(GD&TĐ) - Gặp nghệ nhân Lê Viết Toàn tôi thấy ở con người này át lên sự thành kính yêu thương lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chính tình cảm này đã giúp anh sáng tạo ra những bức tranh bằng dăm gỗ được xếp vào loại “độc nhất vô nhị” không chỉ ở Huế mà còn khắp cả Việt Nam.
Tại tiền sảnh bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên - Huế trong buổi sáng trao tặng hiện vật cho bảo tàng nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi gặp một nghệ nhân với vóc dáng nhỏ bé, nhưng tấm lòng hết sức hồn nhiên, trong sáng. Tên anh là Lê Viết Toàn, 48 tuổi ở Khu vực 1 thị trấn Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Anh kể rằng, để kịp có mặt trong buổi lễ trao tặng sáng nay, anh phải thức dậy từ rất sớm để đi một quãng đường dài lên Huế. “Không hiểu sao suốt cả đêm qua mình không ngủ được, 3 tác phẩm mình trao tặng bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đợt này làm bằng dăm gỗ, dăm tre gồm: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến dịch Biên giới 1950; Chủ tịch Hồ Chí Minh vị tổng tư lệnh tối cao và tác phẩm Giờ phút lịch sử. Đối với mình Bác Hồ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, thế giới, “Người không con mà có triệu con”. Vậy mà lúc nào cuộc sống của Bác cũng mộc mạc, giản dị và tràn đầy tình yêu thương”. Từ đó anh Toàn suy nghĩ nên sáng tác tranh về Bác làm sao phải toát lên phẩm chất mộc mạc và đức tính giản dị của Bác. Anh đã chọn những dăm tre, dăm gỗ.
Đây là những loại dăm mà trong quá trình tạc tượng nghệ thuật hay đóng bàn ghế, trang trí nội thất, người thợ mộc và nhà điêu khắc đã vứt bỏ đi anh lượm lặt đem về nhà chọn ra những dăm gỗ đẹp để tạo hình thành những bức tranh về Bác Hồ. Anh Toàn kể, bắt đầu làm tranh Bác Hồ bằng dăm gỗ từ năm 2002. Lúc đầu công việc rất khó khăn bởi lẽ trước đây đề tài về Bác Hồ thì rất nhiều người sáng tác, muốn tạo dấu ấn về nghệ thuật không còn cách nào khác phải sáng tạo ra một loại hình mới “không đụng hàng”. Trước đây đã có rất nhiều họa sĩ vẽ tranh chân dung về Bác bằng con tem, lá cọ, vải, sơn dầu, lụa…
Nghệ nhân Lê Viết Toàn bên cạnh tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến dịch Biên giới |
Để thực hiện ước mơ vẽ tranh Bác Hồ bằng dăm gỗ tận dụng, anh Toàn đã bỏ công sức gần hai năm lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc xem đã có ai sáng tác tranh về Bác bằng dăm gỗ chưa, kể cả len lỏi vào bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam anh tìm vẫn không thấy. Thế là từ năm 2002 anh bắt tay thực hiện các tác phẩm của mình. Những ngày đầu làm quen với công việc độc đáo này, mắt anh như hoa lên vì những mảng dăm vụn. Nhưng với niềm đam mê và nghĩ tới ngày bức tranh hoàn thành được dư luận đón nhận, anh Toàn lại tỉ mỉ chọn từng dăm tre, dăm gỗ nhỏ sắp xếp sao cho mỗi dăm gỗ được đặt vào đúng vị trí tương ứng cần thiết về sắc độ của bức tranh. Dần dần, những dăm gỗ được anh sử dụng thuần thục để ghép thành nhiều bức tranh về Bác. Nhiều người khi đến thăm bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi xem qua, thấy đây là dòng tranh lạ đã không hết lời ca ngợi.
Để có được một tác phẩm hoàn chỉnh, anh phải tuyển chọn hàng ngàn dăm gỗ, dăm tre mới được những dăm gỗ yêu thích để đưa vào tác phẩm. Điều đặc biệt ở nghệ nhân mộc mỹ nghệ Lê Viết Toàn chính là việc anh sáng tác chân dung Hồ Chí Minh qua tranh bằng dăm gỗ không vì mục đích lợi nhuận, kinh tế hay đem bán để đổi lấy tiền. Với anh “Vẽ tranh về Bác đã khó nhưng để có những bức tranh về Bác ghép bằng dăm gỗ càng khó hơn. Mà cái khó nhất là khi thể hiện khuôn mặt và đôi mắt Bác Hồ, phải làm sao thật hài hòa và có hồn” - anh Toàn tâm sự - Cũng vì đặt niềm tin và tình yêu thiêng liêng đối với Bác Hồ mà bức tranh bằng dăm gỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh vị tổng tư lệnh tối cao anh Toàn đã để thờ trang trọng trong ngôi nhà của mình đã hơn mười năm rồi, hôm nay có dịp gửi tặng cho bảo tàng”.
Minh Ngọc