Theo ước tính của chính phủ Afghanistan, những rặng núi của nước này có trữ lượng khoáng sản giá trị lên đến 1 - 3 ngàn tỷ đôla, bao gồm cả loại đá ngọc Lapis Lazuli nổi tiếng thế giới, có một màu xanh thiên thanh.
Đây là một loại đá quý đã được khai thác tại tỉnh miền bắc Badakhshan của Afghanistan trong hàng ngàn năm.
“Trong bối cảnh hiện nay, khoảng 50 % của doanh thu khai thác loại đá này thuộc về phiến quân Taliban, việc buôn bán loại đá quý này ra thị trường thế giới đồng nghĩa với việc hỗ trợ cho các nhóm khủng bố” - Stephen Carter, một nhà nghiên cứu của tổ chức Global Witness cho biết. Đây là cơ quan phi lợi nhuận điều tra mối liên hệ giữa tài nguyên thiên nhiên, tham nhũng và xung đột.
Theo một báo cáo phát hành hôm 6/6 do Global Witness công bố, kể từ năm 2014, ít nhất 12.500 tấn đá Lapis trị giá khoảng 200 triệu đôla đã được khai thác và chế biến, phần lớn trong đó là bất hợp pháp.
Global Witness nói rằng, không chỉ có phiến quân Taliban thu lợi trực tiếp từ việc khai thác trái phép đá Lapis và các loại đá quý khác ở Badakhshan, mà còn có sự tham gia của các quan chức cấp cao trong chính phủ Afghanistan.
Còn theo Theo một báo cáo phát hành hôm 5/6 của Cơ quan nghiên cứu và đánh giá trữ lượng khoáng sản Afghanistan, ngành khai thác khoáng sản của Afghanistan chịu nhiều thiệt hại và thất thoát do tham nhũng và xung đột. Hiện khoảng 10.000 khu khai thác vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ.
“Tài nguyên thiên nhiên từ lâu đã đóng một vai trò lớn trong các cuộc xung đột ở Afghanistan” - báo cáo cho biết – “Điều này đã được thể hiện gần đây nhất trong cuộc xung đột bạo lực tại Badakhshan giữa các nhóm vũ trang, vốn được hậu thuẫn bởi giới chính trị ở thủ đô Kabul”.