Người “vẽ chân dung bằng chữ” đã ra đi

Người “vẽ chân dung bằng chữ” đã ra đi

Bà Ngô Thị Thành, vợ nhà thơ Vũ Từ Trang cho biết, sau 27 tháng chữa trị bệnh hiểm nghèo, ông đã bất chợt ra đi trong khi mộng văn chương vẫn còn dang dở. Đông đảo bạn văn Bắc – Nam đã gọi điện chia buồn với một "thợ vẽ" tài ba.

"Thợ vẽ" làng văn

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, cho hay: "Anh Vũ Từ Trang là một con người viết hoa với mọi ý nghĩa của danh từ này". Nhà văn Triệu Xuân dù đang dưỡng bệnh cũng thay mặt Nhóm văn chương Hồn Việt, bày tỏ: Anh Vũ Từ Trang là người xứ Kinh Bắc, tên thật là Vũ Công Đình, sinh năm Mậu Tý 1948, tại Trạng Liệt, Đồng Quang (Từ Sơn - Bắc Ninh). Anh Từ Trang rẽ ngang vào nghề Văn; học khóa 6 trường viết văn Nguyễn Du".

Người yêu văn chương từng biết đến Vũ Từ Trang qua các tập thơ: Nắng lên cao, Thời trai trẻ, Ngược dốc, Lẻ và không lẻ, Những vòng tròn không đồng tâm, Cây chuyển mùa. Truyện – tiểu thuyết: Miền đất đợi chờ, Chiều dài mùa hạ. Chân dung văn học: Phía sau con chữ, Nhà văn độc hành độc bộ, Vì ai ta mãi phong trần, Phận người trôi nổi, Tơ trời chùng chình đón đợi.

Với Vũ Từ Trang, người ta đặc biệt phải chú ý đến các chân dung văn học được ông xây dựng rất thành công. Qua 5 tập sách chân dung ấy, bạn đọc thấy hiển hiện trước mắt những con người đầy tài hoa, lỗi lạc nhưng cũng không ít thói tật đáng yêu.

Trong lời đề từ đầu một tập sách chân dung, Vũ Từ Trang viết: "Trong số những người tôi viết, nhiều người là bậc cha chú, cả về tuổi đời và tuổi nghề. Có người là bạn hoặc là vong niên. Nhưng tựu trung họ đều là những người mê văn chương với tấm lòng cao đẹp. Nghiệp chữ nghĩa đã đem lại vinh quang cho họ. Đôi khi còn đem lại tai họa cho họ. Có người nổi tiếng, có người ít được biết đến. Tôi chỉ có tâm nguyện nhỏ, viết về đôi điều khuất lấp sau vinh quang và cay cực trong cuộc đời cầm bút của họ".

Các chân dung qua ngòi bút của Vũ Từ Trang thường được tả rất kỹ, cẩn trọng. Bởi thế, mỗi chân dung văn chương đều hiển hiện rõ nét các nấc thang cuộc đời. Mỗi tính cách, thành tựu và cả sự thất bại được ông diễn tả cứ như nhân vật đang ở trước mắt người đọc. Cũng bởi cái tài diễn tả chân dung mà giới văn chương gọi Vũ Từ Trang là "thợ vẽ" duyên dáng nhất.

Người xưa thường nói "họa hổ, họa bì, nan họa cốt/ Tri nhân, tri diện bất tri tâm". Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ mà trong đó Vũ Từ Trang là một điển hình. Cách "vẽ" của ông khiến cho chính đối tượng được "vẽ" cũng phải công nhận "thợ vẽ" hiểu đến cả tâm can, uẩn khúc.

Tuy nhiên, nhà thơ Vũ Từ Trang khiêm tốn không dám nhận mình là "thợ vẽ" mà chỉ nhận là "thợ tô chữ". Trong cuộc sống đầy thăng trầm, dưới ngòi bút của mình ông đã hoàn thành sứ mệnh khi đưa chân dung văn học đến gần hơn với công chúng.

Người “vẽ chân dung bằng chữ” đã ra đi ảnh 1
Chân dung nhà thơ Vũ Từ Trang.

Lạy cha mẹ, con đi!

Người yêu văn chương biết đến nhà thơ Quang Dũng với những thi phẩm: Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây... nhưng ít ai biết đến một đời sống vô cùng chật vật khó khăn. Vũ Từ Trang đã tường thuật về cuộc sống ấy khi nhà thơ Quang Dũng mỗi sáng đi tập thể dục thường mang theo chiếc bao tải để quét lá khô đem về đun bếp cho đỡ tiền củi, tiền than.

Sự hóm hỉnh, tếu táo của bạn văn cũng được diễn tả qua chân dung nhà thơ Thanh Tùng - tác giả của "Thời hoa đỏ" đi dự Liên hoan thơ thế giới tổ chức tại Hy Lạp. Trở về gặp bạn bè, Thanh Tùng hớn hở khoe: "Tôi đọc thơ bằng tiếng Việt, mọi người nghe sướng lắm". Có người hỏi "Anh đọc thơ tiếng Việt sao họ hiểu?". Thanh Tùng hồn nhiên: "Tôi đọc thơ bằng gan ruột tôi. Tôi diễn đạt thơ bằng âm điệu của tôi, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi".

Sinh ra, lớn lên ở làng cổ Trang Liệt nên tình yêu mà Vũ Từ Trang dành cho quê hương vô cùng tha thiết. Vào năm 2016, khi chúng tôi tỏ ý muốn tìm hiểu về làng Trang Liệt, Vũ Từ Trang đã nhanh nhảu nhận làm "hoa tiêu" kiêm hướng dẫn viên. Từng ngóc ngách của làng, từng di chỉ còn sót lại và những câu chuyện cả chính sử lẫn giai thoại đều được ông thuộc lòng và lý giải rất chí tình.

Tên làng Trang Liệt được Vũ Từ Trang giải thích là Kẻ Sặt hay Sặt Đồng, và có tên chữ là Tráng Liệt hoặc Tráng Bà Liệt. Sở dĩ gọi là Kẻ Sặt vì làng nằm cạnh rừng Sặt. Làng Trang Liệt còn được gọi là Sặt Đồng, vì ngày xưa làng có nghề lọc đồng, chì, thau, thiếc và nghề thu mua đồng nát.

Nói rồi ông dẫn chúng tôi ra xem di chỉ bãi con đồng Mang, khu mộ của họ Nguyễn Tiến có hình giống như cái đe, còn bãi dài đồng Mang bên ngoài lại có hình cái búa. Ông bảo, do thế đất của làng khi khởi tạo tại khu đồng Mang có hình công cụ làm nghề đồng là cái đe và cái búa nên người xưa đã gọi làng này là Sặt Đồng.

Có phải vì yêu quê tha thiết nên trong bài "Quê hương", Vũ Từ Trang thiên vị "Tôi chợt nhận ra nắng quê tôi dịu hơn nơi khác"; rồi cũng đau đáu "Cha mẹ khuất rồi, mộ đồng xa cỏ thắm/ Con cái cúi đầu lạy cha mẹ, con đi".

Giờ thì Vũ Từ Trang - một người con làng cổ Trang Liệt đã ra đi, để cho con cái cúi đầu - một "thợ vẽ" đã buông bút để hình hài mình hòa tan trong lòng đất quê hương!

“Bằng sự bình thản của một nhà thơ, Vũ Từ Trang thong dong cảm nhận từng chuyển động quái ác từ căn bệnh ung thư. Ông luôn cười hiền lành để an ủi người thân và người quen, khi đề cập sức khỏe suy giảm của mình. Cách đây một tháng, khi tình tình ngày càng xấu đi, nhà thơ Vũ Từ Trang mới mở lời với nhà thơ Vũ Quần Phương: “Tôi thấy không ổn rồi. Anh viết cho tôi cái điếu văn nhé!”. - Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ