Từ những câu chuyện thật đẹp về guốc mộc năm xưa, một cô gái ở Hà Nội đã “nối dài” truyền thống, đưa guốc mộc hiện diện trở lại trong đời sống thường ngày.
Để vật dụng cũ thêm một lần “sống”
Bắt đầu từ dự án “AmReborn - Tôi tái sinh”, nhà thiết kế trẻ Hoàng Lily (Hoàng Huệ), sinh năm 1991 tại Hà Nội với ý tưởng trở về với truyền thống, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường để tái hiện lại những kỷ vật thời trang của thế hệ trước, tái sinh chúng thành những món quà hiện đại.
Dự án “AmReborn - Tôi tái sinh” với slogan: “Mỗi vị khách là một nhà thiết kế”, được triển khai từ tháng 3/2021. Sau hơn 3 năm thực hiện, dự án đã thu hút được đông đảo những người yêu mến thời trang, và lan tỏa nét văn hóa xưa cũ tới cộng đồng nhờ những thiết kế tái chế - thân thiện - nghệ thuật.
Sản phẩm đầu tiên khi khởi động dự án là chiếc áo lông của một nữ khách hàng gửi đến. “Đó là chiếc áo lông của người cha đã mất 10 năm. Chị khách hàng muốn tôi tái chế chiếc áo ấy thành những vật dụng, có thể dễ dàng mang theo bên mình, để luôn nhớ về người cha. Sau đó, tôi đã tái chế thành một chiếc túi độc bản”, nhà thiết kế Hoàng Lily cho biết.
Cứ thế, dự án ngày càng phát triển nhờ những ý tưởng tái chế độc đáo để cho ra những sản phẩm độc bản, đậm cái tôi và giàu bản sắc. Ngoài những nét vẽ tay, chỉ thêu, họa tiết và phụ kiện được thiết kế tinh tế, những vật dụng tái chế luôn được giữ nguyên nét văn hóa ban đầu, để khi trở thành vật dụng mới, có thể phô bày vẻ đẹp thời gian.
“Trong AmReborn, thì “Am – tôi là” chính là sự khẳng định đặc sắc cái tôi, thể hiện sự khác biệt vốn có của mỗi con người. Không ai sinh ra là giống nhau, mỗi “tôi là” một khác biệt thú vị. “Reborn – nghệ thuật tái chế”, bên trên sự tồn tại vật lý, đó là vẻ đẹp nghệ thuật của sự tái chế, chúng tôi muốn thổi sức sống vào đồ vật bị vứt bỏ để chúng thêm một lần tái sinh”, Hoàng Lily chia sẻ.
Chương trình hoạt động chưa lâu, thì một bệnh nhân ung thư đã gửi tới cửa hàng của Hoàng Lily nhiều đồ cũ còn sử dụng được với lời nhắn rằng: “Gửi em để thay đổi vòng đời cho những bộ quần áo cũ. Chị không cần nhận lại đồ mới mà chỉ muốn chia sẻ tới những người khác cần hơn”. Từ đó mà dự án “Trao đồ cũ - Nhận túi mới” ra đời với sự cộng tác nhiệt tình từ những sinh viên nghèo và những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội.
Qua những thiết kế từ đôi bàn tay khéo léo của Hoàng Lily, những vật dụng cũ từ chăn, quần áo, túi xách, giày dép… đều trở nên đặc biệt và khiến nhiều người mê mẩn. Trong một lần đến xem hàng, một khách hàng thấy những chiếc áo dài được tái chế từ vải cũ, đã ngỏ ý giới thiệu cách phối áo dài với guốc mộc.
Và cũng từ lời ngỏ ý này, một ý tưởng tuyệt vời đã nảy ra: Tái sinh guốc mộc, đem guốc mộc xưa trở lại và vững vàng hiện diện trong đời sống đương đại, để văn hóa xưa được tỏa sáng, để truyền thống khẳng định được vai trò nền tảng đối với sự phát triển chung của xã hội.
Guốc mộc đi giữa hiện đại
Cùng với áo dài, nón lá, guốc mộc từ xa xưa đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt. Nhưng để thực sự hiểu vẻ đẹp ấy, Hoàng Lily đã phải đi nhiều nơi, đến nhiều ngôi làng để tìm hiểu cặn kẽ những gì còn lại của guốc mộc. Ở làng Yên Xá, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), nhà thiết kế trẻ đã thực sự tìm thấy “nguồn tài nguyên” văn hóa đa dạng.
Cùng với làng Triều Khúc, làng Yên Xá cũng làm sợi, dệt, quai nón và đặc biệt là guốc mộc. Từ ngôi làng này, Hoàng Lily biết được bí quyết hoàn thiện một đôi guốc mộc với hai công đoạn chính là làm khuôn guốc (đế guốc) và chế tác quai guốc. Khuôn guốc có thể làm bằng bất kỳ loại gỗ nào nhưng thông thường sẽ chọn bằng gỗ xoan, gỗ mít hoặc gỗ hương.
Để có những chiếc khuôn guốc với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau, Hoàng Lily tìm đến sự giúp đỡ của nghệ nhân Trương Công Đức - người cuối cùng của làng Yên Xá giữ nghề làm guốc mộc; phần quai guốc sẽ do chính tay Hoàng Lily và đội ngũ dự án AmReborn thực hiện, chọn lựa.
“Trước đây, quai guốc được người thợ thiết kế đơn giản, chỉ là một cái quai ngang trơn nhằm giữ bàn chân, không có họa tiết hay màu sắc gì. Tuy nhiên, muốn đưa sản phẩm hiện diện trong đời sống hiện đại thì không thể để nguyên bản guốc mộc năm xưa. Ngoài kiểu dáng được đa dạng hóa, thì các họa tiết và cách thiết kế quai ngang cũng phải đặc sắc”, Hoàng Lily cho hay.
Từ những đôi guốc đầu tiên được trưng bày trong cửa hàng, cho đến nay guốc mộc của Hoàng Lily đã thực sự trở thành một món quà độc đáo và sang trọng, khiến nhiều người trẻ yêu thích.
Hoàng Lily kể rằng, có lần cửa hàng được đón tiếp PGS.TS Đỗ Thị Hảo (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội và là đồng tác giả cuốn sách “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội”). Đứng trước vị chuyên gia văn hóa, nhà thiết kế trẻ không khỏi “rén”. Tuy nhiên, nhờ sự khích lệ của vị chuyên gia này mà cô gái trẻ đã tự tin hơn trên hành trình tái sinh guốc mộc.
Để guốc mộc hiện diện và “sống được” trong đời sống đương đại, Hoàng Lily cũng tìm cho guốc mộc những câu chuyện của văn hóa và lịch sử. Để từ đó, guốc mộc không đơn thuần chỉ là câu chuyện tái chế vật liệu, giảm thiểu rác thải và ô nhiễm, mà còn là câu chuyện của văn hóa, của truyền thống; để những người trẻ thêm hiểu và yêu hơn những gì thuộc về di sản – ngay cả khi, chúng chỉ là tiếng lộc cộc của đôi guốc mộc vọng về từ thuở xa xưa.
“Làm guốc mộc và các sản phẩm tái sinh, tôi thấy chính bản thân mình cũng được tái sinh, và trưởng thành hơn từ những câu chuyện xưa cũ. Riêng với guốc mộc, mặc dù làm hoàn toàn bằng gỗ mới, và ngay cả với quai cũng mới nhưng bản thân cái tên gọi guốc mộc đã mang hàm ý tái sinh. Vì guốc mộc đã có từ thời cha ông, đã từng nâng bước bàn chân của người Việt, đã từng phổ biến và đã từng bị lãng quên, để rồi bây giờ lại được hiện diện trong chính sự lãng quên ấy” - Nhà thiết kế Hoàng Lily.