Nâng cao chất lượng dạy học, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh

GD&TĐ - Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh là tâm niệm của cô giáo Hoàng Thị Vượng.

Cô Hoàng Thị Vượng trong giờ dạy.
Cô Hoàng Thị Vượng trong giờ dạy.

Vượt qua định kiến 'môn phụ'

Cô Hoàng Thị Vượng, tổ trưởng tổ Khoa học Tự nhiên, Trường THCS Đại Kim (quận Hoàng Mai) là một trong 70 nhà giáo vinh dự nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024, giải thưởng ý nghĩa nhân dịp kỉ niệm 70 năm thành lập ngành GD-ĐT Thủ đô.

Tự hào kể về đồng nghiệp, cô Phạm Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim cho biết: Gần 16 năm gắn bó với nghề, cô giáo Hoàng Thị Vượng đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng học sinh, phụ huynh, cùng các đồng nghiệp bởi sự tâm huyết với nghề và tấm lòng yêu thương học trò.

Với năng lực chuyên môn vững vàng môn Hóa học trước đây và môn Khoa học Tự nhiên hiện nay, cô Vượng đã đạt được nhiều thành tích như: Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận; giải Nhì giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Trong công tác chuyên môn, cô luôn nghiên cứu tìm hiểu chương trình của cả cấp học để tìm ra kiến thức trọng tâm, xuyên suốt, có mối liên hệ chặt chẽ các kiến thức với nhau, lồng ghép, sắp xếp kiến thức một cách khoa học cùng phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại.

img-0973.jpg
Học sinh Trường THCS Đại Kim chủ động khám phá các kiến thức.
img-0951.jpg
Học sinh Trường THCS Đại Kim hứng thú với giờ học Khoa học tự nhiên.

Cô Vượng chia sẻ, từ năm học 2021-2022, các nhà trường bắt đầu thực hiện chương trình GDPT 2018 với rất nhiều khó khăn thách thức. Là giáo viên với gần 20 năm kinh nghiệm dạy học bộ môn Hoá học và nay là môn Khoa học Tự nhiên nhưng cô cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ.

Thực tế học sinh phải học rất nhiều môn, môn nào cũng có kiến thức cần ghi nhớ, học thuộc, vận dụng. Sau một thời gian, nếu không được nhắc lại, được hệ thống lại, hoặc có cách ghi nhớ logic, khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống thì kiến thức sẽ rơi rụng dần, dẫn đến nhầm lẫn.

Cộng thêm tâm lý thi gì học nấy, coi Hóa học là môn phụ và thiếu quan tâm đến việc học tập bộ môn nên các em trên lớp thì không hứng thú, về nhà thì không dành thời gian tự học. Việc học sinh không thi môn Hóa học trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khiến các thầy cô dạy môn này dần mất đi động lực.

"Giúp học sinh học tốt, giúp học sinh yêu thích môn học là cái tâm với nghề và cũng là giúp chính bản thân mình. Học sinh có yêu thích mới học, học sinh yêu thích mới chủ động và có chủ động mới có sáng tạo. Như vậy, vừa đảm bảo học sinh có kiến thức, giáo viên hoàn thành nhiệm vụ đổi mới giáo dục của mình vừa đảm bảo chất lượng bộ môn", cô Vượng nói.

img-0773.jpg
Giúp học sinh học tốt, giúp học sinh yêu thích môn học.
img-0841.jpg
Cô Hoàng Thị Vượng đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng học sinh, phụ huynh.

Giải pháp sáng tạo

Một trong những giải pháp quan trọng mà cô Vượng đưa ra là xây dựng hệ thống kiến thức ngắn gọn, móc nối logic xuyên suốt và phương pháp học tư duy để học sinh được học một cách tự nhiên, nhẹ nhàng không áp lực. Giáo viên nghiên cứu tìm hiểu chương trình của cả cấp học, phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại.

Cô Vượng lấy ví dụ trong sách giáo khoa lớp 7, sách liệt kê các nguyên tố theo thứ tự trong bảng tuần hoàn, 20 nguyên tố đầu trước nên số lượng giới thiệu thì nhiều mà có những những nguyên tố trong đời sống các em không thấy nó bao giờ, không có ứng dụng gì trong thực tế và thậm chí trong quá trình học đến hết cấp THCS các em không tìm hiểu về nó như Boron, Helium...

Có những nguyên tố kim loại, phi kim mà học sinh được tiếp xúc, biết đến nhiều trong cuộc sống lại có nhiều ứng dụng nhưng chỉ được giới thiệu mờ nhạt ở bài tìm hiểu về Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học. Chưa kể để đến mục tiêu chương trình môn học ở lớp 8, 9 các em cần phải tìm hiểu và nắm được tính chất và sự biến đổi của chúng.

Bởi vậy, ngay từ bài "Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học", cô cho học sinh thi để phát hiện, kể tên các kim loại, phi kim thường gặp dựa vào mẫu vật cụ thể, tranh ảnh, video hoặc liên hệ thực tế và ngược lại. Từ đó cô hướng dẫn, gợi ý học sinh học kí hiệu của của các nguyên tố kim loại, phi kim.

viber-image-2024-11-15-07-52-05-359.jpg
Học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đến lớp
viber-image-2024-11-14-14-13-35-417.jpg
Cô Hoàng Thị Vượng nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024.

Đến khi học về hoá trị, cô hướng dẫn học sinh theo phương án loại trừ. Sắp xếp hoá trị III ít nhất học trước, hoá trị I học sau và còn lại là hoá trị II theo bảng, vừa củng cố phân loại kim loại, phi kim vừa dễ nhớ hoá trị. Nắm được hoá trị sẽ lập được công thức hoá học của hợp chất một cách dễ dàng.

Trần Gia Thái, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Đại Kim chia sẻ, em rất thích học môn Khoa học Tự nhiên do cô Vượng dạy. Không chỉ được học kiến thức, em được thực hành nhiều, được vận dụng nhiều. Các mẹo để ghi nhớ các nguyên tố được cô chỉ dẫn rất hay, dễ nhớ.

Nhờ nỗ lực của cô Vượng, các tiết học Khoa học Tự nhiên sôi nổi, hấp dẫn hơn. Kết quả chất lượng bộ môn của học sinh đại trà và mũi nhọn của nhà trường hàng năm đều tăng. Câu lạc bộ STEM của nhà trường giữ vai trò nòng cốt trong Ngày hội STEM cấp quận. Nhiều học sinh, nhóm học sinh có sản phẩm STEM đạt giải cấp quận, đạt giải Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp thành phố.

Trong công tác chủ nhiệm, cô luôn thực hiện 5 nguyên tắc ứng xử sư phạm mọi lúc kể cả trong hoạt động dạy học lẫn giáo dục để học sinh được tôn trọng, thấu hiểu, hướng dẫn chỉ bảo, rèn luyện và phát triển. Với học sinh có đặc điểm, hoàn cảnh đặc biệt thì cô sẽ có biện pháp riêng, phù hợp. Do vậy, học sinh đều rất yêu quý cô giáo. Mỗi học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đến lớp, lớp học trở thành lớp học hạnh phúc, trường học trở thành trường học hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.