Nhóm sinh viên bảo tồn nét đẹp văn hóa tượng nhà mồ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Nhóm sinh viên tại TPHCM đã tìm hiểu, nghiên cứu và tổ chức triển lãm “Động… Tượng” trong trường học.

Phụ huynh, học sinh tham quan, tìm hiểu về tượng nhà mồ.
Phụ huynh, học sinh tham quan, tìm hiểu về tượng nhà mồ.

Tìm về văn hóa truyền thống

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Kon Tum, Lê Ngọc Minh Phương (SN 2001) sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương TPHCM - cựu học sinh Trường chuyên Nguyễn Tất Thành (TP Kon Tum) có cơ hội tìm hiểu các lễ hội văn hóa địa phương từ nhỏ.

Vào dịp nghỉ hè, Phương cùng bạn bè thường đến các ngôi làng ở Tây Nguyên chơi và thấy nhiều bức tượng nhà mồ đủ sắc thái. Tò mò, Phương hỏi bạn và người xung quanh về ý nghĩa các bức tượng nhưng không có thông tin rõ ràng, chính xác. Để tìm câu trả lời thỏa đáng, Phương đã “nung nấu” tìm hiểu để đưa tượng nhà mồ về đúng giá trị, gốc gác.

Nghĩ là làm, Phương kết hợp cùng các thành viên trong tổ chức YUU Organization triển khai chương trình “Bảo tồn thực hành văn hóa Tượng gỗ dân gian Tây Nguyên người Bahnar và Jrai”. Sở dĩ chọn YUU Organization cùng thực hiện “tâm huyết” bởi Phương biết đây là tổ chức trực thuộc Trung tâm tình nguyện Quốc gia; chuyên thực hiện các dự án hướng đến nhóm dân tộc ít người tại Kon Tum với 3 mảng: Giáo dục, văn hóa và sinh kế. Bảy năm qua nhóm đã có hơn 40 dự án thực hiện thành công.

Phương chia sẻ: “Các thành viên trong nhóm chủ yếu học tập tại TPHCM. Do đó để triển khai công việc, trong 6 tháng ròng rã, nhòm tận dụng tối đa thời gian được nghỉ để bắt xe từ TPHCM về Tây Nguyên, tìm đến 4 ngồi làng còn lưu giữ tượng nhà mồ và lễ bỏ mã ở Gia Lai, Kon Tum; tìm gặp trực tiếp những người già hiểu ý nghĩa tượng nhà mồ và văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Biết bao thách thức nhóm đã đối diện trong quá trình nghiên cứu thực tế”.

Phòng “Ẩn” giúp người xem hiểu được tầm quan trọng của lễ hội Pơ Thi và tượng nhà mồ trong đời sống tinh thần của người Bahnar và Jrai.

Phòng “Ẩn” giúp người xem hiểu được tầm quan trọng của lễ hội Pơ Thi và tượng nhà mồ trong đời sống tinh thần của người Bahnar và Jrai.

Tuy nhiên, Phương cho biết khó khăn nhất nhóm gặp phải đó là đồng bào dân tộc thiểu số không nói được tiếng phổ thông. Ngôn ngữ bất đồng trở thành rào cản để thu thập thông tin, nghiên cứu thực tế. Nhóm phải nhờ người phiên dịch từ tiếng dân tộc sang tiếng Việt rồi ghi chép, tìm hiểu, đối sánh.

Mặt khác, tư liệu về tượng nhà mồ không nhiều, nhóm cùng chia nhau tham khảo tài liệu trong sách, báo, kết nối nhờ hỗ trợ từ các nhà văn hóa dân gian để có thông tin đa chiều. Sau 6 tháng tìm hiểu, nghiên cứu… khi có được tư liệu về tượng nhà mồ tương đối dày dặn, nhóm quyết định tổ chức triển lãm “Động…Tượng” trong Trường Phổ thông Trung học Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum.

Lê Ngọc Minh Phương tâm sự, “Động… Tượng” là triển lãm bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật tượng gỗ dân gian của dân tộc Bahnar và Jrai tại 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Qua đó giới thiệu những nét đẹp văn hóa, những câu chuyện hấp dẫn, ý nghĩa về tượng nhà mồ đến các thế hệ tiếp nối và cộng đồng, trong đó đối tượng hướng tới đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Triển lãm được trưng bày trong 4 căn phòng, sắp xếp theo hình thức đối xứng tạo ra trải nghiệm riêng biệt khi đi ngược, xuôi giữa dòng thời gian của thực hành văn hóa tượng nhà mồ.

Lê Ngọc Minh Phương (áo sẫm) chia sẻ về những chuyến đi về làng, kiến thức đã được tìm hiểu về tượng nhà mồ cho các bạn học sinh.

Lê Ngọc Minh Phương (áo sẫm) chia sẻ về những chuyến đi về làng, kiến thức đã được tìm hiểu về tượng nhà mồ cho các bạn học sinh.

Theo đó, phòng 1 là “Khởi” giới thiệu sơ lược và tổng quan dân tộc Bahnar, Jrai cùng thực hành văn hóa tượng nhà mồ, nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ, văn hóa rừng, quan niệm cuộc sống...

Phòng 2 “Ẩn” đưa người xem về giai đoạn quá khứ thông qua nghệ thuật sắp đặt tượng và tranh ảnh. Từ đó, mọi người hiểu được tầm quan trọng của lễ hội Pơ Thi và tượng nhà mồ trong đời sống tinh thần người Bahnar và Jrai.

Phòng 3 “Kết” mở ra câu hỏi và các thách thức mà lễ hội Pơ Thi và tượng nhà mồ đang phải đối mặt. “Kết” buộc người xem có thêm suy nghĩ về việc bảo tồn và lưu trữ những giá trị văn hóa đang dần mai một.

Cuối cùng là “Hiện” đưa người xem đến không gian ứng dụng tượng gỗ Tây Nguyên trong giai đoạn hiện tại nhằm nhấn mạnh sự thay đổi và kêu gọi sự đồng hành, phản hồi của người xem về cách thức thực hành nghệ thuật tượng gỗ.

Học sinh tìm hiểu về ý nghĩa của tượng nhà mồ qua chia sẻ của những nghệ nhân, người đam mê văn hóa truyền thống.

Học sinh tìm hiểu về ý nghĩa của tượng nhà mồ qua chia sẻ của những nghệ nhân, người đam mê văn hóa truyền thống.

Bổ trợ Giáo dục địa phương

Minh Phương cũng cho biết, nhóm quyết định tổ chức triển lãm tại Trường Phổ thông Trung học Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum nhằm đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với học sinh (đặc biệt học sinh dân tộc thiểu số). Từ đó, giúp các em, hiểu và yêu văn hóa của dân tộc, có ý thức, hành động bảo tồn, phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống trên quê hương.

Phương chia sẻ thêm, quyết tâm mở triển lãm “Động… Tượng”, bởi nhóm mong muốn mở ra không gian đối thoại và thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ trong lĩnh vực thực hành văn hóa truyền thống. Hơn thế, triển lãm sẽ góp phần bổ trợ cho nội dung chương trình Giáo dục địa phương; mang đến ý tưởng sáng tạo, gần gũi để rút ngắn khoảng cách các thế hệ. Từ triển lãm, học sinh và giới trẻ sẽ tăng thêm niềm tự hào dân tộc, tình yêu bản sắc văn hóa truyền thống…

Dù sinh sống ở Kon Tum nhưng Bùi Phạm Bảo Ngọc (lớp 11B5, Trường THPT Kon Tum) chưa có nhiều cơ hội tham gia lễ hội văn hóa hay tìm hiểu về tượng nhà mồ. Ngọc bộc bạch: “Quá trình học ở trường, thầy cô có giới thiệu cho chúng em về tượng nhà mồ. Tuy nhiên, thời gian tìm hiểu ngắn nên kiến thức, hiểu biết của chúng em còn hạn chế. Đến với triển lãm “Động… Tượng”, em cảm nhận được cơ bản ý nghĩa, sự độc đáo của tượng nhà mồ nên thấy ấn tượng và thích thú. Về nhà em sẽ tìm hiểu thêm qua sách báo, mạng Internet, bảo tàng… để hiểu sâu hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống…”.

Tham quan triển lãm, cô Nguyễn Thị Xuân Hồng – giáo viên Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Du (phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum) cho rằng, chương trình “Động…Tượng” rất hay và ý nghĩa. Bởi mặc dù đã gần 50 tuổi và sinh sống ở Kon Tum từ lâu, nhưng bản thân cô ít có cơ hội được tiếp cận và tìm hiểu kĩ về văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Do đó, đây là dịp để cô được quan sát, nghiên cứu sâu sắc hơn nét đẹp của người dân trên mảnh đất mà mình đang sinh sống.

Cũng theo cô Xuân Hồng, “Động…Tượng” hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên trong quá trình giảng dạy Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là nội dung giáo dục địa phương. Sau khi trải nghiệm cô sẽ chụp hình, quay lại video để làm tư liệu trình chiếu cho học sinh xem. Nếu có cơ hội và điều kiện cô rất mong tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm. Bởi từ những quan sát thực tế sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức, văn hóa dễ dàng, đồng thời nâng cao khả năng sáng tạo, khám phá.

“Tôi rất ấn tượng và khâm phục vì lớp trẻ hiện nay vẫn yêu thích, gìn giữ và đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với mọi người. Thông qua đây tôi được biết nhiều hơn về văn hóa đời sống, ý nghĩa của những bức tượng nhà mồ. Tôi sẽ rủ thêm con gái đang học lớp 11 cùng người thân, bạn bè quay trở lại đây tiếp tục trải nghiệm. Từ đó, truyền cảm hứng đến mọi người phải biết gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của địa phương”, cô Xuân Hồng nói.

Cô Nguyễn Thị Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum) cho hay, thông qua buổi triển lãm nhà trường tổ chức cho hơn 100 học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế. Tại đây, học sinh có cơ hội tìm hiểu kĩ hơn về văn hóa truyền thống và học cách tạc tượng nhà mồ...

“Học sinh rất hứng khởi, thích thú khi tham quan, trải nghiệm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đối với chương trình GDPT 2018 đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Qua đây giáo dục học sinh hướng về cuội nguồn, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân Tây Nguyên. Nhà trường mong muốn sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa như vậy để học sinh được trải nghiệm, khám phá và yêu hơn nét văn hóa địa phương”, cô Hoàn nói.

“Nhà trường đang xây dựng kế hoạch lồng ghép giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc vào một số môn học... để nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện, giúp học sinh hiểu và phát huy vào cuộc sống. Do đó, triển lãm “Động… Tượng” càng trở nên ý nghĩa với thầy và trò nhà trường…”, Cô Hồ Thị Mai Lý - Phó Hiệu trưởng Trường PTTH DTNT tỉnh Kon Tum.

Triển lãm “Động… Tượng” tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, thực hành văn hóa thực tiễn. Qua đó bổ trợ kiến thức cho môn học Giáo dục địa phương đối với học sinh lớp 10; bồi dưỡng sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào truyền thống văn hóa lịch sử của Kon Tum. Mặt khác, giáo dục học sinh biết tôn trọng, giữ gìn và phát huy sự đa dạng văn hóa cộng đồng dân cư, văn hóa truyền thống tiêu biểu, chủ động đấu tranh phê phán các hành vi lạc hậu... - Cô Hồ Thị Mai Lý (Phó Hiệu trưởng Trường PTTH DTNT tỉnh Kon Tum)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ