Đại biểu Vương Văn Sáng thống nhất đánh giá của Chính phủ báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018.
Năm 2018, kết quả đạt được chủ yếu là toàn diện, là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các thành phần kinh tế, tạo không khí phấn khởi lan tỏa trong toàn xã hội và được quốc tế ghi nhận.
3 năm từ năm 2016 đến năm 2018 duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, xã hội phát triển hài hòa, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao.
Bên cạnh những nhận định trên, qua nghiên cứu báo cáo, Đại biểu Vương Văn Sáng đề nghị Chính phủ cần phân tích đánh giá làm rõ thêm một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Diễn biến mức tăng trưởng kinh tế qua các quý năm 2018 có xu hướng giảm dần, không như quy luật của 5 năm gần đây là xu hướng tăng dần về cuối năm. Mặc dù vậy, Chính phủ dự báo GDP năm 2018 chắc chắn vượt bậc là 6,7%, cần phân tích nguyên nhân của sự thay đổi diễn biến mức tăng trưởng này và sự thay đổi này liên quan gì đến chất lượng tăng trưởng.
Thứ hai: Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018 dự kiến vượt so với dự toán, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước so với mục tiêu giai đoạn đã vượt 24,5% so với 23,5% GDP, trong khi thu từ thuế, phí chưa đạt là 20,7% so với 21% GDP. Nguyên nhân do tăng thu năm 2018 chủ yếu từ dầu thô, do tăng giá và sản lượng, tăng tiền thu sử dụng đất.
Trong khi thu từ 3 khu vực nền kinh tế quốc doanh, nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán. Đây là khoản thu từ nội lực nền kinh tế. Do vậy, cần đánh giá tính bền vững ổn định từ 3 khu vực kinh tế này gắn với tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Thứ 3: Hệ thống các tổ chức tín dụng được củng cố, nợ xấu được kiểm soát xử lý hiệu quả và duy trì ở mức 3%. Khẳng định việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42 năm 2017 QH14, Quốc hội đề nghị cần báo cáo thêm nợ xấu của ngân hàng phát triển và ngân hàng chính sách xã hội.
Đại biểu Quốc hội Vương Văn Sáng (Lào Cai) |
Thứ 4: Về cải cách hành chính, triển khai thực hiện nghị quyết hội nghị lần thứ 6,7 Ban chấp hành trung ương khóa XII đạt kết quả bước đầu ở một số bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên cần tránh việc sắp xếp tổ chức bộ máy, hợp nhất các cơ quan, đơn vị hành chính theo phong trào. Đề nghị có lộ trình thích hợp theo hướng vấn đề rõ, có căn cứ khoa học phù hợp với thực tiễn đủ điều kiện làm trước; vấn đề khó, chưa đủ điều kiện cần thận trọng thí điểm.
Về tinh giản biên chế, cần tập trung giải quyết quyết liệt khu vực hành chính, khu vực sự nghiệp đẩy mạnh tự chủ. Riêng sự nghiệp giáo dục đề nghị không giao chỉ tiêu giảm mà cần quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp, lớp học hợp lý, bố trí đủ số lượng đảm bảo cơ cấu giáo viên đứng lớp cho các trường mầm non và phổ thông công lập. Thực tế hiện nay các tỉnh đều thiếu giáo viên.
Thứ 5: Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm. Nhiều vụ việc phức tạp kéo dài đã được giải quyết. Tuy nhiên, còn nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm.
Cơ bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai song chưa có phần nào trong báo cáo phân tích nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện do quy định của pháp luật, do tổ chức quản lý đất đai của chính quyền hay lý do nào khác để có giải pháp khắc phụ tận gốc.
Thứ 6: Về nguồn lực để thực hiện chính sách. Đại biểu Vương Văn Sáng đề nghị Trung ương khi ban hành chính sách đồng thời bố trí kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung cho địa phương thực hiện, không ban hành chính sách mà giao cho địa phương đảm bảo đối với các tỉnh chưa cân đối được ngân sách như chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017 - 2020. Bố trí ngân sách đủ, kịp thời để các địa phương thực hiện các chính sách đã ban hành…