Chặn xe, hăm dọa
Theo phản ánh của một số thương lái, khi đến tổ dân phố 4, phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum) thu mua chanh dây, xe ô tô chở hàng của gia đình chị Phạm Thị Huệ (thương lái ở thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà) bị một nhóm người chặn lại, rồi lấy chanh ném vào những ai có mặt trên xe. Sau đó, nhóm người này đến tận nhà chị Huệ hăm dọa và thường điện thoại yêu cầu hợp tác trong việc thu mua chanh. Cách đây khoảng một tháng, một thương lái tên Hòa ở Gia Lai lên thu mua chanh dây cũng bị một nhóm người gây gổ, hù dọa nên ông này không dám lên Kon Tum nữa.
Theo người dân, một số thương lái trên địa bàn đến được vườn thu mua chanh đều phải chấp nhận “chung chi” cho các nhóm bảo kê với mức 1.000 đồng/kg. “Những người không hợp tác bị bọn chúng liên tục điện thoại hăm dọa, chặn xe, gây khó dễ. Thậm chí, có trường hợp bị chúng dọa đập, đốt xe... Cứ để tình trạng này thì nông dân là thiệt thòi nhất” - một thương lái cho biết.
Theo lời một số thương lái, các đối tượng bảo kê yêu cầu thương lái không được mua quá giá do chúng quy định rồi bán lại cho chúng. Nếu giá chanh dây mua ở mức 17.000đồng/kg thì chỉ được mua của nông dân không quá 12.000 đồng/kg sau đó bán lại cho chúng với giá trên, hoặc “mua qua tay” số chanh dây mà bọn chúng thu mua từ các nhà vườn.
Cũng theo một số thương lái, những nhóm bảo kê có tiếng nhất gồm những người là Quân, Hương, Thanh ở thành phố Kon Tum và Đắk Hà. Các nhóm này thường quy tụ những thành phần bất hảo, có tiền án, tiền sự, nghiện ngập. Ngoài việc chọn địa bàn trồng tập trung chanh dây, các nhóm này còn thường xuyên cho người đeo bám các chủ vựa thu mua chanh dây để hù dọa, buộc phải theo chúng hoặc phải chấp nhận chi tiền bảo kê.
Nông dân thiệt đơn, thiệt kép
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Kon Tum, toàn tỉnh có hơn 1.000ha chanh dây.
Tại tổ 4 phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum) có gần 30ha chanh dây của 17 hộ dân ở Đắk Hà thuê đất trồng. Giá thuê đất 1ha là 10 triệu đồng/năm. Theo tính toán của người dân, ngoài tiền thuê đất, chi phí tiền đầu tư 1ha khoảng 170 - 200 triệu đồng; đó là chưa kể công sức chăm sóc mấy tháng mới cho thu hoạch.
Anh D, một người trồng chanh dây cho biết: Bình quân mỗi ngày khu vực này thu hơn một tấn chanh dây. Vì nạn bảo kê, nên giá mua tại vườn khi nào cũng bị thấp hơn nhiều so giá thị trường khiến người dân mất vài triệu đồng. “Thương lái không dám đến vườn thu mua nên chúng tôi phải thuê xe chở về nhà rồi mới đưa đi bán lại cho họ. Như vậy, lại thêm một lần chi phí, lời lãi chẳng được bao nhiêu” - anh D thở dài.
Tương tự, ở thôn Ngọc Tặng, xã Đắk Kan (huyện Ngọc Hồi) có khoảng 30ha chanh dây của các hộ dân ở xã Đắk Ngọk (huyện Đắk Hà) lên thuê đất trồng. Người dân tại đây tại cũng phản ánh tình trạng một số người xăm trổ đầy mình chặn xe chở chanh dây để đòi tiền bảo kê. Vì sự an toàn, nhiều hộ dân đợi phải chờ đến đêm mới chở sản phẩm về nhà, rồi tờ mờ sáng hôm sau lại chở đi bán cho thương lái.
Thời điểm này, giá chanh dây từ 14.000 - 15.000 đồng/kg nhưng người trồng chanh dây chỉ bán được từ 10.000 - 11.000 đồng/kg. “Nhiều người dân có nhu cầu bán chanh dây tại vườn gọi điện, nhưng tôi không dám đến vườn để thu mua bởi không muốn “gặp rắc rối” với đám bảo kê đang hoạt động tại đây” - một thương lái khác phản ánh.
Nhiều nông dân và thương lái đang lo lắng trước hoạt động bảo kê, chèn ép giá đang diễn ra trong mua thu hoạch chanh dây và mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum nhanh chóng vào cuộc, nhằm tạo sự công bằng, bảo vệ quyền lợi nông dân và bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.