Kết quả bước đầu về phân luồng trong giáo dục

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Trong các năm qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT chuyển sang học nghề có xu hướng tăng .

Năm 2017, số lượng thí sinh đến nhập học thực tế là 366.250 học sinh được tuyển vào đại học, chiếm 42% trong tổng số 865.975 thí sinh đăng ký dự thi. Như vậy, còn khoảng 500 ngàn học sinh, chiếm khoảng 58% tổng số học sinh không được tuyển vào đại học, tham gia giáo dục nghề nghiệp và các hình thức lập nghiệp khác.

Năm 2018, có khoảng 336 ngàn học sinh được tuyển vào các ngành của giáo dục đại học và cao đẳng, trung cấp sư phạm, chiếm khoảng 36% tổng số khoảng 926 ngàn học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Như vậy, còn khoảng 590 ngàn học sinh, chiếm khoảng 64% tổng số học sinh không được tuyển vào đại học, tham gia giáo dục nghề nghiệp và các hình thức lập nghiệp khác.

Điều này cho thấy đã bước đầu tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội về phân luồng, lựa chọn nghề nghiệp của học sinh, về lâu dài sẽ tạo ra sự thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực của đất nước theo hướng cân đối hơn giữa các nhóm nghề nghiệp.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" .

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, Bộ GD&ĐT cho biết tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với cơ sở giáo dục trung học thực hiện việc tư vấn nghề; thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề.

Đồng thời, triển khai các giải pháp của Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tập trung vào việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học;

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông;

Huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ