Trong thời kỳ Taliban chiếm đóng Afghanistan và cấm các bé gái đi học, Shabana Basij-Rasikh, lúc đó mới 6 tuổi, bắt đầu ăn mặc như một cậu bé để theo học một trường bí mật trong 5 năm, Huffington Post cho hay.
14 năm trôi qua, hiện tại, Basij-Rasikh điều hành một trường nữ sinh nhằm bồi dưỡng thế hệ mới, đi đầu trong tất cả lĩnh vực, góp phần xây dựng đất nước sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Ở tuổi 25, cô là một trong những nhà hoạt động xã hội tiêu biểu, đấu tranh vì quyền đi học của nữ giới.
"Việc giáo dục nữ sinh rất quan trọng vì chúng ta mới chỉ khai thác tài nguyên từ một nửa xã hội. Đây là cơ hội lớn đối với Afghanistan", cô nói.
Mặc dù sau khi Taliban sụp đổ, hàng triệu bé gái bắt đầu đến trường nhưng nhiều người vẫn đánh mất cơ hội học tập vì các trường thiếu giáo viên nữ.
Chênh lệch giới tính trong trường học ở nước này ở mức cao nhất thế giới, khi tỷ lệ nữ - nam là 7/10, tỷ lệ nữ sinh ở cấp trung học giảm xuống 5,5.
Shabana Basij-Rasikh từng giả nam để đến trường dưới thời Taliban. Ảnh: Getty Images. |
Shabana Basij-Rasikh cảm thấy rất may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình không xem thường con gái. Ông ngoại từng khuyên mẹ cô đến trường. Cha của Basij-Rasikh là tướng quân đội, cũng là người đầu tiên trong gia đình được đi học. Ông kiên quyết cho con gái được học tập đầy đủ, thậm chí sau khi Taliban lên cầm quyền năm 1996.
"Cha mẹ tôi hiểu rõ, họ đang đánh cuộc mạng sống của cả gia đình khi cho phép chúng tôi theo học một trường bí mật. Nhưng họ cảm thấy việc con cái thất học còn khó chấp nhận hơn. Đối với họ, đây là sự tụt hậu nghiêm trọng", cô cho biết.
Basij-Rasikh cùng chị gái mặc quần áo của con trai đi học, thay đổi lộ trình mỗi ngày để tránh nghi ngờ. Sách vở được giấu trong các túi ngũ cốc. Họ từng nhiều lần gặp nguy hiểm. "Chúng tôi xin cha mẹ cho ở nhà như những cô gái khác. Tuy nhiên, cha luôn nói: Con có thể mất tất cả nhưng không ai có thể cướp học vấn của con".
Năm 2001, chính quyền Taliban sụp đổ. Basij-Rasikh theo học một trường công lập trước khi học đại học ở Mỹ. Cũng trong thời kỳ này, cô đồng sáng lập trường học của những nhà lãnh đạo, Afghanistan (SOLA) với mục đích tạo cơ hội cho trẻ em nước nhà tiếp cận nền giáo dục nước ngoài và có công việc ổn định khi về nước.
Năm 2012, cô chuyển SOLA (trong tiếng Pashto, ngôn ngữ chính thức của Afghanistan , nó có nghĩa là hòa bình) thành trường nội trú nữ sinh đầu tiên tại nước này.
SOLA nằm ở thủ đô Kabul. Nó chú trọng đào tạo tư duy phê phán và kỹ năng lãnh đạo. Các hoạt động ngoại khóa của trường cũng rất đặc biệt, bao gồm mọi thứ, từ trượt ván, leo núi đến học lái xe.
Shabana Basij-Rasikh cùng các học sinh tại SOLA. Ảnh:Nationalgeographic. |
Hiện tại, SOLA có 25 học sinh. Trường cũng giúp 45 cô gái du học tại Mỹ, Anh, Canada, Jordan, Kyrgyzstan và Bangladesh với học bổng lên tới 9,5 triệu USD.
Một số người ước mơ làm bác sĩ, những người khác muốn trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Afghanistan, trong khi vài người thích làm phi hành gia.
"Phần lớn trong số họ là cô gái đầu tiên trong gia đình được đi học. Đây là sự thay đổi lớn", Basij-Rasikh nói.
Cô lên kế hoạch mở rộng quy mô trường lên 340 học sinh trong 7 năm tới.
Hiện tại, trường được đội lính gác bảo vệ. Điều này nhắc nhở rằng, các bé gái có thể vẫn gặp nguy hiểm khi đến trường.
Một học sinh và cha từng suýt chết vì quả bom chôn cạnh nhà. Sau đó, người cha nhận một cuộc điện thoại, cảnh báo con gái ông sẽ tiếp tục gặp nguy hiểm nếu vẫn cố đến trường. Tuy nhiên, ông không muốn bị trói buộc bởi lời đe dọa đó.
Một số thành viên quân đội từng thiêu cháy trường học, đầu độc và tạt axit vào nữ sinh nhưng Basij-Rasikh cho biết, SOLA sẽ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác giáo dục nữ giới, cô muốn tăng số lượng giáo viên nữ. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa những cô gái thất học và người có học vấn trong xã hội bảo thủ. Hiện tại, số lượng giáo viên nữ tại Afghanistan chiếm chưa đến 30%.
Cô giáo sẽ vừa là tấm gương để nữ sinh học tập vừa là người bạn tâm tình của các em. Theo Basij-Rasikh, việc được giảng dạy bởi giáo viên nữ ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của học sinh, đặc biệt đối với những em ở tuổi dậy thì, khi tỷ lệ tảo hôn ở nước này cao, nguyên nhân chính khiến nữ sinh bỏ học.
Basij-Rasikh tin, Afghanistan sẽ thay đổi lớn trong những thập kỷ tới nếu nữ giới có cơ hội phát huy tiềm năng của họ.