Người truyền lửa hiếu học và ý chí vươn lên cho học trò

GD&TĐ - Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh trong gia đình có mẹ và chị gái đều làm trong ngành Y, nhưng cô Hoàng Thị Hiền lại quyết tâm theo nghề Sư phạm.

Cô Hoàng Thị Hiền (thứ 2 từ bên phải). Ảnh: NVCC
Cô Hoàng Thị Hiền (thứ 2 từ bên phải). Ảnh: NVCC

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh trong gia đình có mẹ và chị gái đều làm trong ngành Y, cô Hoàng Thị Hiền (sinh năm 1984) vẫn luôn ấp ủ ước mơ trở thành một bác sĩ được khoác lên người chiếc áo blouse trắng. Tuy nhiên với định hướng của bố mẹ, cô đã miệt mài học tập, thi vào ngành sư phạm.

Vượt lên gian khó vì học sinh

Năm 2006, sau khi ra trường một thời gian, cô Hiền được phân công dạy tại Trường PTCS Thanh Sơn, hiện là Trường PTDTBT TH & THCS Thanh Sơn (Ba Chẽ, Quảng Ninh). Trường còn có nhiều điểm trường lẻ, kết nối với nhau bằng hệ thống đường mòn lầy lội, mùa mưa đến bị chia cắt bởi nhiều con suối.

Một số điểm trường còn chưa có điện lưới, không điện thoại. Đời sống nhân dân địa phương gặp nhiều khó khăn, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sống nhờ khai thác lâm sản và canh tác trên những mảnh ruộng nhỏ dưới chân đồi, một số thôn còn giữ lối sống, tập quán lạc hậu.

Ở đây, học sinh tại các điểm trường lẻ phải đến điểm trường chính để tiếp tục học THCS trong điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhiều em bỏ học vì việc đi lại vất vả, cách trở. Nếu đến học ở điểm trường chính các em phải tự lập sớm, phải học cách chăm sóc bản thân để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Đứng trước hiện thực đời sống còn nhiều khó khăn và nhìn thấu những điều kiện, hoàn cảnh thiếu thốn, trở ngại của học sinh nơi đây, cô Hiền tự nhủ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, tận tâm hơn để bù đắp và nuôi dưỡng ngọn lửa ham học cho các em học sinh. Các em đã quá thiệt thòi, nếu bản thân người thầy còn thấy nhụt chí thì các em sẽ lại càng ngại khó, ngại khổ nhiều hơn.

Trong 7 năm công tác tại trường, cô Hoàng Thị Hiền thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, đồng thời tham gia học lớp Đại học Sư phạm Hóa học hệ tại chức - Đại học Sư phạm Hà Nội nhằm nâng cao kiến thức cho bản thân để về phục vụ tốt hơn công việc giảng dạy hàng ngày.

Sau nhiều lần luân chuyển công tác do địa bàn thiếu giáo viên, năm 2018, cô Hiền chuyển về Trường PTDTBT TH & THCS Đồn Đạc II, cách nhà 10km. Nơi đây, học sinh 100% là dân tộc Dao, các em thường xuyên nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc của mình, nhiều lúc cô giáo và học sinh rất khó khăn trong giao tiếp.

Để chủ động nắm bắt tâm tư các trò, cô Hiền đăng kí đi học thêm lớp chứng chỉ tiếng Dao để có thể tiếp xúc, trò chuyện, gần gũi với các em hơn. Học sinh lớp 6 do cô chủ nhiệm mới chuyển từ tiểu học lên, các em còn rất nhiều bỡ ngỡ. Một số em phải ra điểm trường chính để học tập và sinh hoạt, hết tuần mới về một lần, bởi vậy nhiều em nhớ nhà thường hay bỏ về từ giữa tuần.

Không muốn học trò học hành chểnh mảng, cô Hiền lại nỗ lực từng ngày bởi mong muốn được góp công sức nhỏ bé của mình giúp các em có cuộc sống tốt hơn luôn hối thúc trong trái tim người làm thầy.

Nhà neo người, bố mẹ già, ốm đau bệnh tật, chị em gái và chồng đều công tác ở xa, nhiều khi cả bố và mẹ cùng phải đi bệnh viện một lúc, cô Hiền phải một mình chăm sóc cả hai bố mẹ nên rất vất vả.

Tuy nhiên, vì công việc và tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao nên cô đã cố gắng sắp xếp việc nhà và việc trường để vừa hoàn thành chữ hiếu phục dưỡng bố mẹ già vừa hoàn thành nhiệm vụ nhà trường giao phó. Một năm sau, cô được chuyển về Trường PTDTBT THCS Nam Sơn, nay là Trường PTDTBT TH & THCS Nam Sơn cách nhà 4 km và làm việc tại đó đến nay.

Tự hào được là nhà giáo

Chia sẻ về công tác giảng dạy suốt gần 20 năm công tác, cô Hiền cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có trình độ đào tạo theo lý thuyết cao nhưng mức độ vận dụng kiến thức lý thuyết học trên ghế nhà trường vào thực tiễn cuộc sống còn hạn chế. Trong khi đó, việc lồng ghép giáo dục nâng cao năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống, sản xuất ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là rất quan trọng.

Theo cô Hiền, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cần giải quyết căn cơ vấn đề tình trạng đội ngũ giáo viên thừa thiếu cục bộ, một số giáo viên đơn môn có thể thừa, đặc biệt là giáo viên dạy tích hợp một số môn chưa có.

Thực tế là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, không gian riêng ở nhiều địa phương sẽ không đáp ứng được yêu cầu do có nhiều môn học mới, đòi hỏi rèn luyện kỹ năng, chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh. Hơn nữa việc giáo dục trải nghiệm sáng tạo cũng cần kinh phí thực hiện và hơn hết là đảm bảo sự an toàn cho học sinh, tạo niềm tin cho phụ huynh cùng đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục con em mình.

Cô Hiền trăn trở, trong đời sống xã hội ngày nay, khi những tác động của nền kinh tế thị trường vào mọi lĩnh vực, trong đó có môi trường giáo dục rất nhanh và mạnh mẽ, sẽ có những giá trị đạo đức dễ trở thành nguy cơ bị phá vỡ nếu người thầy không giữ vững vai trò, vị trí của mình trong công việc và cả trong những mối quan hệ xã hội.

“Nghề giáo không phải là nghề giàu sang nhất, nhưng là nghề tạo ra tất cả ngành nghề khác. Đó chính là niềm tự hào, động lực để tôi đã, đang và sẽ tiếp tục bước trong sự nghiệp truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò, cùng các đồng nghiệp và thế hệ trẻ luôn bồi đắp và trân quý hơn hai chữ “người thầy” dù xã hội thay đổi bao nhiêu đi nữa”, cô Hiền nhấn mạnh.

Tận tâm với nghề, luôn phấn đấu trong công tác chuyên môn, nhiều năm liền cô Hiền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng nhiều bằng khen các cấp. Hiện, cô Hoàng Thị Hiền là Tổ trưởng tổ Hoá và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm 2023, cô là một trong số những giáo viên tiêu biểu trên cả nước được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội LHTN Việt Nam… tổ chức.

“Đã có lúc tôi cũng cảm thấy khá mệt mỏi, áp lực về hồ sơ sổ sách, về sĩ số khiến tôi nhụt chí và đôi lúc băn khoăn tự hỏi không biết lựa chọn của mình có còn đúng hay không? Nhưng rồi, mỗi lần bước lên bục giảng, gặp những ánh mắt trong trẻo, ngây thơ của học trò lớp 6 nhìn tôi, những câu chào, lời chúc mừng và niềm vui hớn hở của học sinh khi chúng nhìn thấy cô giáo đã khiến tôi thấy ấm lòng, thế là những mỏi mệt dường như được xua tan”, cô Hiền tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ