Nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan thầm lặng cùng múa

GD&TĐ - Cái sự đến với múa, đến với nghiệp nghiên cứu, lí luận của Nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan dường như cũng là sự 'sắp đặt' của ý trời vậy.

Nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan (hàng đầu tiên từ trái sang) trong hội nghị của Tạp chí Nhịp điệu và Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam. Ảnh: Thanh Hoa.
Nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan (hàng đầu tiên từ trái sang) trong hội nghị của Tạp chí Nhịp điệu và Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam. Ảnh: Thanh Hoa.

Không khoa trương, ồn ã, không ganh đua, hiềm tị... nên nhiều người cứ cảm tưởng rằng tất cả mọi sự đến và đi với nhà nghiên cứu múa Phạm Hùng Thoan ở cuộc đời này là “như nó vốn thế”.

Âm thầm cống hiến

Khởi đầu Phạm Hùng Thoan trúng tuyển Khoa Chèo của Trường Trung cấp Ca kịch dân tộc (Hà Nội). Nhưng run rủi một nỗi là sau khi vào học được một năm, bản thân ông và các thầy cô đều nhận thấy chất giọng “trầm” của Hùng Thoan không phù hợp với nghệ thuật truyền thống này.

Vậy là cậu học trò Phạm Hùng Thoan được giới thiệu chuyển sang làm học sinh khóa II của Trường Múa Việt Nam. Chính thức kể từ đây, cuộc đời ông gắn bó với nghiệp múa.

Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp 4 năm trường múa, Phạm Hùng Thoan đầu quân về Nhà hát Giao hưởng – Hợp xướng – Nhạc Vũ Kịch (nay là Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam).

Tám năm làm diễn viên múa ở một nhà hát hàn lâm với những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe về kĩ năng, kĩ thuật biểu diễn, Hùng Thoan đã phải nỗ lực, cố gắng từng ngày trong nhiều tiết mục, vở diễn của nhà hát nhưng chẳng mấy khi thấy ông phàn nàn, kêu khó, than khổ mà cứ lặng lẽ, âm thầm cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Hùng Thoan được tin tưởng giao trọng trách Đoàn trưởng Đoàn Múa và được cử đi học ở Nga (Liên Xô cũ). Sau một năm làm sinh viên dự bị Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov Moskva, ông chính thức trúng tuyển vào Khoa Lý luận Sân khấu của Học viện Sân khấu quốc gia Moskva và được học cùng lớp với nhà lí luận phê bình múa Bùi Đình Phiên (Thái Phiên), PGS.TS Phạm Duy Khuê.

Thật may mắn, vì dù là học Khoa Lý luận Sân khấu nhưng lớp học của ông khi đó lại do GS Nhicolai Iốpxíppôvích Ellias – nhà lí luận phê bình múa nổi tiếng của Liên Xô và thế giới thời đó giảng dạy. Kể từ khi được đi sâu tìm hiểu về lí luận phê bình, Hùng Thoan chợt nhận ra rằng đó mới là nghề phù hợp với tính cách của ông nhất.

Tốt nghiệp về nước, ông được phân công về Viện Văn hóa. Tại đây, Hùng Thoan được dịp phát huy những kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp đã học để áp dụng cho sự nghiệp nghiên cứu, lí luận nước nhà. Ông có mặt hầu hết trong các đề tài, công trình nghiên cứu nghệ thuật múa và văn hóa dân gian của các vùng, miền trên cả nước...

Ông cứ chăm chỉ, cặm cụi phấn đấu từng chút, từ một nghiên cứu viên lên nghiên cứu viên chính, rồi Phó ban Văn hóa dân gian Viện Văn hóa, Phó ban nghiên cứu Múa của Viện Âm nhạc và Múa – Bộ Văn hóa... Cuối cùng, Phạm Hùng Thoan được tin tưởng giao trọng trách là Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.

Có lẽ, nếu nhìn cuộc đời có phần bằng phẳng, thuận lợi của ông, không ít người thầm ghen tị, cho rằng ông thật may mắn khi được ưu ái khá nhiều mà chẳng cần đua tranh, mưu cầu. Nhưng ngẫm lại mới thấy, tất cả những điều ấy không phải vô cớ tìm đến với ông mà là nhờ cả quá trình phấn đấu, nỗ lực bằng cả tình yêu và niềm đam mê dành cho nghệ thuật múa, cho văn hóa dân tộc nước nhà của ông.

Phạm Hùng Thoan là thế, cứ âm thầm nỗ lực, cặm cụi cống hiến bằng cả tâm tình gửi gắm vào từng trang viết, từng đề tài, dự án nghiên cứu dành cho nghệ thuật múa và văn hóa dân tộc mà chẳng màng đến danh lợi, vật chất...

Ông viết không nhiều, không chạy đua thành tích, số lượng nhưng mỗi bài viết, mỗi tác phẩm nghiên cứu của ông đều thể hiện sự cẩn trọng, tỉ mỉ và đạt đến độ sâu sắc cặn kẽ.

Đó cũng là lí do vì sao hầu hết các tác phẩm lí luận, phê bình múa của ông khi gửi xét giải thưởng hàng năm của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam thường nhận được giải thưởng hạng A. Nhiều công trình nghiên cứu, bài viết trở thành những tài liệu quý báu của ngành nghề và giới nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan (thứ 2 từ phải sang) và các phóng viên, BTV Tạp chí Nhịp điệu. Ảnh: Thanh Hoa.

Nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan (thứ 2 từ phải sang) và các phóng viên, BTV Tạp chí Nhịp điệu. Ảnh: Thanh Hoa.

Người thầy tận tâm

Cái sự bình lặng, âm thầm trong tính cách của nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan đi vào cả những bài giảng của chúng tôi. Nhớ lại khoảng thời gian khi tôi còn học lớp Lí luận phê bình múa, thầy điềm tĩnh, chẳng khi nào nóng nảy khi chúng tôi chưa hiểu bài. Thầy cứ kiên nhẫn giảng giải một cách say sưa, nhẫn nại để rồi những kiến thức ấy cứ tự nhiên chảy trôi, ngấm vào tâm khảm mà lũ trò chẳng hề hay biết.

Thầy Hùng Thoan của chúng tôi là vậy, chẳng hề “đao to búa lớn”, mọi vướng mắc, gian khó với thầy dường như đều trở nên nhỏ nhặt, chẳng đáng gì. Kể từ lúc còn là sinh viên cho đến khi là phóng viên, biên tập viên tờ Tạp chí Nhịp điệu do thầy làm Tổng Biên tập chẳng khi nào tôi bắt gặp ở thầy những ngôn từ giáo điều, khuôn phép bắt phải làm thế này, phải viết thế kia.

Chỉ khi tôi thật sự gặp vướng mắc, mất phương hướng về bài vở, đề tài cần đến sự “ra tay” của thầy, thì khi ấy thầy tận tình phân tích, gợi mở cặn kẽ cho đến mọi ngọn nguồn vấn đề mới thôi...

May mắn được làm học trò rồi là đồng nghiệp của nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan, tôi càng nhận thấy ở thầy tồn tại hai con người khác biệt. Nếu trong ứng xử hàng ngày với học trò, với gia đình, đồng nghiệp người ta bắt gặp một Phạm Hùng Thoan thâm trầm, bình lặng thoảng chút nhẫn nhịn, chịu đựng thì trong nghề nghiệp, trong nghiên cứu, trong những cuộc “trà dư tửu hậu” đàm đạo với bạn nghề bỗng dưng lại xuất hiện một Hùng Thoan hùng hồn, sôi nổi khác thường.

Những khi ấy, cái chất giọng tông “trầm” của ông chuyển hẳn sang nốt “cao” một cách quả quyết không gì kìm hãm nổi. Mỗi lần lắng nghe những cuộc tranh luận, trao đổi về nghề nghiệp của ông, tôi chợt “ngấm” và “thấm” thêm nhiều điều về công tác nghiên cứu, lí luận phê bình mà mình theo đuổi.

Từ trong sâu thẳm trái tim nhỏ bé của mình, tôi luôn thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được làm học trò và đồng nghiệp của nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan – một người thầy không chỉ truyền dạy kiến thức trên lớp học, mà còn giúp tôi ngày càng “ngộ” ra nhiều điều kính nể, đáng học hỏi, trân trọng từ ông trong những va vấp cuộc sống sau này.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái chủ trì phiên họp. (Ảnh: CTTĐT Yên Bái)

21 Đảng viên ở Yên Bái bị khởi tố

GD&TĐ - Cơ quan điều tra công an các cấp tại Yên Bái khởi tố 13 vụ/29 bị can liên quan đến kinh tế, tham nhũng, trong đó có 21 bị can là đảng viên.