Người tiêu dùng nên ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây

GD&TĐ - Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc, người dùng có thể biết được quá trình nuôi trồng, chế biến, vận chuyển của nhiều loại thực phẩm qua phần mềm QR code.

Người tiêu dùng tại Hà Nội có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh quét mã QR code trên thực phẩm để truy xuất nguồn gốc. Ảnh: UBND TP. Hà Nội.
Người tiêu dùng tại Hà Nội có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh quét mã QR code trên thực phẩm để truy xuất nguồn gốc. Ảnh: UBND TP. Hà Nội.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, mỗi tháng, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố khoảng 52.000 đến 55.000 tấn trái cây, trong khi đó, khả năng sản xuất mới đáp ứng được 30%, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng sử dụng hóa chất quá liều lượng, chất cấm, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh mục cho phép sử dụng, nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, giữ tươi lâu cho trái cây ngày càng nhiều đã gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Để kiểm soát vấn đề này, Thành phố đã có Kế hoạch 215/KH-UBND về triển khai thực hiện đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành”; Kế hoạch số 02/KH-UBND về duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) xây dựng, triển khai, vận hành “Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc trái cây, nông sản trực tuyến” tại một số cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi.

Hệ thống triển khai thí điểm đầu tiên đối với 82 ha “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Do quản lý tốt bằng tem truy xuất có xác thực nên dịp Tết Nguyên đán 2018, sản phẩm bưởi của Đan Phượng không bị trà trộn với các sản phẩm khác, giá bán tăng lên 10.000 đồng/quả.

Sau khi ứng dụng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc trái cây, nông sản trực tuyến, đến nay, đã có hơn 3.000 sản phẩm của 115 cơ sở sản xuất kinh doanh theo chuỗi nông sản an toàn tham gia hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode.

Bên cạnh việc lưu giữ thông tin sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, trang trại nông sản trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương, hệ thống sử dụng mã QRcode đã bắt đầu triển khai ở hệ thống siêu thị Fivimart và Công ty Thực phẩm sạch Big Green Việt Nam.

Đánh giá về hiệu quả của việc sử dụng mã QRcode trong truy xuất nguồn gốc trái cây, ông Nguyễn Tiến Hưn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Biggreen Việt Nam cho biết, tem QRcode sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp quản lý sản phẩm trên thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời nguy cơ hàng giả, hàng nhái thông qua từng hành vi quét mã QRcode của người tiêu dùng.

Đến năm 2020, Hà Nội sẽ đạt 100% chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội đạt 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, trong đó có trái cây trên địa bàn thành phố ứng dụng phần mềm sử dụng mã QRcode để truy xuất nguồn gốc; minh bạch thông tin đến người tiêu dùng; tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30-50%...

Để xây dựng được quy trình truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm trái cây, đòi hỏi người dân, doanh nghiệp sản xuất phải có giải pháp đồng bộ từ khâu tích tụ ruộng đất đến quy trình sản xuất, chế biến phải thống nhất; giống, vốn đầu tư, kỹ thuật canh tác; thu hoạch, bảo quản theo đúng yêu cầu.

Song song với đó, các nhà cung cấp dịch vụ tem điện tử cần nghiên cứu, cải tiến tem nhằm giảm giá thành, phù hợp với từng sản phẩm để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng. Đối với người tiêu dùng, khi mua sản phẩm trái cây trên thị trường, cần lựa chọn mặt hàng có nhãn mác, tem, logo xác nhận của doanh nghiệp và có những thông tin bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở đang đẩy mạnh rà soát, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận kiến thức ATTP với các cơ sở kinh doanh trái cây theo phân cấp quản lý. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra truy xuất nguồn gốc, trong đó trọng tâm là thu hồi và xử lý thực phẩm nông, lâm sản không bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương khuyến khích người tiêu dùng ứng dụng mã hình QR code để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây bằng các thiết bị di động. Đặc biệt, các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố chỉ nên nhập sản phẩm ở những vùng sản xuất an toàn, được cấp mã vạch, nhằm bảo đảm chất lượng.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.