Bãi biển phía tây bắc đảo Tasmania bỗng nhiên phát ra ánh sáng màu xanh dương kỳ ảo vào đêm 13/3, theo Telegraph. Ánh sáng này đặc biệt rực rỡ khi những con sóng xô vào bờ cát, tạo ra cảnh tượng đẹp mắt.
Theo các nhà khoa học, đây là hiện tượng phát quang sinh học do tảo đơn bào hoặc thực vật phù du có tên gọi Noctiluca scintillans phát ra ánh sáng mỗi khi bị tác động.
Hiện tượng này diễn ra tương tự "thủy triều đỏ" vào ban ngày khi nước biển chuyển sang màu đỏ đậm, nâu hoặc cam. Khi bị sóng hoặc các dòng chảy gây xáo trộn, tảo sẽ phát sáng trong đêm.
Leanne Marshall, một nhiếp ảnh gia sống tại Tasmania, ghi lại một số hình ảnh về hiện tượng diễn ra ở gần Vườn Quốc gia Rocky Cape vào đêm 13/3. Một người đi biển khác cũng chụp hiện tượng diễn ra tại vịnh Preservation, cách vườn quốc gia khoảng 50 km về phía đông.
Cơ chế nhấp nháy của tảo được khởi động để đe dọa các động vật ăn thịt, theo Gustaaf Hallegraeff, giáo sư thực vật thủy sinh tại Đại học Tasmania. "Hãy tưởng tượng có một loài động vật nhỏ bé muốn ăn sinh vật phù du này và đột nhiên nó nhấp nháy", ông chia sẻ.
Loài tảo phát sáng này không độc hại, nhưng hàm lượng ammonia cao trong tế bào tảo có thể gây kích ứng cho các loài cá, khiến chúng tránh xa các vùng có tảo nở hoa.