Số lượng và chất lượng đào tạo nghề còn thấp
Liên quan đến chủ trương sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở các địa phương, Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, việc sáp nhập đã giúp giảm được 329 trung tâm công lập cấp huyện và 520 huyện của 53 tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay ở các địa phương, giáo dục nghề đang có những khó khăn nhất định. Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Số lượng và chất lượng đào tạo nghề nước ta còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và khu vực nên một lượng lớn lượng thanh niên, học sinh đến tuổi lao động nhưng chưa được đào tạo nghề, gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội. Đồng thời tác động đến hiệu quả của hệ thống GD-ĐT.
Chủ trương sáp nhập trung tâm nhằm thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên, dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp với phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Thực tế, dù đã sáp nhập nhưng hoạt động của trung tâm vẫn còn nhiều bất cập do chưa có chính sách đồng bộ nên công tác quản lý còn chồng chéo.
Chế độ chính sách, giáo viên chưa thống nhất. Cán bộ quản lý, giáo viên dạy văn hóa được hưởng phụ cấp ưu đãi, trong khi giáo viên dạy nghề thì không. Nhiều địa phương do điều kiện kinh tế nên trung tâm vẫn hoạt động riêng biệt, chưa phát huy được hiệu quả khi sáp nhập.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, bổ sung, hoàn thiện các quy định, phù hợp với quy định hiện nay về đổi mới GD-ĐT, có cơ chế miễn giảm học phí cho học viên học tại trung tâm, có chế độ ưu đãi cho giáo viên dạy nghề để nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo đột phá vào công tác giáo dục nghề nghiệp, thực hiện quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, kiên quyết giảm những cơ sở không hiệu quả, đẩy mạnh chủ trương chuyển sang đào tạo có địa chỉ theo định hướng đặt hàng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - đoàn Vĩnh Long |
Ngân sách chi cho GD vẫn hạn chế
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Bộ LĐTBXH, Bộ GD&ĐT cần có sự phối hợp nhịp nhàng và nâng cao hiệu quả phân luồng từ sau THCS để giảm lãng phí trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngoài ra, cần làm tốt hơn công tác phân tích, dự báo thị trường lao động trong tương lai, phổ biến rộng rãi để định hướng cho giáo dục nghề nghiệp và định hướng phát triển nguồn nhân lực.
Tăng cường gắn kết đào tạo với sử dụng lao động nhằm huy động sự tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp trên các khâu từ nắm bắt nhu cầu, đặt hàng đào tạo đến xây dựng chương trình đào tạo, tham gia đào tạo, thực hành thực tập và sử dụng sau đào tạo.
Đặc biệt cần chú trọng nâng cao công tác tuyên truyền về mục tiêu của Đề án để xã hội dần dần xóa bỏ tâm lý mặc cảm hoặc coi thường con đường học nghề sau THCS hoặc THPT và vừa học vừa làm theo giáo dục thường xuyên.
Đối với giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cuộc công nghiệp 4.0 thì vấn đề đầu tư nguồn lực tài chính cần được quan tâm để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục một cách hiệu quả.
Hiện nay, nguồn lực tài chính chưa đủ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mặc dù chúng ta rất cố gắng để thực hiện mức chi cho giáo dục bằng 20% ngân sách.
Tuy nhiên, ngân sách chi cho giáo dục cơ bản chỉ để trả lương, nguồn lực tài chính để giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến cơ sở vật chất như: Xây mới trường học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng gia tăng, kiên cố hóa trường lớp và đầu tư trang thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cấp cải thiện nhà vệ sinh trường học đảm bảo môi trường học tập cho sức khỏe học sinh, giáo viên - vẫn còn hạn chế.