Bảo tồn và lan tỏa văn hóa truyền thống không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, mà còn có vai trò tiên quyết trong quá trình hội nhập quốc tế. Đặc biệt, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa…”.
Minh họa sử thi dân tộc mình
Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh việc giữ vững giá trị văn hóa mang tính bản sắc dân tộc, đưa văn hóa trở thành động lực nội sinh, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới… có trách nhiệm rất lớn của thế hệ trẻ, những người được thụ hưởng nhiều giá trị văn hóa, đồng thời là những người có khả năng sáng tạo lớn nhất, tạo ra những sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Phát triển công nghiệp văn hóa là nội dung quan trọng, một nhiệm vụ cấp bách trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã ban hành ngày 12/11/2021.
Theo đó, Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện nhằm thu hút cao nhất các nguồn lực trong xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác các yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa, đồng thời gắn công nghiệp văn hóa với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Trong nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của người trẻ được coi là nguồn nhân lực lâu dài, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa. Người trẻ cũng là lực lượng nhạy bén, sáng tạo các sản phẩm văn hóa dựa trên “nguồn vốn” sẵn có từ truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Thời gian gần đây, cùng với hoạt động sáng tạo chuyên nghiệp, công chúng được chứng kiến sự xuất hiện nhiều sản phẩm văn hóa từ những người trẻ, từ học sinh - sinh viên. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp đồ họa - với những nét vẽ minh họa đầy sinh động, đặc sắc của những người trẻ về vấn đề lịch sử - văn hóa truyền thống.
Mới đây, giới những người yêu mến văn hóa Mường bàn luận nhiều về đồ án minh họa về sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của Bùi Xuân Quỳnh - một cô gái trẻ người dân tộc Mường. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” không chỉ là niềm tự hào của người Mường, mà còn là kho báu trong kho tàng văn học Việt Nam.
Sử thi kể cho con cháu nghe về cuộc sống cha ông từ thuở khai thiên lập địa, được coi là bách khoa toàn thư về phong tục của người Mường. Ở đó lịch sử người Mường được tái hiện qua trí tưởng tượng trong trẻo, hồn nhiên, khoáng đạt đến kì lạ. Tác phẩm được bảo tồn và lưu truyền dưới hình thức truyền miệng, tập trung đầy đủ nhất dưới hình thức “mo” - hát cúng.
Tình yêu và tinh thần lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc là khởi nguồn để Xuân Quỳnh thực hiện đồ án minh họa sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Những nét vẽ minh họa cũng là cái nhìn sáng tạo của cô gái Mường dựa trên những nét truyền thống sẵn có. Để thể hiện tính chất thần thoại huyền bí của bộ sử thi, Xuân Quỳnh chọn phong cách trang trí ước lệ, kết hợp nét và mảng.
Từ màu sắc, họa tiết tham khảo hoa văn trên trang phục, đền thờ người Mường, hoa văn trên trống đồng, vật dụng thường ngày cho đến tạo hình nhân vật quan lang, tạo hình nữ nhân trong tranh dân gian… đều được Xuân Quỳnh ước lệ dựa trên những đặc trưng truyền thống chưa từng bị phai nhạt, tiếp biến.
Tác phẩm của Quỳnh chia thành chương hồi, bên cạnh những nét tạo hình ngộ nghĩnh lại là sự nghiêm cẩn của tính chính xác trong trang phục, lễ phục và nghi lễ. Đồng thời cũng không quên những dòng tóm lược kể về sự tích trong bộ sử thi. Nhìn những hình vẽ, đọc những dòng chú thích ngắn ấy… người xem dễ nhập tâm, dễ nhớ về từng thời kỳ trong hành trình “đẻ đất đẻ nước” của người Mường.
Phỏng dựng hát Bội trên chữ cái của Phương Vy. |
Đa dạng ý tưởng phát triển văn hóa
Trước sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của Xuân Quỳnh, nhóm ba sinh viên Minh Thảo, Lê Vũ Huyền Trân và Đặng Thảo Nhi (K13, K14 chuyên ngành Thiết kế đồ họa, ĐH FPT Cần Thơ) cũng công bố “Đồng bào Việt phục” - đồ án tốt nghiệp được phát triển thành dự án văn hóa - lịch sử.
“Đồng bào Việt phục” là dự án sách kết hợp với công nghệ thực tế ảo tăng cường AR (augmented reality), minh họa trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Trong đó, mỗi trang sách không chỉ mang đến các bộ nam phục và nữ phục truyền thống của từng dân tộc, mà còn cung cấp thông tin chất liệu, họa tiết, ý nghĩa văn hóa.
Cùng với “Đồng bào Việt phục”, Trần Mỹ Ngọc lại phát triển đồ án tốt nghiệp Khoa Thiết kế Đồ họa - Trường Đại học Kiến trúc TPHCM tập thơ tranh Ký Mộng về Truyện Kiều. Artbook Ký Mộng hiện lên những sắc màu vừa trang đài vừa gợi nét hư ảo trầm mặc.
Nhân vật Kiều được thể hiện cách điệu qua trang phục áo dài truyền thống, vải gấm màu đỏ có hoa văn trang nhã, áo cổ cao, búi tóc, khăn đóng, cổ đeo kiềng bạc, có hoa tai, sử dụng đàn tì bà…
Artbook 'Hành trình Đông A' của Trần Tuyết Hàn. |
Cũng từ đồ án tốt nghiệp, Nguyễn Phương Vy - sinh viên Đại học Mỹ thuật TPHCM lại phát triển thành dự án Bội Tự - phỏng dựng nghệ thuật hát Bội thông qua 22 chữ cái. Ví dụ, chữ H được diễn giải trang phục “hia” - giầy cổ đứng, đế cong hình bán nguyệt.
Chữ K được lựa chọn giải nghĩa “kép” - từ dùng để chỉ người đàn ông ca hát trên sân khấu. Chữ M đại diện cho “mão” - vật dụng dùng cho hầu hết các nhân vật trong hát Bội với hình ảnh được uốn cong, tô vẽ bắt mắt.
Từ ý tưởng Artbook, Trần Tuyết Hàn lại minh họa “Hành trình Đông A” đưa công chúng về 800 năm trước, chứng kiến thời khắc Hội nghị Diên Hồng, gặp danh tướng Trần Hưng Đạo, xem các trận đánh nổi tiếng Đông Bộ Đầu, Bình Lệ Nguyên, Bạch Đằng…
Có thể nói các tác phẩm đồ họa - minh họa có sức hút mạnh mẽ công chúng tiếp cận và cùng lan tỏa giá trị văn hóa. Ở lĩnh vực này, người trẻ chiếm đại đa số chủ thể sáng tạo. Từ các minh họa truyện, sử thi, hoạt hình cho đến lịch sử - văn hóa - nghệ thuật… đều được người trẻ sáng tạo đầy công phu dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống.