Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc từ phế liệu

GD&TĐ - Từ những sản phẩm như đũa dùng 1 lần, bìa carton, đất sét, mùn cưa, vải vụn… qua bàn tay kỳ diệu của các em học sinh Trường THPT Kim Ngọc đã trở thành “mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu”. Đề tài đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022.

Một sản phẩm được làm bởi nhóm học sinh Trường THPT Kim Ngọc.

Một sản phẩm được làm bởi nhóm học sinh Trường THPT Kim Ngọc.

Trách nhiệm với cộng đồng

Nhịp sống hiện đại, đặc biệt quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã mở ra những cơ hội giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc và giữa các vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, văn hóa các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ bị mai một. Một số giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bị biến đổi, thậm chí mất đi. Trong đó, điều đáng lo ngại nhất là một bộ phận lớp trẻ không còn mặn mà với các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Do đó, rất cần những giải pháp để bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống nói chung và giá trị văn hóa của người dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

Với tình yêu, đam mê nghiên cứu lịch sử địa phương, từ những sản phẩm thân thiện với môi trường như: Tấm gỗ ép từ mặt bàn đã hỏng, đũa qua 1 lần sử dụng, rơm, bìa carton, đất sét, màu vẽ, giấy thủ công, vải quần áo cũ, chỉ màu, đèn led, mùn cưa, keo dán..., nhóm học sinh lớp 12A Trường THPT Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên) do em Bằng Lâm Đức Anh làm trưởng nhóm đã nghiên cứu, phục dựng mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Mô hình minh họa một cách sinh động nhất về đời sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Qua đó, học sinh có thêm cách tiếp cận mới khi học Lịch sử văn hóa địa phương. Đồng thời, vun bồi tình yêu quê hương đất nước, biết trân trọng và phát huy văn hóa truyền thống quê hương, có trách nhiệm với cộng đồng…

Nhóm nghiên cứu phục dựng mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Nhóm nghiên cứu phục dựng mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Gìn giữ nét đẹp quê hương

Để phục dựng được mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu, ngoài nghiên cứu tài liệu, sách, báo, Đức Anh và các bạn trong nhóm đã trực tiếp đi gặp các nghệ nhân để tìm hiểu về phong tục, tập quán của người dân nơi đây.

Sau khi nắm vững kiến thức cơ bản và hiểu rõ bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc, các em đã lên ý tưởng phục dựng mô hình với các thiết chế văn hóa cơ bản như: Trang phục, nhà ở, phong tục thờ cúng, văn hóa…. Sau đó nhóm quay phóng sự, dựng video và làm mã QR code có chứa các video minh họa từng nội dung trong mô hình để giúp người sử dụng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về đời sống, phong tục tập quán của người Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc.

Với sự sáng tạo mang đậm ý nghĩa nhân văn, giáo dục “Mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa phong tục tập quán đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc” được lựa chọn làm đạo cụ sử dụng trong các tiết học giáo dục lịch sử địa phương và hoạt động ngoại khóa của học sinh. Mô hình cũng có thể nhân rộng, áp dụng cho các khu du lịch trọng điểm, nhà truyền thống, bảo tàng hay không gian văn hóa để lan tỏa giá trị văn hóa bản sắc dân tộc Sán Dìu đến với mọi người.

Đồng hành cùng nhóm, cô Dương Thị Vĩnh Thạch, Trường THPT Kim Ngọc chia sẻ: Đức Anh và nhóm học sinh tham gia dự án rất đam mê nghiên cứu, đặc biệt là văn hóa dân tộc Sán Dìu. Là người dân tộc nên Đức Anh có nhiều ý tưởng liên quan đến vấn đề bảo tồn văn hóa. Khi tham gia cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng cấp trường, em trình bày dự án nhưng cách diễn đạt không rõ và chưa đưa ra sản phẩm cụ thể.

Thấy ý tưởng tốt nên cô Hiệu trưởng Phan Thị Hằng Hải đã phân công cô Vĩnh Thạch đồng hành cùng các em để phát triển thành sản phẩm dự thi. “Trong quá trình hướng dẫn, tôi luôn tôn trọng ý tưởng sáng tạo của học sinh. Sau khi nghe ý tưởng, cô trò họp lại để chốt các sản phẩm như thế nào”, cô Thạch chia sẻ đồng thời cho hay: Để ra được sản phẩm hoàn hảo, cô, trò đã trải qua nhiều thất bại và nhiều lần phải thay đổi kích cỡ, ý tưởng. Tất cả mô hình làm ra, các em đều phải đi thực tế và xin ý kiến các nghệ nhân.

“Trong quá trình làm việc cùng học trò, tôi nảy sinh ra ý tưởng đưa các mã QR vào để người xem khi quét mã sẽ biết thêm thông tin. Trường THPT Kim Ngọc trước đây là Trường Dân tộc nội trú nên dự án này như là một món quà nên cả cô và trò rất tâm huyết. Đồng thời, chúng tôi mong dự án này được phát triển hơn nữa để gìn giữ nét văn hóa của người Sán Dìu”, cô Vĩnh Thạch bày tỏ.

Tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 do Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan tổ chức, dự án được Ban tổ chức trao giải Nhất. Chia sẻ về dự án, Đức Anh bộc bạch: “Là người Sán Dìu (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc), em thường xuyên được tiếp xúc với văn hóa truyền thống. Khi tham gia đội tuyển Lịch sử của Trường THPT Kim Ngọc em càng đam mê với bản sắc dân tộc. Từ kiến thức của thầy cô trên lớp kèm theo thông tin tìm hiểu trong sách, qua mạng, em và các bạn nung nấu ý tưởng và thực hiện dự án này nhằm góp phần quảng bá nét đẹp của dân tộc Sán Dìu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Đặng Khắc Bình (thứ 4 từ phải sang) chụp hình kỷ niệm cùng học trò. Ảnh: NVCC

Vần thơ xanh thầm

GD&TĐ - Khi tôi viết những dòng này thì thầy đang phải vận lộn chiến đấu để chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác.

Những bạn lịch bàn cần mẫn nhắc lịch trình. Ảnh: Bình Thanh

Người bạn nhắc thời gian cần mẫn

GD&TĐ - Mỗi dịp năm cũ chuẩn bị hết và năm mới sắp đến, cơ quan luôn tặng mẹ tôi rất nhiều bạn lịch treo tường, để bàn để sử dụng trong năm mới.