(GD&TĐ) - Trong chuyến đi công tác của đoàn nhà văn Việt Nam: nhà văn Đào Thắng, Bùi Sim Sim và Chu Thị Thơm- ngoài mục sở thị những danh thắng-văn hóa-lịch sử của nước Nga, chúng tôi còn may mắn và hạnh phúc hơn bởi đã gặp được những người bạn, những tấm lòng ở nơi xứ người. Nếu không gặp họ trong chuyến đi này, tôi nghĩ, chuyến đi không thể thành công như mong muốn.Chính họ đã khiến xứ sở bạch dương đáng yêu, gần gũi hơn, và giá lạnh cũng bớt khắc nghiệt hơn.
Nhà văn-dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, hiện đang công tác tại Ban Việt Ngữ, Đài Tiếng nói nước Nga sống ở Nga đã lâu. Với chị, nước Nga như một tổ quốc thứ hai. Chị đưa chúng tôi đi tham quan Matxcơva , đến nghĩa trang Danh nhân, Quảng trường Đỏ, Cung điện Mùa Đông, đi thuyền trên sông Nêva, Bảo tàng Puskin, Bảo tàng Đôtxtôepxki…Với chị, mỗi địa danh của nước Nga đều gắn liền với những huyền tích, của nhân vật và sự kiện, của quá khứ và hiện tại-giữa xưa và nay. Là người hiểu và yêu đất nước cũng như văn hóa Nga-mỗi địa danh và con người –với chị, đều là những minh chứng cho sự tồn tại với nền văn hóa đặc thù –đặc biệt là của văn chương và hội họa, âm nhạc. Chính chị là một Mạnh Thường Quân cho các nhà văn Việt Nam từ mấy năm nay “tá túc” tại nhà, bởi các nhà văn của ta sang Nga ,nếu lương cả tháng 5-6 triệu,chỉ tiêu trong 1 ngày là…vừa đủ. Tuy nhiên, Kim Hiền không chỉ là Mạnh Thường Quân trong việc cho anh chị em “tá túc”, mà còn là phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch cho tất cả các nhà văn Việt Nam-chị bảo-cho mọi người đỡ mất tiền phiên dịch. Nhiệt tình và cùng chìa vai gánh đỡ gánh nặng buộc phải chi tiêu ở nơi củi quế gạo châu cho đồng nghiệp, bạn bè, nhà chị là điểm hẹn…cho các nhà văn cư trú khi sang Nga.
Hôm vừa rồi, Kim Hiền về Hà Nội, dự Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình Dương. Chị là phiên dịch cho đoàn các nhà văn Nga. Và, cũng nhân có công chuyện này, chị thăm bạn bè, về nhà trong thời gian hối hả, cấp tập. Biết về chị, nên Kim Hiền cũng là một trong số không nhiều các nhà văn ở nước ngoài được giới truyền thông săn đón nhiều nhất.
Chúng tôi đã được gặp nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. Anh là người có “thâm niên” tại Nga, với gần 20 năm. Làm văn nghệ, giảng dạy, phiên dịch, tổ chức sự kiện và giao lưu…cùng trăm thứ việc bộn bề khác, nhưng vẫn đủ thời gian để đưa bạn bè đi tham quan. Huy Hoàng làm thơ quặn thắt nỗi niềm của một người con xa xứ. Mênh mang và buồn, da diết và trống vắng. Nhà thơ Châu Hồng Thủy –Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nga cũng bộn bề với công việc, trong cuộc mưu sinh không dễ dàng ở xứ người mà thơ vẫn hay và trăn trở, nồng hậu. Thơ Châu Hồng Thủy cũng tâm trạng, ám ảnh độc giả bởi nỗi niềm xa ngái ở xứ tuyết…Châu Hồng Thủy đưa chúng tôi đi tham quan Matxcơva, giới thiệu về nước Nga của một thời và nước Nga hôm nay.
Chúng tôi đến thăm những người Việt ở Nga, và tự hào về họ. Đào Văn Dũng là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật VN tại Nga. Anh vốn là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại Viện Hàn lâm Mĩ thuật quốc gia Surikop. Họa sĩ Dũng là một người Việt thành danh ở xứ Nga, cùng vợ và 2 con gái ở trên tòa cao của một khu chung cư cao cấp. Từ căn nhà đầy đủ tiện nghi và ấm áp, cả thành phố được nhìn qua lăng kính của người nghệ sĩ, với cách bài trí riêng, xen kẽ giữa hoa, lá và cây xanh, xen kẽ giữa tranh và đồ gốm với thiết kế nghệ thuật theo kiểu sắp đặt độc đáo. Thỉnh thoảng anh vẫn về Việt Nam lấy hàng gốm sứ và thiết kế thành tác phẩm nghệ thuật mà bên bạn rất thích.
Họa sĩ Đào Ngọc Dũng cùng gia đình chiêu đãi khách quý tại tư gia |
Một gia đình tiến sĩ khác-đó là anh Hoàng và chị Hạnh. Hai vợ chồng cùng con gái đang mưu sinh tại Nga. Tôi đã cùng nhà văn Đào Thắng và nhà thơ Bùi Sim Sim đến ăn cơm tại nhà hàng Việt Nam trên tầng 2 của một khu đô thị, mà chủ nhân của nó chính là cặp vợ chồng tiến sĩ Hoàng Hạnh, đã cùng gia đình mưu sinh lập người ở đây khá lâu. Hầu như người Việt nào sang Nga cũng đã đến cửa hàng cơm Việt của anh chị. Không gian thoáng, ấn tượng , ở vị trí trung tâm thủ đô –lại thêm các món ăn rất ngon nên cửa hàng ăn của anh chị là một trong những điểm tụ tập, gặp gỡ giữa cộng đồng người Việt và những người ở Việt Nam sang bên này chơi hoặc công tác. Trong khuôn viên ấm áp và thân thiện, được bài trí bởi những bức ảnh làng quê Việt, nhà hàng của anh chị quả thực là địa chỉ rất đáng đến của những thực khách Việt. Điều đặc biệt là có nhiều vị khách Nga rất thích món ăn Việt tại nhà hàng của anh chị.
Tiến sĩ Hoàng ( người đầu tiên từ trái sang phải), chủ nhân quán cơm Việt Hoàng Hà tại Matxcơva, người thứ 2 từ trái sang là nhà văn Kim Hiền- chụp ảnh kỷ niệm với đoàn nhà văn Việt Nam. |
Nhà văn Đào Thắng ( phải) và Trần Quốc Hưng |
Hùng râu, một ông chủ hiệu ăn cơm Việt, ngày từ con đường bên ngoài, hiệu ăn đã ấn tượng bởi cách bài trí quán ăn rất Việt, rẻ và ngon. Anh sinh năm 1962, sang đấy gần chục năm, cùng vợ quản lý quán ăn, và rất mến khách. Gặp bà con người Việt sang Nga, anh rất mừng và lưu luyến muốn mọi người ở lại.
Tôi muốn nhắc tới một doanh nhân người Việt –đó là Trần Quốc Hưng, sinh năm 1962, gia đình ở Thái Hà (Hà Nội)-người có “thâm niên” gần 20 năm ở Nga và Ukraina, và là người Việt có quốc tịch Ukraina. Anh mưu sinh ở xứ người, trong những khó khăn chung của thời cuộc. Nhưng trong phong cách của người đàn ông cầm tinh con cọp này, vẫn có những điều mà khiến nhiều người yêu quý và nể phục, bởi sự nồng nhiệt, và chu đáo với bạn bè, bởi chữ tín trong kinh doanh-và trên hết là sự trong sáng, ân tình, trung thực thẳng thắn trong giao tiếp ứng xử. Là người yêu văn chương, thơ ca , nghệ thuật, cho nên gặp anh, chúng tôi như gặp một độc giả thực sự.
Gặp Hưng trong những ngày cuối ở Nga, chúng tôi như gặp một người bạn đúng nghĩa nhất-muộn mằn nhưng may mắn. Hưng đã khiến chuyến đi sang Nga của chúng tôi bớt nhọc nhằn hơn, với sự chia sẻ của một người bạn ân tình, của một Mạnh Thường Quân. Anh rất bận rộn trong kinh doanh, nhưng sắp xếp công việc, đưa đón đoàn nhà văn, lái xe trong mưa tuyết giá lạnh, đưa chúng tôi tới thăm các trung tâm thương mại, và danh lam văn hóa Nga. Qua anh, chúng tôi hiểu thêm nỗi gian truân khó khăn mà cộng đồng người Việt đang phải đối đầu trong mưu sinh ở Nga… Nhưng hơn hết, cho đến bây giờ, anh vẫn là một người bạn thân thiết, yêu thơ và sẵn sàng chia sẻ với bạn bè những khó khăn-nếu như có cơ hội. Những người như Hưng, không phải là nhiều –vì sau những bộn bề của công việc trong cuộc mưu sinh, sự quên lãng cũng là điều dễ cảm thông. Riêng Hưng, anh không phải là người như vậy.
Ở Tu La, chúng tôi đã gặp những doanh nhân người Việt Nam đang sinh sống và làm chủ các cơ sở may. Vợ chồng chị Hải, là chủ nhân của một doanh nghiệp may có tiếng ở Tu La, đã cùng anh em, bà con lập nghiệp ngay từ buổi đầu khó khăn nhất. Giờ họ đã có trong tay một cơ sở may hoành tráng, với mấy chục công nhân, ngoài nơi để sinh hoạt và làm việc, anh chị còn có nhiều gian hàng cho thuê. Tình cờ hôm chúng tôi đến, anh chị tổ chức 20 năm ngày cưới. Tất cả anh em doanh nghiệp đều đến để chúc mừng cho họ. Hầu hết các anh, chị đều đã có gia đình, hoặc mang gia đình sang Nga để cùng chung lưng đấu cật nơi này. Xa lạ với tập tục, ngôn ngữ, truyền thống, văn hóa…nên ai có tổ ấm bên xứ người có thể coi là may mắn và thật sự hạnh phúc. Anh Tân, cũng là một doanh nghiệp may ở TuLa, lấy vợ người Nga, nhưng quê hương vẫn mãi là tiếng gọi thân thương, vẫy gọi những người Việt như anh trở về. Trong đợt chúng tôi sang công tác, cũng đã rất nhiệt thành giúp đỡ đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm điền trang của đại văn hào Leptônxtôi cũng như một số địa danh khác của Tula và Mátxcơva.
Hùng “râu” và Trần Quốc Hưng, trước quán cơm Việt & cà phê của anh Hùng. |
Hầu như không có ai định mưu sinh ở đây trọn đời. Ai cũng muốn dành dụm công sức, tiền của trong những tháng năm mưu sinh ở xứ người để làm vốn, một lúc nào đó, sẽ trở về quê hương. Trên thực tế, có những người Việt sinh sống ở Nga đã hơn 10 năm, hoặc lâu hơn, nhưng chưa một lần trở về, vì chưa đủ tiền mua một chiếc vé máy bay. Đấy là chưa kể mang tiếng ở nước ngoài về, quà cáp và những chi tiêu khác không biết lấy ở đâu ra. Vì phần lớn, những người tôi gặp, đều chưa mua được nhà-căn hộ, tại nơi gạo châu củi quế này. Tôi đã chứng kiến những người Việt ở các chợ, như chợ Liu chẳng hạn, giữa tuyết rơi, giá lạnh, một phụ nữ luống tuổi, sùm sụp áo khăn, gương mặt ửng đỏ vì rét, run run nhặt từng chiếc súp lơ, năn nỉ mời khách mua giúp cho hết để về sớm kẻo lạnh. Tôi mua cho chị 3 chiếc súp lơ còn lại, đưa cho chị hơn 100 rup, đi xa rồi, quay lại, vẫn nhận ra người đàn bà nhìn theo, cảm kích và biết ơn.
Tại nơi xứ tuyết này, mọi sự chia vui, xẻ buồn của mỗi cá nhân…đều được cộng đồng người Việt cùng quan tâm. Nhọc nhằn khó khăn họ cùng chung gánh vác . Và, nếu như có thành công như ngày hôm nay, họ đã phải trả giá bằng mồ hôi và nước mắt, nếu không nói là có người bị trả giá bằng cả tính mạng của mình.
Điều khiến chúng tôi xúc động là sự ân tình, giúp đỡ nhiệt thành của họ. Mỗi khi có người Việt sang đây, ngoài nhà văn Kim Hiền cho “tá túc” và là hướng dẫn viên miễn phí, những người như anh Hưng, anh Tân, vợ chồng chị Hải, anh Hoàng, anh Thủy, anh Dũng, anh Hùng… đều nồng nhiệt và sẵn sàng rộng lòng đón khách.
Điều đó khiến cho chuyến đi công tác ở nơi xứ tuyết của chúng tôi bớt nhọc nhằn và bớt lạnh giá hơn.
Nước Nga, trong tâm thức mỗi con người, ám ảnh bởi tầm văn hóa, kinh tế, bởi những ký ức từ rất xa xôi, và trên hết, bởi những tấm lòng bạn bè -đồng nghiệp người Việt-để rồi, trong tuyết giá, chúng tôi vẫn thấy rưng rưng và ấm lòng.
Chu Thị Thơm