Người 'thổi hồn' cho những điệu múa Tây Bắc

GD&TĐ - Để nhắc tên một nghệ sĩ múa có nhiều tâm huyết, sáng tạo tại Tây Bắc thì hẳn đó sẽ là NSƯT Lò Hải Lam.

NSƯT Lò Hải Lam hướng dẫn diễn viên luyện tập múa tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La. Ảnh: NVCC.
NSƯT Lò Hải Lam hướng dẫn diễn viên luyện tập múa tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La. Ảnh: NVCC.

Hoạt động sôi nổi trong các lĩnh vực biểu diễn, biên đạo múa, viết báo…, NSƯT Lò Hải Lam luôn mong muốn giúp công chúng hiểu hơn về văn hóa ở miền đất còn nhiều khó khăn này.

Một gia đình truyền thống

NSƯT Lò Hải Lam.

NSƯT Lò Hải Lam.

NSƯT Lò Hải Lam sinh ra trong một gia đình người Thái có truyền thống nghệ thuật ở Sơn La: Cha là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc Thái, mẹ là nghệ sĩ Lò Thị Dem - diễn viên Đoàn Văn công khu tự trị Tây Bắc (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La). Bà từng biểu diễn cho Bác Hồ xem năm 1959 trong lần Người thăm Tây Bắc.

Và, tổ ấm nhỏ của anh còn có 3 người theo nghệ thuật: Vợ là Nghệ sĩ Ưu tú của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La, con trai là nghệ sĩ múa tài năng của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng.

Mới đây, con trai anh cũng giành giải Nhì Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc năm 2023. Ngoài ra, đại gia đình anh còn có gần chục thành viên theo nghệ thuật.

Đó vừa là động lực, vừa là áp lực đối với NSƯT Lò Hải Lam. Thế nên, công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La, anh luôn say sưa, cố gắng, nỗ lực phát huy truyền thống gia đình. Gần 30 năm gắn bó với nghề, anh đã giành nhiều giải thưởng, huy chương.

Đặc biệt, anh là người duy nhất giành được liên tiếp Giải A cụm tác phẩm múa - Giải thưởng Văn học nghệ thuật lần thứ nhất (giai đoạn 2015 - 2018) và lần thứ hai (giai đoạn 2018 - 2021) tỉnh Sơn La.

Nếu có dịp xem những tác phẩm múa của NSƯT Lò Hải Lam dàn dựng có thể thấy anh đã cố gắng mang hết những gì được coi là tinh túy của văn hóa dân tộc Thái nói riêng và của 12 dân tộc Sơn La nói chung vào tác phẩm.

Anh lấy văn hóa bản địa làm nền tảng cho các tác phẩm của mình trên quan điểm: Đổi mới theo kịp thời đại nhưng cốt lõi vẫn phải giữ bản sắc, giữ được động tác cơ bản của dân tộc đó mà không quá lai căng.

“Là một nghệ sĩ múa, tôi luôn cố gắng đổi mới, sáng tạo để bắt kịp nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. So với các bộ môn nghệ thuật khác, múa có những đặc thù riêng, có cách biểu đạt khác với âm nhạc, văn học, sân khấu… Múa vận dụng hình thể cơ thể để lan truyền thông điệp. Các động tác phải nhịp nhàng, uyển chuyển, đẹp mắt, thu hút khán giả…”, anh bộc bạch.

Không ít trăn trở

Theo NSƯT Lò Hải Lam, nguy cơ mất dần bản sắc văn hóa dân tộc đang là một vấn đề khá nhạy cảm. Sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai với nhiều luồng khác nhau nhưng lại thu hút thị hiếu của một bộ phận người dân, đặc biệt giới trẻ.

Hệ quả gây ra là những lệch chuẩn về đạo đức, thẩm mỹ, chạy theo lối sống thực dụng, ưa chuộng các giá trị hào nhoáng bên ngoài, khuyến khích nảy sinh tư tưởng sính ngoại. Từ đó có thể tạo tâm lý quay lưng với những giá trị truyền thống, trong đó có múa dân gian dân tộc.

Nhiều tác phẩm múa giao lưu hiện nay không chỉ riêng thấy ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới mà ngay trung tâm thành phố cũng xảy ra tình trạng: Mở nhạc múa Thái nhưng lại múa Mông, nhạc múa Kinh lại múa Thái, múa Mông cầm ô nhưng mặc trang phục dân tộc Thái...

Nhiều bản nhạc múa Mông có tiết tấu nhanh, mạnh cùng động tác nhún nhảy lắc mông làm người xem khó hiểu… Các diễn viên thì cứ múa say sưa trên sân khấu, còn những nhà có chuyên môn thì lắc đầu, nhìn nhau...

Vẫn biết rằng, cái khó của cán bộ phụ trách văn hóa xã không có chuyên môn về nghệ thuật, không có người hướng dẫn để dàn dựng một tác phẩm múa, không phân biệt được nhạc, trang phục không mượn được nên thôi thì cứ mặc “tạm” vào để diễn…

“Quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ và triệt để làm nảy sinh hiện tượng đánh mất bản sắc, pha trộn văn hóa dẫn đến không phân định được đâu là yếu tố nguyên bản, đâu là kết quả tiếp biến văn hóa. Văn hóa gốc không thể tránh khỏi nguy cơ mai một bản sắc, thậm chí biến mất, nhất là đối với những nhóm dân tộc đặc biệt ít người”, NSƯT Lò Hải Lam trăn trở.

Mặt khác, nhiều tác phẩm múa chuyên nghiệp được phát triển từ điệu múa của các dân tộc trong vùng nhưng khi xem (nếu không phải là dân nghệ thuật) sẽ không hiểu đó là của dân tộc nào. Từ động tác, trang phục cho đến âm nhạc đều quá xa rời truyền thống. Trong khi múa không chuyên vẫn giữ được từ trang phục, động tác cho đến âm nhạc.

“Khi biên đạo, làm mới tác phẩm múa của dân tộc nào đó thì cái cốt lõi nhất cần phải giữ là âm nhạc – nó là linh hồn của múa. Sau đó mới đến động tác song phải được phát triển từ động tác cơ bản. Và trang phục múa cũng rất quan trọng, không phá cách quá đà, mất đi bản sắc. Bởi vậy, trước khi dựng tác phẩm múa của dân tộc nào thì phải hiểu và nắm rõ bản sắc văn hóa của dân tộc đó, từ đạo cụ, lễ hội, trò chơi dân gian…”, anh bày tỏ.

NSƯT Lò Hải Lam chụp ảnh cùng nghệ nhân tham gia 'Ngày hội sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc' năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: NVCC.

NSƯT Lò Hải Lam chụp ảnh cùng nghệ nhân tham gia 'Ngày hội sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc' năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: NVCC.

“Ươm mầm” văn nghệ địa phương

Bên cạnh công việc biểu diễn, dàn dựng, có một công việc mà NSƯT Lò Hải Lam luôn trách nhiệm, đau đáu, tâm huyết là tham gia tập huấn múa cho các đội văn nghệ ở cơ sở. Thông thường, mỗi lớp tập huấn kéo dài từ 7 đến 10 ngày, qua đó, giúp học viên nắm bắt thêm kiến thức cơ bản về múa để có thể áp dụng tại địa phương.

“Tôi dạy học viên những động tác cơ bản của các dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú..., sau đó dựng thành bài múa. Hiện nay, hầu hết bản nào cũng có đội văn nghệ, nhiều đội được đi giao lưu luyện tập thường xuyên nên có nền tảng tốt, qua tập huấn các bạn được nâng cao trình độ.

Tuy nhiên, có những đội văn nghệ ở các xã vùng sâu, vùng xa trình độ học viên không đồng đều, một số học viên không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Kinh), không biết di chuyển đội hình… Nhưng bù lại, họ rất đam mê, yêu thích, hăng say tập luyện.

Học viên có than việc tập múa còn mệt và vất vả hơn đi nương, làm ruộng vì phải quỳ đầu gối đau, tay chân phải làm động tác như thể dục, rồi không có tiền bồi dưỡng luyện tập nhưng thường thì xã, bản trừ ngày công lao động cho từng hộ gia đình”, NSƯT Lò Hải Lam kể.

Là giảng viên nên anh rất hiểu và thông cảm cho các học viên vì “vẫn biết các bạn chưa một ngày nào được học múa (học sinh các trường nghệ thuật đào tạo từ 2 đến 7 năm mới trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp) nhưng chỉ vì đam mê yêu văn hóa văn nghệ mà các bạn đi theo phong trào và giữ gìn được bản sắc dân tộc”.

“Đây là điều rất đáng quý trọng và cần được các cấp chính quyền quan tâm, động viên. Họ sẽ là những “hạt nhân” văn nghệ, giúp vực dậy phong trào văn nghệ tại địa phương”, NSƯT Lò Hải Lam chia sẻ.

Chưa được đào tạo bài bản về viết báo nhưng vì niềm đam mê, yêu thích, từ trách nhiệm của một người con Tây Bắc, những năm qua, NSƯT Lò Hải Lam đã giới thiệu hàng trăm chân dung văn nghệ sĩ Tây Bắc với công chúng xa gần. Trên những tờ báo Sơn La, Biên phòng, Văn hóa, Văn nghệ Công an… thường xuyên xuất hiện bài báo của anh.

Bằng ngòi bút dí dỏm, sự hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ về văn hóa dân tộc, Lò Hải Lam đã khắc họa được chân dung nhân vật một cách đặc sắc, rõ nét. Anh đi vào những “góc khuất” của văn nghệ sĩ để độc giả càng thấy họ lấp lánh, tâm huyết, một lòng, một dạ với nghề, dẫu môi trường nghệ thuật tại vùng núi còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn.

Anh muốn thông qua những bài báo, có thể giúp nghệ sĩ có thêm niềm tin, động lực gắn bó với nghề. Việc viết về họ nhưng cũng là lời tâm sự của anh về chính bản thân mình.

Năng động, tâm huyết, trách nhiệm, NSƯT Lò Hải Lam vẫn ấp ủ nhiều dự định trong thời gian tới. Cùng với nghệ thuật múa, viết báo, anh mong muốn có thể góp sức lực nhỏ bé vào việc xây dựng nền văn hóa dân tộc Thái nói riêng và văn hóa các dân tộc Sơn La nói chung… Có thể nói, ở vùng đất Tây Bắc xa xôi có được nghệ sĩ tâm huyết, tài năng như Lò Hải Lam thật đáng quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ