Người truyền cảm hứng

GD&TĐ - Trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, phương pháp dạy học hiện nay đòi hỏi ngành Giáo dục chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Do đó, một trong những nội dung cơ bản, cấp bách hiện nay đó là cần bồi dưỡng cho giáo viên nhằm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi GV phải chủ động trong tiếp cận kiến thức mới
Chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi GV phải chủ động trong tiếp cận kiến thức mới

Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về vai trò của nhà giáo trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Giáo viên cần thay đổi cả nhận thức

*Chương trình giáo dục phổ thông mới có sự chuyển hướng từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học. Tuy nhiên, để giáo dục phát triển năng lực phẩm chất người học đi vào thực chất mang lại hiệu quả thiết thực cần có giải pháp triển khai phù hợp. Vậy theo PGS, giáo viên đóng vai trò như thế nào trong quá trình đổi mới?

- Những kết quả nghiên cứu giáo dục cho thấy “chất lượng nguồn nhân lực thực thi giáo dục luôn tương đồng với chất lượng giáo dục” của mỗi quốc gia. Điều đó cho thấy, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đổi mới. Nói cách khác, đây là yếu tố quyết định trong bối cảnh giáo dục phổ thông chuyển hướng từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học. Bởi lẽ, khác với tiếp cận nội dung, tiếp cận năng lực người học đòi hỏi người giáo viên ngoài truyền thụ kiến thức, còn là người thiết kế, tổ chức bài học, biết ủy thác để người học có thể tự thực hiện việc học, và đánh giá họ trong quá trình học chứ không phải chỉ dựa vào những đánh giá định kì bằng bài thi như hiện nay.

Việc dạy phát triển năng lực đòi hỏi người học phát triển kĩ năng thực hành – vận dụng, sự hợp tác và tự chủ, đồng thời người học rèn luyện phẩm chất, thái độ để hòa nhập, làm chủ xã hội. Do đó, người dạy cần thay đổi cả nhận thức về vai trò của mình, về cách bồi dưỡng nghề nghiệp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của nguồn thông tin, của xã hội.

*Đội ngũ giáo viên cần có những thay đổi như thế nào để tiếp cận, thực hiện tốt nhất Chương trình, sách giáo khoa mới, thưa PGS?

- Thời gian gần đây, tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều giáo viên ở khắp mọi miền đất nước. Đi nhiều, làm việc nhiều với họ tôi không khỏi khâm phục sự kiên trì, yêu nghề và tận tụy với học trò ở các đồng nghiệp của mình.

Tuy nhiên, tôi cũng ngạc nhiên vì còn khá nhiều giáo viên chưa tiếp cận những thay đổi của ngành một cách chủ động. Họ thiếu kĩ năng tự mình tìm kiếm thông tin trên các phương tiện truyền thông. Họ vẫn đang chờ đợi một cách bị động, vì họ tin rằng, giống như trước kia, họ sẽ thực thi theo những gì sẵn có ở trong sách, ở trong các quy định, hướng dẫn.

Trong khi, một trong những yêu cầu cấp bách đó là: Người giáo viên phải trở thành người có khả năng tự học, tự bồi dưỡng bản thân thông qua việc học, việc cùng đồng nghiệp sinh hoạt chuyên môn, biết sử dụng những công cụ của kỉ nguyên công nghệ như Internet, các sách, các tư liệu khoa học… trước khi là người đi dạy học sinh biết những điều đó.

Dạy học phát triển năng lực đòi hỏi người giáo viên biết thiết kế chương trình lớp học dựa trên chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT ban hành; biết đọc sách, nghiên cứu tài liệu để mở rộng kiến thức; biết khai thác các kênh thông tin, các tư liệu online để bồi dưỡng phương pháp, đổi mới bài học…

  • PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Tôi cho rằng, sự tự học của giáo viên phải được quan tâm, các giáo viên cần chú trọng quá trình tự rèn luyện, tự đổi mới… cập nhật kiến thức và tự thử nghiệm trong lớp học của mình. Bên cạnh đó, các nhà trường, các địa phương cần tạo điều kiện để sự thay đổi này được diễn ra bằng cách tạo ra những phong trào, những yêu cầu, những đầu tư về cơ sở vật chất, chủ động bồi dưỡng GV đáp ứng Chương trình mới.

Người truyền cảm hứng học tập cho các học sinh

*Thưa PGS.TS Chu Cẩm Thơ, với thực tế của đội ngũ giáo viên và đào tạo sư phạm như hiện nay thì việc tham gia dạy môn tích hợp về xã hội, giáo viên đã đáp ứng được chưa và các bước để chuẩn bị như thế nào?

Có một thực tế là đội ngũ giáo viên của chúng ta hiện nay phân hóa rất mạnh. Một bộ phận giáo viên rất tích cực thay đổi. Tôi lấy ví dụ khi tôi tham gia thực hiện chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” hay các khóa đào tạo giáo viên “tích cực”, “sáng tạo”… thì có hàng nghìn giáo viên tự nguyện học, có người còn tự bỏ kinh phí để học được cách dạy, cách tư duy mới về công việc.

Những người giáo viên đó coi “hạnh phúc” khi thành công với việc dạy là một mục tiêu phấn đấu. Nhưng cũng không ít người trong bộ phận còn lại thì có sức ỳ khá lớn. Cách đào tạo sư phạm chưa có biến chuyển nhiều. Chương trình đào tạo vẫn chưa chú trọng đến sự thực hành, đến tiếp cận thực tế nhà trường, đến các kĩ năng nghề nghiệp liên quan đến tự học, tự bồi dưỡng năng lực. Nhất là ở các môn tích hợp về xã hội, đòi hỏi người giáo viên có hiểu biết rộng, có phản biện, có định hướng văn hóa, địa chính trị, địa kinh tế, hội nhập toàn cầu.

Đây thực sự là một sự thách thức, dẫn đến sự lo lắng không hề nhỏ của những người quan tâm đến giáo dục. Tôi cho rằng cần tạo ra sự thay đổi toàn diện hơn nữa trong môi trường sư phạm, để các sinh viên, các giảng viên đặt mình trong bối cảnh, học qua bối cảnh xã hội chứ không chỉ trong những môn học như hiện nay. Hãy giúp họ tăng cường kĩ năng qua các dự án và cả qua các hoạt động ngoài nhà trường, hãy làm họ trở nên năng động, và sẵn sàng thử thách với trọng trách truyền cảm hứng học tập cho các học sinh.

*Xin trân trọng cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ