Người truyền cảm hứng, tình yêu cuộc sống cho học trò khuyết tật

GD&TĐ - 14 năm gắn bó với giáo dục đặc biệt, cô Đào Thị Huế có nhiều đóng góp cho công tác chuyên môn được đồng nghiệp tín nhiệm, học trò tin yêu.

Cô Huế và học sinh trong tiết học Toán ngày 14/11.
Cô Huế và học sinh trong tiết học Toán ngày 14/11.

Yêu thương trẻ như con

Cô Đào Thị Huế (SN 1987) là Phó bí thư Chi bộ, Chủ tịch công đoàn, Trường Nuôi dạy trẻ em Khiếm thị Hải Phòng. 14 năm gắn bó với giáo dục chuyên biệt, có nhiều thành tích, sáng kiến chuyên môn chất lượng, cô Đào Thị Huế được vinh danh là tấm gương nhà giáo tiêu biểu của thành phố Hải Phòng được Bộ GD&ĐT tuyên dương nhân dịp 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Huế về công tác tại Trung tâm nghiên cứu của Trường. Một năm sau đó, cô quyết định về Trường Nuôi dạy trẻ em Khiếm thị Hải Phòng giảng dạy.

14 năm công tác tại trường, cô luôn tâm huyết, gắn bó với nghề, có nhiều đóng góp cho công tác chuyên môn trong nhà trường, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục học sinh khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, khuyết tật học tập.

hue5.jpg
Giờ học ngoài trời của cô trò.

Cô Huế chia sẻ, được đào tạo chính quy về Giáo dục đặc biệt, bản thân cô là một trong những giáo viên ở giai đoạn đầu tiên khi nhà trường mở thêm lớp học cho học sinh khuyết tật trí tuệ. Ngày đầu, bản thân cô gặp rất nhiều áp lực, khó khăn. Nhiều lúc cô thấy mệt mỏi, bế tắc nhưng chưa khi nào cô có ý nghĩ sẽ bỏ học sinh để tìm một công việc dễ dàng, thuận lợi hơn.

"Tôi luôn tích cực nghiên cứu tài liệu, áp dụng những kiến thức đã được đào tạo khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học và tìm hiểu cặn kẽ từng đặc điểm của học sinh, áp dụng các phương pháp khác nhau để tìm ra biện pháp giáo dục phù hợp nhất với từng học sinh. Dần dần tình yêu nghề trong cô lớn lên, cô thêm gắn bó với trường, với lớp và đàn trẻ thơ" - cô chia sẻ.

Cô Huế tích cực tham gia cùng nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cộng đồng về quyền trẻ em, giáo dục khuyết tật. Từ đó, rất đông phụ huynh biết đến trường, các em học sinh được đi học nhiều hơn. Đến nay, trường có 8 lớp dành cho học sinh diện này.

Bên cạnh đó, cô tham gia nhóm Can thiệp sớm cho trẻ khiếm thị của nhà trường. Đi đến các gia đình có trẻ khiếm thị khắp các quận, huyện trong thành phố để can thiệp cho trẻ và hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ khiếm thị tại nhà. Cũng từ chương trình hỗ trợ này, nhiều trẻ em khiếm thị được tới trường.

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, với nhiệm vụ giảng dạy các em học sinh khuyết tật trí tuệ, bản thân cô Huế luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn. Cô luôn nâng cao tinh thần học hỏi đồng nghiệp, tích cực đổi mới phương pháp, áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đem lại hiệu quả giáo dục học sinh.

hue2.jpg
Cô Huế cho rằng là giáo viên dạy trẻ khuyết tật cần kiên trì từng bước.

Theo chia sẻ của cô Huế, các lớp học sinh khuyết tật trí tuệ gồm nhiều dạng khác nhau như: khuyết tật trí tuệ, down, tự kỷ, tăng động, khuyết học tập. Mỗi dạng khuyết tật lại có đặc điểm điển hình riêng.

Để rèn được một kỹ năng cho trẻ, giáo viên cần kiên trì từng bước nhỏ, từ ngày này sang ngày ngày khác, từ tháng này sang tháng khác. Cô Huế cho hay, trong một lớp học 15 học trò, giáo viên phải hiểu rõ được đặc điểm của từng em mới có biện pháp can thiệp hiệu quả.

Bởi, mỗi trò một đặc điểm, một trình độ, hành vi khác nhau. Có những em ngồi học cứ được vài phút lại cho chân vào ngăn bàn hay chỉ cần hé cửa là chạy ra khỏi lớp. Có trò thích được ôm ấp, vuốt ve, nhưng có em khi cáu giận lại la hét, đập bàn, cắn cô, cắn bạn hay tự làm đau chính mình.

Những lúc như thế, xử lý của giáo viên không phải là quát mắng, trách phạt mà lại càng phải hiểu học sinh đó đang muốn điều gì. Từ đó, cô tìm cách đáp ứng yêu cầu hay lại gần xoa dịu, cũng có thể là tách ra, cho em một đồ vật yêu thích, hay một không gian em có cảm giác an toàn, thậm chí là ra sân cỏ cùng chạy với em vài vòng để giải toả năng lượng.

Nhiều tiết học bị gián đoạn bởi học trò không tự chủ được vệ sinh. Lúc đó, cô giáo lại là bảo mẫu, tạm dừng bài dạy, xỏ găng tay để vệ sinh cho các em, cô Huế bày tỏ.

Cống hiến thầm lặng

Là một trong những giáo viên cốt cán của nhà trường, cô Huế tham gia hướng dẫn nhiều đoàn sinh viên thực tập Khoa Giáo dục đặc biệt - Đại học Sư phạm Hà Nội đạt hiệu quả, chất lượng cao.

Cô tham gia Hội đồng thẩm định sáng kiến kinh nghiệm cấp trường, là ủy viên Hội đồng thẩm định sáng kiến cấp Sở, là thành viên Hội đồng ban giám khảo thi giáo viên giỏi cấp cơ sở. Cô cũng tham gia Hội đồng tuyển sinh hàng năm của nhà trường, làm tốt công tác đánh giá học sinh, tư vấn phụ huynh về giáo dục trẻ khuyết tật, được phụ huynh tin tưởng, đánh giá cao.

hue.jpg
Cô Huế có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy.

Quá trình công tác, cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học cũng như chăm sóc hỗ trợ học sinh khuyết tật trí tuệ được đánh giá cao, áp dụng hiệu quả như: Sáng kiến về quản lí hành vi cho học sinh tự kỷ, sáng kiến phát triển ngôn ngữ cho học sinh khuyết tật trí tuệ, sáng kiến dạy kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật… Cô tham gia nhiều chương trình tập huấn, giao lưu chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm về giáo dục trẻ khuyết tật với các trường chuyên biệt khác trên toàn quốc.

Khi với vai trò chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô Huế năng động, tích cực, sáng tạo và nhiệt huyết với công tác đoàn thể; luôn quan tâm, chia sẻ, chăm lo tới đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Có nhiều hoạt động quan tâm, chăm lo tới đời sống của đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, đoàn viên là người khuyết tật.

Song song với công tác chuyên môn, cô dành thời gian tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng như: hiến máu tình nguyện hàng năm, vận động đoàn viên công đoàn trường, người thân, bạn bè cùng tham gia.

hue6.jpg
Cô giáo Huế rèn kỹ năng sống cho học trò.

Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, cô Huế cho hay, cô và đồng nghiệp mong muốn phát triển được lớp nghề thành các xưởng nghề, là nơi học sinh sau khi hết tuổi học, có đủ kỹ năng có thể tiếp tục ở lại, thậm chí cả những em đã nghỉ học có thể quay lại làm việc, tạo ra các sản phẩm để bán ra thị trường, có thu nhập nuôi sống bản thân.

Đối với học trò khiếm thị khi học xong, ngoài công việc làm massage mưu sinh thì các em cũng có thể tham gia vào lớp nghề này. Các em sẽ có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn và không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó mới thực sự là quả ngọt, là hạnh phúc của các thầy cô làm công tác giáo dục học sinh khuyết tật.

14 năm làm công tác giáo dục trẻ khuyết tật, cô Đào Thị Huế đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận: Nhiều năm có sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng hiệu quả tại nhà trường; Là giáo viên giỏi cấp trường nhiều năm liền; Đạt danh hiệu “ chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; giáo viên giỏi cấp tiểu học thành phố”; Nhiều năm liền xếp loại “viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Cô từng nhận Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục; Giấy khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.