Đó là ý kiến thảo luận của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) khi phát biểu tại phiên họp sáng 7/1.
Theo đại biểu, sẽ không khó để nhận thấy, những người xung quanh chúng ta, nếu không phải công chức nhà nước thì hầu như đang phải đối mặt với vấn đề lao động. Nhất là tình trạng mất việc, giảm, giãn việc làm.
Đại biểu đoàn Bắc Kạn nêu 5 vấn đề: Thứ nhất, tình trạng mất việc, giảm, giãn việc làm. 4 đợt dịch vừa qua đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới người lao động. Chỉ tính riêng quý 3, cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch.
Trong đó, hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giảm, giãn giờ làm việc. Biến thể delta đã cuốn đi khoảng 1/4 mức lương hàng tháng của người lao động ở miền Đông Nam bộ. Đồng lương của người lao động vốn đã không dư dả gì thì nay lại càng khó khăn hơn.
Kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy: Gần 50% trong số này có nguồn tích luỹ chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong 1 tháng; 37% đủ để duy trì cuộc sống trong 3 tháng và có hơn 4% là đủ duy trì cuộc sống trên 4 tháng.
Thứ 2, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động bị thu hẹp. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến cho 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiết hụt lao động tại các tỉnh phía Nam nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cho tới nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại vì còn e dè với dịch bệnh. Nhiều người chọn phương án lập nghiệp tại quê nhà, nhiều người chọn phương án chờ qua Tết mới đi làm.
Trong khi đó nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải chịu áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. “Điều này tạo ra nghịch lý về cung cầu lao động. Nơi cần lao động thì không có, nơi có lao động thì rất khó có việc làm” –đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ trăn trở.
Thứ ba, dịch bệnh đã xuất hiện những nhóm lao động bị tổn thương. Khác với các cuộc khủng hoảng trước đây, với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, sự hạn chế đi lại và khả năng làm việc từ xa đã dẫn tới tình trạng cắt giảm một lượng lớn việc làm. Lao động làm công việc giản đơn trở nên yếu thế trong đại dịch. Tỉ lệ mất việc của nhóm này cao gần gấp đôi so với các nhóm khác.
Thứ tư, tính bền vững của quan hệ lao động đang có nguy cơ bị xâm phạm. Do mất việc, nhiều lao động ở khu vực chính thức có xu hướng tìm việc ở khu vực phi chính thức dẫn tới lao động tự do tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây, chiếm 57% lao động có việc làm. Và điều này dẫn tới một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững.
Trong đó, những chính sách an sinh, bảo hiểm, chế độ ốm đau, thai sản ở khu vực này rất hạn chế. Nhiều quan hệ lao động đã được xây dựng ổn định qua các năm có nguy cơ bị phá vỡ.
Thứ năm, qua đại dịch đã bộc lộ những hạn chế trong quản lý thị trường lao động thời công nghệ. Nhiều người lao động và người sử dụng lao động thực sự có cung cầu về lao động nhưng chưa tìm được nhau.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới. Để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là vấn đề lao động.