Giữ đam mê để làm người truyền lửa

GD&TĐ - Cô giáo Trần Thị Cường, Tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường THPT Ngô Gia Tự (Khánh Hòa) cho rằng, nghề dạy học không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức mà còn phải khơi gợi và nuôi dưỡng niềm đam mê ở học trò.

Cô giáo Trần Thị Cường.
Cô giáo Trần Thị Cường.

Khơi gợi đam mê cho học trò

Nhiều năm trực tiếp nắm đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý của Trường THPT Ngô Gia Tự, cô Cường chia sẻ: “Để có thể phát hiện đúng những học sinh có đủ tư chất vào đội tuyển HS giỏi dự thhi cấp tỉnh là công việc đòi hỏi tính quyết đoán, nhạy bén của giáo viên. Trong năm học lớp 10, phải hình thành được nhóm học sinh này. Nếu chọn sai người thì mình khổ một, học trò khổ mười vì các em sẽ không vượt qua được những lần kiểm tra sàng lọc”.

Nhưng như thế chưa đủ, nhiệm vụ hàng đầu của giáo viên dạy đội tuyển, theo cô Cường, là phải khơi gợi ở học sinh sự đam mê, khả năng tìm tòi, khám phá để không sao nhãng mục tiêu học tập. Nếu không đam mê, các em sẽ không thể theo đội tuyển trong suốt gần 3 năm học mà chỉ tập trung cho mục tiêu đỗ đại học. Và để các em yên tâm theo học đội tuyển, còn phải đả thông tư tưởng cho phụ huynh. Sự hỗ trợ, tin tưởng của gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của cô và trò.

Kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021, bộ môn Vật lý của Trường Ngô Gia Tự có điểm trung bình xếp vị thứ Nhất toàn tỉnh Khánh Hòa.

Năm học 2020 – 2021, Trường THPT Ngô Gia Tự tự hào có một học sinh đạt giải Ba môn Vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Với các em được chọn vào đội tuyển HS giỏi của tỉnh để bồi dưỡng dự thi cấp Quốc gia, cô Cường luôn thầm lặng đồng hành, hỗ trợ riêng cho học trò của mình.

“Lúc này, mình không còn tham gia bồi dưỡng nữa mà sẽ do các đồng nghiệp ở trường chuyên của tỉnh đảm nhiệm. Nhưng là một GV theo sát học sinh ngay từ khi lớp 10, mình hỗ trợ thêm những khi HS cần, tìm thêm nguồn tài liệu tham khảo cho các em cũng có khi cô trò cùng nhau tìm hướng giải quyết cho một bài tập khó” – cô Cường kể.

Sự đồng hành thầm lặng của cô Cường đã góp phần làm nên mùa quả ngọt, khi năm học này, học sinh của cô đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Sở GD&ĐT Khánh Hòa trao giấy khen cho học sinh có dự án đạt giải nhất cuộc thi Khoa học, kỹ thật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, trong đó có dự án của Trường THPT Ngô Gia Tự.
 Sở GD&ĐT Khánh Hòa trao giấy khen cho học sinh có dự án đạt giải nhất cuộc thi Khoa học, kỹ thật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, trong đó có dự án của Trường THPT Ngô Gia Tự.

Muốn vậy, không có cách nào khác, phải thường xuyên tự “nâng cấp” mình, luôn tìm tòi, cập nhật những kiến thức mới. Nhiều năm liền, cô Cường là giáo viên cốt cán bộ môn Vật lý của Sở GD&ĐT Khánh Hòa.Việc dạy học, đối với cô giáo Cường, cũng đồng nghĩa với quá trình tự học. “Tài liệu để bồi dưỡng học sinh giỏi thì rất nhiều, nhưng để chọn đúng, đòi hỏi người giáo viên có sự nhạy bén trong phán đoán và nắm bắt được thông tin.

 Nhóm lửa sáng tạo 

Có không ít học sinh của cô Cường đã chọn theo con đường sư phạm Vật lý như cô giáo của mình. Nguyễn Dương Đăng Quốc đã chọn theo con đường nghiên cứu chuyên sâu, hiện đang du học tại Nga. “Ngọn lửa” đam mê từ cô giáo đã được truyền lại cho học trò, khơi dậy cho các em niềm đam mê khoa học và sự cống hiến. Đây cũng là những tấm gương để cô Cường làm ví dụ để những học sinh khóa sau có thêm động lực theo học đội tuyển luyện thi học sinh giỏi cấp tỉnh. 

Sau nhiều năm đảm nhận vai trò hướng dẫn học sinh nghiên cứu Khoa học kỹ thuật với nhiều thành tích cao như 3 lần đạt giải nhì cấp quốc gia và liên tục nhiều năm có giải cao ở cuộc thi cấp tỉnh, cô Trần Thị Cường nhận phụ trách hoạt động nghiên cứu Khoa học kỹ thuật của nhà trường.

Khác với luyện học sinh giỏi môn Vật lý, với cuộc thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật, đòi hỏi các em phải có sự tổng hợp kiến thức liên môn để giải quyết một vấn đề từ thực tế cuộc sống, có tư duy sáng tạo, có cả sự khéo léo cũng như kỹ năng làm việc nhóm…

“Giáo viên hướng dẫn, ngoài hỗ trợ cho học sinh về mặt kiến thức liên môn, khơi gợi được sự sáng tạo, liên tưởng, còn phải cùng các em giải quyết nhiều vấn đề khác trong nghiên cứu như thiết bị, linh kiện, thậm chí là kinh phí. Chẳng hạn, chỉ cần một chi tiết cơ khí cần phải hàn, học sinh cũng phải có sự hỗ trợ từ các xưởng cơ khí. Đôi khi, GV còn phải kết nối với các giảng viên đại học, các viện nghiên cứu để hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho học trò…” – cô Cường chia sẻ.

Thế nhưng, cái được khi học sinh tham gia nghiên cứu Khoa học kỹ thuật, theo như cô Cường, là không thể đong đếm được: “Ngoài cơ hội tích lũy những kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội, học sinh trưởng thành lên rất nhiều. Các em được hình thành nhiều năng lực khác mà nếu chỉ học theo hướng tiếp cận nội dung thì khó có thể có được”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.