'Người vợ cuối cùng' nóng quá thành nguội

GD&TĐ - Từ khi công tác truyền thông, quảng bá phim được đẩy mạnh trên báo chí, các nền tảng mạng, có lẽ từ khóa được dùng thông dụng nhất là 'cảnh nóng'.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

“Cảnh nóng”, “ngập cảnh nóng”, “cảnh nóng dữ dội”… là những cụm từ lặp đi lặp lại trong những bài giới thiệu phim ở một số tờ báo và trên các tài khoản mạng xã hội để cùng quảng bá cho phim “Người vợ cuối cùng” (đạo diễn Victor Vũ) trước ngày phim ra rạp.

“Người vợ cuối cùng” là dự án được nhiều khán giả theo dõi, một phần vì đây là tác phẩm cổ trang, phần nữa là tay nghề của đạo diễn Victor Vũ đã được khẳng định, tin tưởng trong giới. Nhiều bạn trẻ hẹn nhau lập team đi xem phim, hoặc đặt vé ở các suất chiếu sớm.

Thế nhưng, với cách truyền thông phim như đã đề cập ở trên, không ít khán giả cảm thấy hẫng hụt. “Sao PR rẻ tiền vậy?”. “Cảnh nóng có là gì đâu. Những đoạn tình cảm nhẹ nhàng thích hơn nhiều”. “Đang có ấn tượng tốt chút thì PR theo cách rẻ tiền này”.

“Họ nghĩ rằng người Việt Nam vẫn còn ở thập niên 90 của thế kỷ trước hay sao, khi còn sự “đói khát” những cảnh 18+, và hiếm hoi sự tinh tế để thưởng thức một bộ phim nghệ thuật à?”... Có thể điểm ra một số bình luận như vậy ở một trang review phim trên Facebook, cho thấy khán giả đang đánh giá về bộ phim và cách truyền thông phim như thế nào.

Từ khi công tác truyền thông, quảng bá phim được đẩy mạnh trên báo chí, các nền tảng mạng, có lẽ từ khóa được dùng thông dụng nhất là “cảnh nóng”. Nếu gõ cụm từ “cảnh nóng trong phim Việt” trên trang tìm kiếm Google, chỉ trong chớp mắt kết quả nhận được lên tới hàng chục triệu.

Công chúng quan tâm ư? Có thể, ở một thời điểm nào đó, với một bộ phận khán giả nào đó. Song chắc chắn người làm truyền thông lại quan tâm nhiều hơn, lặp đi lặp lại, như cố tình gieo sự tò mò, như một cách thức câu kéo khán giả đến rạp.

Nếu bảo cách thức này là hữu hiệu thì có lẽ các đơn vị làm truyền thông cho phim đã chủ quan, lạc hậu và đánh giá thấp khán giả. Kể cả đạo diễn - người chịu trách nhiệm chính cho thành bại của một bộ phim thì tư duy dùng cảnh nóng để tăng doanh thu cũng là một chiêu bài đã cũ.

Khán giả hiện nay được tiếp cận với nhiều bộ phim xuất sắc của điện ảnh thế giới. Nhu cầu thưởng thức phim nói riêng, thưởng thức nghệ thuật nói chung được nâng cao rất nhiều so với chục năm trước.

Điện ảnh thế giới cũng liên tục cho ra mắt những bộ phim đặc sắc về nội dung, mới mẻ về cách thức thể hiện và mạnh mẽ về thông điệp. Ngay như năm nay, hàng loạt siêu phẩm đổ bộ rạp chiếu nội địa, trong đó có những bộ phim khó xem, đòi hỏi sự kiên nhẫn của khán giả. Vậy nhưng khán giả Việt vẫn đón nhận, với sự cởi mở, đa chiều, sâu sắc.

Thực tế của điện ảnh Việt cũng đã chứng minh không ít phim chỉ mải PR cảnh nóng mà ngã ngựa từ tuần đầu ra rạp. Ngã mà vẫn ngạc nhiên không hiểu vì sao.

Vậy nên, nếu đã đầu tư làm một tác phẩm, một sản phẩm chỉn chu đàng hoàng, thì đừng PR phim theo lối mòn. Điều ấy chỉ thể hiện một tư duy, một lối làm truyền thông nghèo nàn, thiếu ý tưởng. Và tất nhiên, thiếu một tầng văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.