Một điểm phơi lá nhàu khô để bán cho thương lái ở Cà Mau. |
Nhiều ngày qua, người dân ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau) đua nhau hái lá, nhánh và đọt cây nhàu tươi bán cho các vựa thu gom ở địa phương với giá trên dưới 4.000 đồng một kg.
Chủ cơ sở thu mua ở xã Tân Lộc cho biết, do thương lái đặt mua nên gia đình thu gom hàng của người dân trong và ngoài địa phương bán lại.
"Một kg lá nhàu khô được bán với giá 120.000 – 150.000 đồng tùy loại. Để có 200 kg lá khô, cơ sở phải thu gom khoảng một tấn lá nhàu tươi", chủ cơ sở nói và cho biết, không biết các thương lái thu gom lá nhàu khô để làm gì, chỉ biết họ xuất bán lại cho các công ty ở nước ngoài.
Bên cạnh việc nhiều người phấn khởi đi tìm loài cây mọc dại trong tự nhiên này để bán, cũng có nhiều người tỏ ra lo lắng trước tình trạng khai thác vô tội vạ cây nhàu như hiện nay.
Ông Đinh Đức Thiệu, hộ dân trong xã Tân Lộc khẳng định, cây nhàu sau khi bẻ lá, nhánh và đọt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, trước đây thương lái chỉ thu mua trái nhàu với giá 8.000 - 15.000 đồng mỗi kg, nhưng giờ chuyển sang mua lá.
Theo ông Lâm, cây nhàu vốn sống trong tự nhiên không được trồng như các loại cây khác. Nếu người dân tận dụng đất trống ở bờ vuông tôm trồng nhàu bán trái, nhằm tăng thu nhập thì tốt.
"Chúng tôi chỉ sợ bà con thấy thương lái mua sản phẩm này giá cao mà chặt bỏ các loại cây đang có để trồng nhàu thì rất nguy hại", ông Lâm nói và cho biết, đã chỉ đạo các địa phương theo dõi việc thu mua của thương lái để có hướng xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Cây nhàu hay còn gọi cây ngao, nhàu núi, giầu... cao chừng 6 - 8 m, thân nhẵn, thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp, dọc bờ sông, bờ suối, xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam.
Theo dân gian, các sản phẩm từ nhàu có tác dụng dễ tiêu, nhuận tràng làm thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới, ho cảm, hen, đau gân, đái đường; nướng chín ăn để chữa lỵ, chữa nhức mỏi, đau lưng...