Người vẽ ước mơ xanh cho trẻ khuyết tật

GD&TĐ - 25 năm gắn bó với nghề giáo, gắn bó với các em học sinh khuyết tật, nhà giáo Phạm Thị Nhật Phượng, đang công tác tại Trường Chuyên biệt Bình Minh, quận Tân Phú, TPHCM cho biết, mỗi ngày trôi qua, khi nhìn thấy học trò tiến bộ, có khi chỉ chứng kiến các em đánh vần được tròn chữ, gặp người lạ biết chào hỏi, làm đúng một phép toán đơn giản… là cô đã cảm thấy hạnh phúc. 

Người vẽ  ước mơ xanh  cho trẻ khuyết tật

Đó chính là động lực để nuôi ngọn lửa nhiệt huyết với nghề giáo của cô Nhật Phượng cho tới tận bây giờ.

Gắn bó với nghề

Nói về nghề giáo, cô Nhật Phượng chia sẻ, ngay từ nhỏ, cô đã mơ ước được làm giáo viên, được đứng trên bục giảng, với viên phấn trắng, vẽ nên những ước mơ xanh cho học trò của mình. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, rời quê hương Đà Nẵng, cô vào học tập tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Ra trường, trước khi vào Trường chuyên Bình Minh, cô từng làm ở Trường Hi vọng, Gò Vấp. Vào thời điểm mới vào nghề, cô chưa được xét tuyển chính thức vì còn thiếu về điều kiện - chưa có hộ khẩu, cô vừa làm hợp đồng, vừa học hỏi thêm về chuyên môn để nâng cao trình độ. Nhiều bạn bè, người thân thấy cũng cực nên có khuyên là cô Phượng tìm công việc khác nhưng cô vẫn kiên trì theo đuổi đam mê. “Nghề giáo là ước mơ của mình, mình đã chọn rồi thì sẽ không từ bỏ dù có khó khăn gì. Vì vậy mình vẫn tiếp tục gắn bó và kể từ ngày đó giờ cũng đã 25 năm trôi qua”.

Có thể thấy, dạy trẻ chuyên biệt gặp rất nhiều khó khăn so với trẻ bình thường, vì vậy có nhiều giáo viên trẻ mới ra trường sau vài tháng làm việc đã phải nghỉ vì quá áp lực. Qua đó, mới hiểu được những cống hiến thầm lặng của hàng ngàn, hàng triệu giáo viên khắp cả nước đang theo đuổi nghề.

Cô Nhật Phượng tâm sự: “Lý do để gắn bó với nghề chỉ có là lòng say mê, là nhiệt huyết chưa bao giờ tắt trong tôi. Các em sinh ra kém may mắn, thiệt thòi mình dạy các em, giúp các em tiến bộ hơn, có được những kỹ năng sống căn bản nhất, mình làm như vậy cũng là làm đẹp cho đời, cho xã hội.

Với các em, sự tiến bộ dù rất nhỏ cũng đủ làm cho giáo viên hạnh phúc, cho phụ huynh cảm phục. Nhìn các em tập trung trong giờ học tập đọc, khi học chữ ơn, sau khi cô giáo đọc mẫu nhiều lần, cô hỏi có bạn nào đọc được chưa, nhìn Khang Thịnh, Nguyễn Nhân, Trọng Hiếu lần lượt cùng nhau cố gắng đọc, dù có em còn nói ngọng, nhưng khi đọc đúng từ, cô Phượng liền dành cho các bạn sự khích lệ bằng tràng vỗ tay và lời khen.

Hay như giờ đọc sách ở thư viện, một vài em có thể xem truyện tranh thiếu nhi, tự tập đọc… nhưng đối với Quốc Duy, em phải có sự hỗ trợ của cô giáo, từng chữ từng chữ mới có thể phát âm tròn trịa thành một câu. Tiết đọc sách vỏn vẹn 35 phút, có khi câu chuyện mà Duy đọc phải mất đến mấy tiết. Bên cạnh Duy cô Nhật Phượng chậm rãi chỉ tay, kiên trì vừa cùng em đọc vừa khen đúng rồi con, giỏi quá”.

Hình ảnh cô ân cần, nhẹ nhàng với học trò, yêu thương các em bằng cả tấm lòng đã quá quen thuộc, gần gũi và chạm vào trái tim của các em. Vì vậy mà khi được hỏi: “Các con có yêu cô Phượng không nhỉ? Từng câu trả lời chưa thực sự suôn sẻ, có lúc ngắt quãng, có lúc các em nhìn vào đôi mắt người hỏi thật lâu mới trả lời, nhưng tất cả đều dành cho cô tình cảm ấm áp: Dạ có, có thích cô Phượng. Thích chứ… thích cô Phượng đọc sách… cô Phượng dạy hát, cô Phượng rửa tay, cô khen…”.

Mỗi học trò là một giáo án…

Cô Phượng chia sẻ, dạy các em bại não, khuyết tật về trí tuệ hay tự kỷ… đối với mỗi em đều phải có một giáo án riêng trên kế hoạch chung. Khi bắt đầu vào năm học, cô và phụ huynh cùng ngồi lại để trao đổi về tâm tính, sở thích của các em. Sau đó, các em sẽ làm bài test để giáo viên lấy đó làm căn cứ lên kế hoạch giảng dạy.

Ở lớp cô Nhật Phượng phụ trách có 11 học sinh, độ tuổi từ 12 - 18, chủ yếu là khuyết tật trí tuệ, có ba em tự kỷ, một em phải ngồi xe lăn, cô giáo và bảo mẫu phải phục vụ hoàn toàn… Để các em có thể nắm bắt được chương trình hiện hành theo quy định của Bộ GD&ĐT dành cho học sinh khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học, cô luôn tìm tòi ra nhiều phương pháp dạy học hay, hiệu quả.

Cô cho biết: Đặc điểm của các em là lâu nhớ nhanh quên, vì vậy mình luôn tìm ra cách tiếp cận bài học gần gũi với các em, tạo không khí trong lớp vui tươi, học mà chơi, chơi mà học.

Ví dụ như khi dạy các em học vần “Ôn”, cô Nhật Phượng cầm trên tay lọ cồn, rồi hỏi: Các con biết đây là cái gì ko? Một vài bạn trong lớp reo lên “lọ cồn ạ”. Vậy cồn để làm gì các con biết không? Rồi bắt đầu cô dẫn dắt các em vào bài học chính. Khi dạy các em quan sát cây mồng tơi, cô dẫn các con ra những chậu mồng tơi được đặt ở góc vườn trường, hỏi các con có biết đây là cây gì không? Rồi cô hỏi các con từng bộ phận của cây? Chỉ vào đất trồng, chỉ vào bồn nước, giải thích cho các con hiểu, trồng cây phải tưới nước. Rồi cô hỏi, vậy cây mồng tơi các con đã được ăn bao giờ chưa? Vậy nếu ăn thì sử dụng bộ phận nào của cây?... để có cây mồng tơi, chúng ta phải trồng qua các công đoạn ra sao…

Khi dạy các em, theo cô Phượng, mỗi em với những tính cách riêng, mình cũng lồng ghép những cách dạy khác nhau. Chính các em là bài học cho cô giáo, chính các em truyền đến cho cô những sáng tạo với nghề.

Với những cống hiến 25 năm cho ngành với nhiều sáng kiến kinh nghiệm hay, giành được nhiều danh hiệu, nhiều bằng khen… năm 2016, cô Nhật Phượng vinh dự là một trong 33 cán bộ quản lý, giáo viên được tôn vinh tại giải thưởng Võ Trường Toản, một giải thưởng cao quý cho các nhà giáo đang công tác tại TPHCM do Sở GD&ĐT TPHCM trao tặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ