của trường đạt CQG.

Các cơ sở giáo dục kết hợp với Ban đại diện cha mẹ HS huy động hợp lý, có hiệu quả sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và điều kiện nâng cao hiệu quả giáo dục; chủ động tìm nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước... để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học.

Theo ông Mai Huy Phương, thời gian tới Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tổ chức tập huấn đánh giá ngoài, đặc biệt với bậc học phổ thông để bổ sung, tăng cường lực lượng cán bộ làm công tác này; cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại các thông tư về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt CQG đối với các cấp học để bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức đánh giá ngoài ở sở GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ bố trí nguồn lực hỗ trợ tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư cơ sở vật chất cho trường công lập, đáp ứng tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất, phòng chức năng, khối phòng phục vụ học tập theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT; có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt CQG đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm nhằm triển khai hiệu quả công tác xây dựng trường đạt CQG và kiểm định chất lượng giáo dục, ông Phan Xuân Quyết, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của ban, ngành, tổ chức đoàn thể đối với việc xây dựng trường đạt CQG.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện rà soát sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đề ra những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

“Cũng cần hướng dẫn các nhà trường thực hiện tốt công tác tự đánh giá. Tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và duy trì trường đạt CQG tại đơn vị mình” - ông Phan Xuân Quyết trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ