Nỗi kinh hãi ở làng giông sét

GD&TĐ - Trong những ngôi nhà nép mình dưới chân núi, chịu đựng những ngày nắng kéo dài đến cây cỏ cũng cháy xém, những người dân chân chất ở Tân Hiệp (xã Ninh Thượng, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) luôn khát khao những cơn mưa mát lành.

Người dân Ninh Thượng vừa làm đồng vừa phải quan sát trời
Người dân Ninh Thượng vừa làm đồng vừa phải quan sát trời

Nhưng rồi, chính những cơn mưa bất chợt lại gây ra nỗi đau thương mất mát khi cướp đi sinh mạng của nhiều người bởi những tia sét kinh hoàng.

Cuộc sống bị đảo lộn

Tia sét xé toạc chiếc lán che nắng rìa đồng lúa làng Tân Hiệp, cướp đi sinh mạng người con trai tráng kiện dù đã trôi qua nhiều năm nhưng giờ vẫn hằn nguyên nỗi kinh hãi trong lòng ông Nguyễn Văn Tùng. Ngước về phía nghĩa trang Ninh Thượng, nơi an nghỉ của con trai mình, ông buồn rầu nói: “Bám đất, bám đồi đã mấy đời rồi, xưa kia dẫu có khắc nghiệt nhưng chúng tôi canh tác cũng có cái ăn nên dứt áo đi nơi khác không đành. Nhưng giờ ở lại thì run lắm vì thời điểm này mưa nhiều, sấm sét dữ dội bủa xuống làng”.

Vào mùa mưa, nghe dự báo thời tiết kỹ càng nhưng bước ra đồng ruộng là người dân ở Ninh Thượng luôn trong trạng thái tay làm, chân bước, mắt ngước lên trời.

Mấy lần vấp ngã, suýt lao cả người vào lưỡi máy cày, nhưng anh Lê Tám ở làng Tân Hiệp vẫn không thay đổi thói quen. Anh lý giải: “Thói quen ấy ẩn họa nhiều hiểm nguy, biết đấy nhưng mưa gió ngày càng bất chợt. Mấy bạn tôi chỉ vì lơ đễnh, chủ quan với một đám mây đen nhỏ mà bị sét giáng xuống, ngã vật ra chết thảm lắm.

Ngày nắng thì đất đai khô cằn không trồng trọt được nên mùa mưa thì tranh thủ làm nhưng làm trong nỗi phập phồng. Có thời điểm, âm u suốt, không biết mưa lúc nào, cứ phải ngước mắt ‘canh trời’ liên tục nên sơ ý bị tay cầm của máy cày thụi vào ngực, vào mặt, rách da, gẫy cả răng. Dính những xây xước khi vừa lao động, vừa phải quan sát màu trời, hướng gió trong trạng thái sẵn sàng chạy vắt chân lên cổ xảy ra thường xuyên với người Ninh Thượng.

Bà Nguyễn Thị Yến 65 tuổi ở làng Tân Hiệp từ nhỏ, kinh nghiệm nhiều nhưng có lúc còn bị sét đánh... xém trúng. Nỗi kinh khiếp chợt ùa về trong kí ức, bà Yến bảo thật quá hãi hùng. Hầu hết các vụ sét đánh đều xảy ra ngoài ruộng, trên rẫy, trên đồi nên có ngày hàng trăm người vừa đặt chân xuống đồng lại phải lật đật băm bổ chạy về khi thấy mây đen kéo tới. Có người chạy chậm, trú ở đâu đó ngoài đồng chẳng may bị sét đánh tử vong. Do đó, cứ có dấu hiệu đổ mưa là khắp nơi nháo nhác cả lên.

Cuộc sống đã khó khăn lại thêm phần đảo lộn. Người ra đồng là vậy, người ở nhà cũng chả được yên lòng, nỗi hoang mang lan từ nhà này sang nhà khác. Vừa thấy có luồng gió mạnh lùa qua khe cửa, đang nằm bẹp trên giường vì bệnh viêm phổi, ông Lê Văn Trung ở thôn Đồng Xuân cũng gượng bật dậy như một phản xạ đã lập trình sẵn. Sau vài phút quan sát, ông thở phào lẩm bẩm, chắc là gió mát chứ không phải gió báo hiệu mưa. Nếu gió báo hiệu mưa là phải hô hoán cho trẻ con chơi hay chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng lao về ngay.

Những cảnh đau lòng

Những cuộc tiễn đưa thấm đẫm nước mắt những người nông dân chất phác, cần mẫn mà ít phút trước vẫn còn oang oang nói cười mà giờ đã vĩnh viễn lìa trần khiến nhiều người chết hụt tự an ủi, mình vẫn còn may.

Chị Tô Thị Minh Lâm may mắn sống sót sau khi bị sét đánh

Cũng vào những ngày tháng 10 Dương lịch cách đây không lâu, khi cơn mưa chuẩn bị đổ xuống, bỏ lại quang gánh và dụng cụ nhưng chị Tô Thị Minh Lâm vẫn bị sét giáng xuống người, chị chỉ kịp thét lên rồi

ngã nhúi xuống ruộng. Không bị cướp đi mạng sống nhưng chị Lâm phải gánh hàng loạt di chứng, sau khi được cứu chữa ở bệnh viện như: Thủng màng nhĩ, thương tổn ở ngực, suy nhược thần kinh. Mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc ấy, nỗi kinh hoàng vẫn còn trên khuôn mặt chị.

Điều khiến nhiều người dân Ninh Thượng may mắn chưa bị sét đánh, cũng như những người bị sét đánh nhưng không chết, nỗi ám ảnh vẫn luôn đeo đẳng, bởi sét ở Ninh Thượng rất lợi hại và bất ngờ. Có khi mấy hạt mưa chỉ vừa nhỏ xuống thì sét đã đánh nát nhiều vật nuôi lẫn máy móc ngoài đồng ruộng.

Theo UBND xã Ninh Thượng, thường lệ, tháng 10 Dương lịch thường có nhiều cơn mưa tưới tắm mát xanh cho đồng ruộng nhưng cũng mang theo rất nhiều sấm sét. Bị sét “viếng thăm” nhiều nhất là thôn Tân Hiệp và Đồng Xuân. Có căn nhà bề thế giữa đồng bị cũng sét đánh sập, bò mộng đang gặm cỏ cũng chết tươi trong chớp mắt.

Khu nhà của HTX Tân Hiệp, nơi xảy ra trận sét đánh định mệnh khiến hơn 10 người thương vong,
Khu nhà của HTX Tân Hiệp, nơi xảy ra trận sét đánh định mệnh khiến hơn 10 người thương vong, 

Mỗi lần nhìn ra căn nhà của HTX Tân Hiệp, ký ức về ngày đau thương lại trỗi dậy trong tâm trí những người dân ở Ninh Thượng. Đó là buổi chiều mùa hạ năm 2014, hơn 20 nông dân đang tất bật đảo lúa trên sân phơi của HTX để kịp bán cho thương lái thì trận mưa trái mùa ập đến. Chưa kịp thu gom lúa thì những tiếng nổ kèm tia sét lóe lên, một góc mái nhà của HTX sụp xuống, ngói rơi lả tả. Dăm người chạy thoát, một người tử vong tại chỗ, hơn 10 người bị thương nặng. Các y, bác sĩ ở BV đa khoa Khánh Hòa căng mình cứu chữa suốt nhiều ngày đêm nhưng những người may mắn sống vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đớn đau vì những di chứng quá nặng nề.

Là nạn nhân may mắn sống sót sau trận sét đánh định mệnh ấy nhưng đến nay, cứ trở trời thì toàn thân của chị Lê Thị Ngọc Hạnh lại ê ẩm, đầu óc như có người lấy búa đập vào. Chị cho biết: “Chạy chữa mãi nhưng không khỏi được, một phần cũng do điều kiện eo hẹp, còn nghèo. Ai bị chết hụt trong trận đó và những trận khác cũng như tôi cả. Trí nhớ suy giảm, tay chân hay bị co rút, xương khớp đau và hay choáng lắm. Giờ cứ nhìn ra chỗ HTX Tân Hiệp là thấy giật mình”.

Theo ông Lê Văn Thành và nhiều người dân sống quanh HTX Tân Hiệp, trận sét đánh lịch sử ấy nhanh và tai hại đến mức chỉ có thể “mọc cánh” may ra mới thoát được. Ông Thành nhớ lại: “Nhanh lắm. Đang nắng, trời trong xanh mà thoáng cái đã xám xịt, tiếng nổ giáng xuống luôn khiến cả làng bất an suốt nhiều ngày tháng”.

Niềm mong mỏi

Không may mắn như chị Hạnh và nhiều người “sét đánh không chết” khác, anh Trần Văn Ch. ở làng Đồng Xuân sau khi chết hụt phải đi lại bằng nạng gỗ, một bên chân đét lại như cành củi khô, chỉ quanh quẩn ở nhà.

Đau đớn thể xác là vậy nhưng anh Ch vẫn luôn bùng cháy khát vọng một ngày không xa sẽ có các đoàn nghiên cứu khoa học hay chính quyền có biện pháp giúp chống sét cho địa phương để không còn những cái chết đau thương nữa. Nhưng mong mỏi mãi rồi mà chả thấy thành hiện thực.

Nhìn những đứa trẻ con cũng phải tập thói quen vừa đi đường vừa nhìn trời như người lớn mà thương lắm. Có nhà ky cóp mấy năm mới mua được con bò kéo, sét đánh nát, coi như điêu đứng. Thịt bò cũng chả ai dám ăn. Trong nhiều trận bị sét “lùa” theo, cũng vì xót của, muốn dẫn cả trâu, bò về nhà luôn nên có người chạy chậm, trúng sét mà chết.

Không chỉ người dân mà cả lãnh đạo xã Ninh Thượng cũng mong muốn được đón các nhà khoa học về khảo sát nghiên cứu, xây dựng hệ thống chống sét bài bản cho địa phương.

Ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Ít năm trở lại đây đã có hàng chục người tử vong vì sét đánh rồi, chủ yếu là lao động chính khiến cho đời sống người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều vật nuôi, tài sản cũng bị sét đánh nát. Địa phương cũng phản ánh nhưng chưa thấy ai đến khảo sát hay làm gì cả, vẫn cứ phải mong vậy. Để giải quyết tình huống cấp bách trước mắt thì xã đã tuyên truyền đến từng gia đình là thấy trời sắp mưa thì phải về nhà ngay, càng nhanh càng tốt. Nếu không chạy về kịp thì cũng không nên trú trong những gốc cây to, đứng gần những trụ sắt, thép, những chiếc máy cày… Nếu có mang theo điện thoại thì nên nhanh tay tắt nguồn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.