Nhân lực ngành chăm sóc sức khỏe: Thiếu trước, hụt sau

GD&TĐ - Già hóa dân số đang là vấn đề của nhiều nước trong đó có Việt Nam. Tình trạng này làm phát sinh nhu cầu nguồn nhân lực chăm sóc người già, người bệnh. Đây là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ và nhu cầu nhân lực rất lớn trong các bệnh viện, trung tâm, viện dưỡng lão và cộng đồng.  

Chăm sóc sức khỏe không đơn thuần là khám chữa bệnh mà là công tác điều dưỡng tổng thể
Chăm sóc sức khỏe không đơn thuần là khám chữa bệnh mà là công tác điều dưỡng tổng thể

“Ô sin”...… bệnh viện

Già hóa dân số gia tăng đi kèm với đó là các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi như mạch vành, huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, thoái hóa khớp… Đây là những bệnh phải điều trị suốt đời. Các hội chứng đặc trưng ở người già như dễ bị tổn thương, suy giảm nhận thức, lú lẫn, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng hàng ngày chủ yếu do bệnh mãn tính gây ra. Việc mất tính độc lập trong hoạt động chức năng là nguyên nhân gây tàn phế và đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp trong các hoạt động cơ bản hàng ngày.

Hiện cả nước có 44 trường cao đẳng y tế, cao đẳng y dược; 20 trường trung cấp y và 65 trường cao đẳng, trung cấp có đăng ký hoạt động GDNN một số nghề trong lĩnh vực y tế. Một số doanh nghiệp có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động trực tiếp tổ chức đào tạo nhân viên chăm sóc người già, người bệnh theo chương trình do đối tác nước ngoài chuyển giao. 

Tại các bệnh viện, đặc biệt là ở tuyến Trung ương, thường xảy ra tình trạng quá tải. Nhân viên y tế làm công tác điều dưỡng không đảm đương hết các công việc theo phân cấp mà cần sự trợ giúp của người nhà người bệnh nhân khi chăm sóc người bệnh. Nhu cầu này ngày càng tăng đối với cơ sở y tế phục vụ đối tượng là người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, người giảm hoặc mất vận động… Thực tế, tại các bệnh viện xuất hiện đội ngũ người “trợ giúp chăm sóc” đóng vai “người nhà người bệnh” để phụ giúp điều dưỡng chăm sóc người bệnh. Đa số những người này không được đào tạo chuyên môn.

Lý giải về thực trạng thiếu nhân lực có trình độ sơ cấp để chăm sóc người bệnh, người cao tuổi, ông Lại Vũ Kim, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: Do yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và tránh lãng phí nguồn lực xã hội, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Theo đó, đến năm 2021 sẽ không tuyển dụng vào hệ thống y tế điều dưỡng có trình độ trung cấp. Trong nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo cũng không còn đào tạo điều dưỡng sơ cấp.

Cần sự chuẩn bị có chiều sâu

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Nhân lực được đào tạo về chăm sóc người già ngày càng giảm và đang thiếu ở mức báo động, chủ yếu dựa vào người nhà. Nhân viên chăm sóc là người gắn bó trực tiếp với người già, người bệnh, đối tượng chăm sóc đặc biệt. Ngoài các kiến thức, kỹ năng về nhu cầu dinh dưỡng, cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, nhân viên chăm sóc còn phải biết cách quan tâm đến nhu cầu tâm, sinh lý của người già, người bệnh một cách phù hợp.

Vấn đề đang được quan tâm là khả cung cấp dịch vụ y tế cho người già còn rất hạn chế. Hiện chỉ có Bệnh viện Lão khoa Trung ương; các khoa Lão của các bệnh viện thực hiện điều trị bệnh cấp, sau giai đoạn cấp và phục hồi chức năng và điều trị dài hạn, chăm sóc cuối đời cho người già. Hệ thống nhà dưỡng lão, các trạm y tế, bác sĩ gia đình, nhân viên xã hội, các trung tâm trợ giúp người cao tuổi, phục hồi chức năng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Theo TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN: Công tác GDNN trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe được nhiều quốc gia quan tâm. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu về đào tạo cập nhật kiến thức, kỹ năng, mở ra các ngành nghề mới đã đặt đào tạo thường xuyên vào vị trí quan trọng hơn.

Chăm sóc người già, người bệnh được xem là một ngành nghề mới, có nhu cầu rất lớn tại thị trường lao động trong và ngoài nước. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị chu đáo về cơ chế, chính sách, có kế hoạch cụ thể về xây dựng, chuyển giao chương trình đào tạo… giải quyết nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cho xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...